Trong tiềm thức mỗi người dân Việt Nam, “mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy” đã là một truyền thống đạo lý tốt đẹp dịp Tết Nguyên đán.
Trong khói hương trầm nghi ngút và tiết trời rét ngọt những ngày tết đến xuân về, người người lại cùng nhau bàn chuyện “mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”. Đó là sự thể hiện lòng tôn kính với những người quan trọng nhất trong cuộc đời mình.
Khi trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin về phong tục tốt đẹp này, ông Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng viện nghiên cứu văn hóa Thăng Long khẳng định: “Đây là tục lệ mang tính truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ lâu đời”.
Một năm với nhiều công việc bận rộn, Tết là thời điểm mà các thành viên trong gia đình có dịp quây quần bên nhau, cùng nhau nhìn lại một năm với thành quả, thất bại, những điều đã làm được và chưa làm được, cũng là cơ hội chia sẻ những kế hoạch của năm mới với nhiều hy vọng. Vì vậy, Tết là thời gian đặc biệt của một năm, người người chúc nhau Bình An, hạnh phúc.
Tết Nguyên đán là kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm, là khoảng thời gian đẹp để mọi người gặp gỡ, chúc nhau những điều tốt đẹp. Tết còn với một ý nghĩa sum họp, sum vầy gắn kết mọi người gần nhau hơn, cũng là dịp để nghỉ ngơi sau một năm bận rộn trong công việc.
Ông Nguyễn Viết Chức chia sẻ: “Với người dân Việt Nam, ngày Tết âm lịch thường là thời gian dành cho cho gia đình.
Ngày Tết, hai đối tượng được quan tâm nhiều hơn cả là người già (ông bà, cha mẹ) và thế hệ cháu chắt. Người già thường được chúc thọ còn các cháu bé được mừng tuổi để hay ăn chóng lớn. Tục lệ này rất tốt đẹp và cho đến bây giờ, các gia đình Việt Nam vẫn hướng và giữ gìn điều đó.
Người thầy trong xã hội được hiểu không chỉ là thầy giáo. Nhiều nơi, người dân vẫn gọi cha là thầy, gọi mẹ là u. Đó là sự kính trọng dành cho bậc làm thầy. Chính vì thế, có thể nói, với mỗi con người, ba đối tượng được kính trọng nhất là cha, mẹ và thầy giáo. Cho nên người xưa mới đúc kết câu “mừng 1 tết cha mùng 2 tết mẹ mùng 3 tết thầy”, tức là dành trọn thời gian nghỉ ngơi của một năm cho những người quan trọng nhất trong cuộc đời mình”.
“Thông thường, trong các ngày Tết, gia đình đều làm cỗ thắp hương cúng ông bà tổ tiên. Với người còn sống bao giờ cũng có lễ như việc mừng tuổi cho cha, mẹ, thể hiện đạo hiếu của con với cha mẹ, với thầy giáo của mình cũng thể hiện đạo lý “tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam.
Người cha mẹ sinh ra mình, nuôi dưỡng mình, lớn lên làm người nhưng người thầy lại chính là người dạy giỗ mình nên người. Ngày xưa, ông bà ta vẫn coi sự học không phải chỉ là để biết chữ mà còn học để làm người nữa. Cho nên, muốn nên người phải có cha có mẹ nuôi dưỡng và cần người thầy dạy dỗ mình đạo làm người.
Việc thể hiện đạo lý của người Việt Nam với những điều quan trọng nhất của cuộc đời mình là tục rất tốt đẹp”, ông Chức nhấn mạnh.
Cũng theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Viết Chức: “Lễ không phải là điều gì lớn lao về ý nghĩa vật chất. Ngày xưa có thể có chai rượu, đôi gà, còn với bố mẹ có thể có phong bao gọi là mừng thọ hoặc những lời chúc tốt đẹp nhất. Nhưng ý nghĩa mà phong tục này mang lại là rất lớn, nó không chỉ là ý nghĩa nhân văn, văn hóa, mà còn để tu luyện đạo đức của con người. Con người phải nhớ công ơn sinh thành của cha mẹ, “công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Với người thầy, nhớ, tri ân là bằng tình cảm, thái độ chứ không phải là vật chất. Tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình, của từng người để thể hiện tình cảm với cha mẹ, thầy cô giáo của mình bằng những cách khác nhau. Cái tôi muốn nhấn mạnh là ý nghĩa về tinh thần văn hóa chứ không phải ý nghĩa về vật chất. Dù không trở thành quy đình khắt khe, bắt buộc nhưng con người luôn nhớ “mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy” là truyền thống tốt đẹp, chúng ta cần phải duy trì và phát huy”.
D.T