Câu chuyện nhập nhèm, ăn gian phí dịch vụ 3G của các nhà mạng di động chưa bao giờ nóng bỏng và gây bức xúc dư luận như thời điểm hiện tại.
Trừ nhầm tiền rồi... xin lỗi!
Tình trạng nhập nhèm cách tính phí dịch vụ 3G của các nhà mạng viễn thông ngày càng gây bức xúc, khó chịu và khiến nhiều khách hàng mất niềm tin. Điển hình như trường hợp của ông ông N.V.L (trú tại P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ trên báo Thanh Niên, Ông L sử dụng dịch vụ thuê bao trả sau của Viettel từ ngày 29.6.2014 và gói cước DK150. Theo đó, với phí tham gia khuyến mãi là 100.000 đồng/tháng, thuê bao được hưởng 300 phút gọi nội mạng/tháng miễn phí và được 300 MB lưu lượng miễn phí sử dụng 3G. Khi hết hệ thống sẽ tính cước lưu lượng vượt định mức 25 đồng/50 kb.
Câu chuyện giá cước 3G nhập nhèm khiến nhiều người bức xúc. Nguồn: Internet |
Tuy nhiên, tháng nào tháng nào ông L cũng bị tính cước lên tới vài trăm nghìn đồng mặc dù ông không dùng nhiều. Khi hỏi lại nhân viên hỗ trợ và yêu cầu cung cấp bảng chi tiết tính cước, ông phát hiện thấy có một khoản “dịch vụ giá trị gia tăng khác” (dao động mỗi tháng 200.000 - 300.000 đồng/tháng). Ông L đã hỏi đi hỏi lại nhưng nhân viên của Viettel vẫn không trả lời được câu hỏi mà ông đưa ra.
Đến tháng 9.2015, tình trạng trên lại tiếp tục diễn ra, ông L quyết định phải đến trụ sở Vietel để làm cho ra lẽ. Sau 1 tháng trời bám trụ, kết quả là đến cuối tháng 9.2015, ông L đã nhận được phản hồi của chi nhánh Viettel Hà Nội, với nội dung: “Tháng 5.2015 thuê bao của quý khách đã sử dụng hết tổng lưu lượng 437.691 kb. Theo ưu đãi, quý khách được trừ 300 MB = 307.200 kb miễn phí. Tuy nhiên, hệ thống mới trừ 102.400 kb, còn lại 335.291 kb hệ thống tính vượt cước lưu lượng định mức là 25 đồng/50 kb tương ứng với 170.425 đồng. Để đảm bảo quyền lợi của quý khách chúng tôi sẽ điều chỉnh số tiền còn lại 105.179 đồng vào chu kỳ tính cước tháng 9.2015. Chúng tôi thành thật xin lỗi quý khách vì để xảy ra sự cố nêu trên”.
Tuy nhiên, trường hợp của ông L chỉ là hi hữu nhận được câu trả lời rõ ràng từ Vietel nhưng trong thực tế có hàng ngàn trường hợp bị nhà mạng này nhập nhèm tính cước khi yêu cầu truy thu thì nhân viên không đưa ra được câu trả lời rõ ràng. Đa số, những trường hợp nhà mạng tính sai trong 1 thời gian dài, khách hàng chỉ nhận được 1 khoản đền bù tương ứng với số tiền bị mất và 1 lời xin lỗi mà không phải gánh chịu bất kì trách nhiệm pháp lí nào.
Phí 3G “rẻ” ở khu vực và cái lợi ngàn tỷ?
Theo các nhà mạng di động ở Việt Nam, giá dịch vụ 3G ở nước ta hiện nay đang ở mức “rẻ” trong khu vực, bằng 35 - 68% so với mức giá thành của dịch vụ. Còn theo số liệu do Bộ Thông tin - Truyền thông, giá cước 3G nước ta trung bình là 111 đồng/Mb, chỉ bằng 34,9% giá cước trung bình của khu vực ASEAN (318 đồng/Mb).
Tuy nhiên, đây là một phép so sánh không tương xứng về nhiều mặt. Bởi thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam khác với các nước trong khu vực và quan trọng nhất là chất lượng cơ sở hạ tầng viễn thông, tài nguyên viễn thông, các Chính sách thuế và phí của các quốc gia trong khu vực hiện đại gấp nhiều lần so với Việt Nam. Vì vậy, nếu đặt giá cước 3G của Việt Nam lên bàn cân, tính một cách công bằng thì nhiều gói cước ở nước ta đắt gấp nhiều lần so với khu vực.
Giá cao nhưng nếu chất lượng dịch vụ tốt thì khách hàng sẽ không có nhiều phàn nàn. Nhưng trong thực tế, chất lượng dịch vụ 3G ở nhiều nơi, xa các trung tâm viễn thông rất chập chờn, nhiều người nói đùa rằng: “phải trèo lên ngọn cây mới thấy sóng 3G”.
Bên cạnh đó, theo ông Phạm Tiến Thịnh, một chuyên gia về viễn thông, nhận định trên báo Thanh Niên: "Việt Nam không có một cơ quan quản lý thị trường viễn thông độc lập như các nước nên chất lượng 3G cũng như giá thành khó kiểm soát. Từ đó việc bảo vệ quyền lợi cho người dùng cũng chưa thực thi được. Hiện nay, thị trường viễn thông dường như đang tuân theo mối quan hệ 1 chiều, nghĩa là khách hàng phải “chiều” theo chính sách của các nhà mạng. Bên cạnh đó, chính giá cước bất hợp lý trên là tác nhân chính giúp cho số lãi của các nhà mạng tăng lên con số hàng nghìn tỷ đồng như: lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn Viettel năm 2014 là 42.000 tỉ đồng, MobiFone 7.300 tỉ đồng..."
Trước thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải có quy định để siết chặt hơn công tác giám sát cách tính tiền của dịch vụ 3G cũng như các dịch vụ khác của các nhà mạng. Từ đó, tạo ra động lực để cạnh tranh bình đẳng trong môi trường viễn thông. Đồng thời, giúp người dân không còn cảm giác bị lừa, bị ăn gian tiền như trong câu chuyện nhập nhèm giá cước 3G mà báo Thanh Niên nêu ra.
Nhân Văn (tổng hợp)