Chiều ngày 30/9, lãnh đạo UBND phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, cho biết, công an phường này vừa nhận trình báo của chủ nhà hàng Tâm Phúc về việc nhà hàng bị khách đặt rạp, cỗ đám cưới nhưng bị 'đánh tháo'.
Hình ảnh về rạp cưới rất dài dựng bên đường cùng những mâm cỗ cưới bị "bom". Ảnh: FB
Tối cùng ngày, anh Vũ Thế Long (chủ nhà hàng Tâm Phúc, ở phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), cho biết vẫn đang chờ công an xác minh, tìm cặp cô dâu, chú rể đã đặt 350 mâm cỗ cưới của nhà hàng rồi "bùng".
Theo đại diện nhà hàng Tâm Phúc cho biết họ nhận đơn đặt hàng làm cỗ khoảng 1 tuần trước.
"Họ đặt 350 mâm cỗ cùng rạp cưới vào chiều nay (30/9). Trong đó, nhà gái đặt 200 mâm ở quê, còn nhà trai đặt 150 ở phường Mường Thanh. Nhưng đến giờ, chúng tôi không thấy người đặt cỗ hay bất kỳ vị khách cũng như cô dâu, chú rể đến dự tiệc. Tôi cũng không liên lạc được với họ", trên Zingnews.vn dẫn lời đại diện nhà hàng nói.
"Gia đình tôi đến nay làm cỗ đã 17 năm, phục vụ bao nhiêu đám nhưng tôi chưa từng bị như thế này. Tôi gọi điện giờ họ không nghe máy mặc dù vẫn có chuông. Trước nay tôi coi trọng chữ tín, khách hay đến ăn tại nhà hàng nên tôi tin tưởng để gặp tình huống này", anh Long ngậm ngùi. Ảnh: FB
Theo anh Long, chi phí cho 350 mâm cỗ và dựng rạp là khoảng 300 triệu đồng, khách hàng đặt cỗ là người quen nên không nhận tiền cọc trước khi làm cỗ. "Cặp nam nữ này là khách hàng hay ăn tại quán, thường nhậu tại nhà hàng tôi. Khi họ đặt yêu cầu làm cỗ cưới thì tôi đồng ý", chủ nhà hàng nói và cho biết thỏa thuận làm tiệc cưới giữa 2 bên không có giấy tờ, hợp đồng chỉ bằng miệng.
Nghi có chuyện gia đình anh Long tìm về tận xã nhà trai nhưng không gặp được ai. Đến chiều nay điện thoại gọi có chuông nhưng không ai nghe máy. Ảnh: FB
"Khi nhận đơn đặt hàng, tôi có nói chuyện điện thoại với một số người xưng là bố mẹ của đôi nam nữ. Thỏa thuận giữa tôi và họ chỉ qua điện thoại, không có hợp đồng, tôi cũng chưa gặp họ lần nào", đại diện nhà hàng Tâm Phúc nói và cho biết trước khi làm cỗ, anh có yêu cầu bố mẹ của cô dâu, chú rể đặt cọc 30 triệu đồng. Ban đầu họ đồng ý nhưng xin khất, đến khi nào gần ngày tiệc thì trả. Nhưng sát ngày làm đám cưới, họ vẫn tìm cách để né tránh và không thanh toán tiền cọc.
Sau khi bị bom 150 mâm cỗ, nhà hàng đang kêu gọi người dân có lòng tốt đến giải cứu số lượng lớn đồ ăn đã chuẩn bị cho 'đám cưới ảo' này.
Cũng theo anh Long, sau khi không thấy ai đến, anh có đến nhà của cô dâu, chú rể nhưng bố mẹ của họ bảo không biết gì. Không có đám cưới nào giữa 2 người. Tôi có hỏi đôi nam nữ giờ ở đâu, họ cũng không nắm được, nên giờ chỉ trông đợi vào công an.
Trong khi đó, chị Tuyết (vợ của chủ nhà hàng Phúc Tâm) cũng cho biết, sáng nay cô dâu còn ra thử váy cưới, thuê trang điểm và không có biểu hiện gì bất thường.
Rạp cưới khoảng hơn 20 triệu.
"Giờ gia đình mình cũng muốn biết nguyên nhân tại sao mà cô dâu cũng như chú rể lại làm như vậy. Gia đình mình không có thù oán gì với họ cả", chị Tuyết nói và cho biết, từ trước đến giờ nhà hàng chị chưa gặp trường hợp nào như thế này.
Theo chị Tuyết, hôm đến đặt cỗ có mình cô dâu tới đặt cỗ, còn 1 số điện thoại xưng là bố cô dâu và 1 số điện thoại khác gọi điện xưng là chú rể cũng gọi điện cho nhà hàng nên chúng tôi càng tin.
"Chi phí 150 mâm cỗ, dựng rạp (phông, bàn ghế) và thuê nhân viên phục vụ khoảng hơn 200 triệu đồng. Chiều nay, sau khi bị 'bom' cỗ, để gỡ gạc vốn, gia đình chị và mọi người đã kêu gọi người dân trên địa bàn TP đến 'giải cứu' cỗ. Số tiền gia đình chị nhận được sau khi thanh lý 150 mâm cỗ là 30 triệu đồng", chị Tuyết cho biết thêm.