Theo ghi nhận, trưa 11/3, nhiều cây xăng tại Hà Nội treo biển hết hàng. Trước thông tin giá xăng sẽ được điều chỉnh tăng vào chiều nay nên ngay từ trong đêm 10/3 và sáng 11/3, nhiều người dân mang theo can, thùng để mua thêm xăng.
Việc người dân ồ ạt đi mua xăng trước thời điểm dự kiến giá xăng sẽ được điều chỉnh tăng khiến nhiều cây xăng tại Hà Nội đồng loạt treo biển "hết hàng". Tại một cửa hàng xăng dầu trên đường Thụy Khuê (Tây Hồ), người dân tới mua xăng phải ngậm ngùi "quay xe" vì nhân viên thông báo hết hàng.
Ghị nhận của PV Tuổi trẻ, tại một số cây xăng lớn ở quận Hà Đông, Thanh Xuân cũng đều treo biển hết xăng. Cây xăng ở số 125 đường Trần Phú, phường Văn Quán, Hà Đông; cây xăng 497 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân; cửa hàng xăng số 42 (231 đường Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, Thanh Xuân)... cũng đồng loạt treo biển "hết xăng", ngừng phục vụ.
Để tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này, ngay trong tối 10/3, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường phối hợp với công an và lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của toàn bộ các cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo Vietnamplus, lực lượng phối hợp cũng nhắc nhở, chấn chỉnh một số cửa hàng xăng, dầu có hiện tượng nghỉ trước giờ đã công bố, nếu tiếp tục tái phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, đoàn kiểm tra đã phát hiện 1 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Nhật Thu tại địa chỉ Phùng Xá, huyện Thạch Thất có hành vi ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định, nên đã phạt tiền là 15.000.000 đồng.
Theo quy định, tùy thuộc giá trị và tính chất hàng hóa, mức phạt tối đa cho hành vi đầu cơ là 100 triệu đồng cùng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm 6-12 tháng.
Trường hợp hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự, người vi phạm có thể bị khởi tố về tội Đầu cơ theo Điều 196 Bộ luật Hình sự 2015.
Đối với hành vi găm hàng, khung hình phạt tối đa áp dụng là 20-30 triệu đồng, căn cứ Điều 32 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
Ngoài ra, trường hợp các cây xăng ngừng bán hàng không nhằm mục đích đầu cơ, găm hàng mà vì các lý do khác ngoài lý do hết hàng, họ vẫn có thể bị xử phạt theo Nghị định 99/2020/NĐ-CP của Chính phủ.