Tin mới

Những ám ảnh rợn người trong tháng cô hồn

Thứ ba, 12/08/2014, 06:46 (GMT+7)

Sự việc người đàn ông gần 50 tuổi phát cơm chay từ thiện tại quận 6, TP.HCM bị đâm chết hôm 10/8 cùng hình ảnh giật đồ cúng đến hỗn loạn để lại nỗi nhức nhối với nhiều bạn đọc.

Sự việc người đàn ông gần 50 tuổi phát cơm chay Từ thiện tại quận 6, TP.HCM bị đâm chết hôm 10/8 cùng hình ảnh giật đồ cúng đến hỗn loạn để lại nỗi nhức nhối với nhiều bạn đọc.

 

Làm phúc phải tội

Đau lòng khi đọc dòng tin trên báo chí, Bảo Nguyễn không thể hiểu được vì sao lại có loại người nhẫn tâm như vậy. "Người ta làm việc thiện, cớ sao vì chút mâu thuẫn dùng dao đâm chết họ? Xã hội bây giờ thật là phức tạp, sống nay chết mai, làm việc tốt cũng bị những người xấu hãm hại. Có thể là cặp vợ chồng này có mâu thuẫn với ai truớc đó, nhưng vụ việc đã xảy ra quá tàn nhẫn, cần tìm ra hung thủ xử lý theo pháp luật", Bảo Nguyễn chia sẻ.

Bạn Minh lại ngẫm sâu xa hơn và tỏ ra lo ngại, con người trong xã hội hiện đại ngày càng trở nên vô cảm hơn bởi những người làm việc thiện đôi khi gặp hoàn cảnh vô cùng éo le, ngang trái. Trong khi đó, biết bao người xấu xa lại sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Làm từ thiện trong ngày cô hồn xảy ra án mạng khiến nhiều người lo lắng.

“Tôi biết rằng mất niềm tin là mất tất cả nên vẫn tự dặn mình hãy cứ làm việc thiện, hãy cứ tin tưởng vào luật nhân quả, dù gần đây có biết bao nghịch cảnh trái mắt trái tai như vụ chùa Bồ Đề. Nhưng tôi chỉ lo rằng, dù tâm bảo mình phải hướng thiện, nhưng lý trí lại cảnh tỉnh, ngăn không cho mình làm những việc tốt", Minh gửi gắm.

Bạn đọc này bày tỏ mong mỏi xã hội, cộng đồng hãy tôn vinh những người tốt, hãy góp tiếng nói để họ cảm thấy bình tâm với công việc thiện nguyện. Còn những kẻ xấu xa thì phải được đưa ra ánh sáng, để trả giá và không còn dám coi thường pháp luật, coi thường sinh mạng của người khác.

Ám ảnh với hình ảnh giật đồ cúng như 'ma đói'

 Cùng với tai nạn kể trên, hình ảnh cướp giật đồ cúng cô hồn cũng khiến nhiều bạn đọc trăn trở. Một giáo viên cấp 2 chia sẻ: “Tôi tự hỏi, nếu người nước ngoài nhìn thấy những hình ảnh giật đồ cúng một cách sống sượng, họ sẽ nghĩ gì về xã hội Việt Nam ngày nay? Bức tranh chẳng khác nào ở nơi ăn lông ở lỗ, nơi nạn đói đang hoành hành".

Phản bác suy nghĩ của nhiều người cho rằng việc tranh cướp là truyền thống, phong tục có từ xưa, giáo viên này đề nghị: "Trước đây cô hồn chỉ “cướp” những đồ cúng chúng sinh đã được vãi ra đường, không có chuyện chưa cúng đã bị cướp trắng trợn. Dù đồ bị cướp chỉ là miếng ăn, nhưng tôi muốn chính quyền địa phương can thiệp, không thể để truyền thống bị biến tướng như vậy".

"Đội quân" cô hồn khiến nhiều gia đình chủ nhà sợ hãi.

Một thanh niên 15 tuổi cũng gửi ý kiến tới tòa soạn: “Mới đây, tôi chứng kiến 2 thanh niên lái xe máy cướp 2 con gà luộc, vì quá hấp tấp nên họ ngã xe, té chết tại chỗ. Tôi vẫn không hiểu vì sao họ chẳng rút ra được bài học kinh nghiệm. Gia đình tôi chưa kịp cúng cũng bị đội quân cô hồn đến “thăm hỏi”, cướp sạch hầu như chẳng còn gì. Giờ cúng đã định, con cái trong nhà tề tựu đầy đủ, chúng tôi đành vội vàng ra chợ kiếm chút đồ để hoàn tất bữa cúng”.

Bạn Giang Trần thắc mắc: “Tôi không thể tin nổi hành động tranh cướp, giành giật đồ cúng. Những người già không có sức lao động nên đến lấy đồ không đáng bị chỉ trích, nhưng những anh thanh niên khỏe mạnh cũng tranh cướp với người già, trẻ nhỏ như ma đói”.

Tháng cô hồn… nhớ tuổi thơ

Đối với nhiều người Việt Nam, mỗi năm đến Rằm tháng 7 lại là dịp giúp họ nhớ về những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ và báo hiếu dành cho cha mẹ. Mới đây, hình ảnh nhiều người dân Hà Nội tập trung trước tổ đình Phúc Khánh tại phố Tây Sơn để làm lễ báo hiếu khiến tuyến đường ùn tắc kéo dài cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Một số người quan niệm, Vu Lan mỗi năm chỉ có một lần nên nhân dịp này họ phải cầu nguyện, gửi tình cảm đến đấng sinh thành. Hành động báo hiếu của người già, thanh niên tri thức tại phố Tây Sơn cũng như nhiều người đến chật kín các chùa để thắp nhang là xuất phát từ ý tốt. Song, theo quan điểm của bạn Linh Giang, mỗi người nên thể hiện tình cảm, tấm lòng cho bố mẹ từ những việc nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống hàng ngày. Với những người cha mẹ đã mất có thể tưởng niệm người thân bằng tâm, không cần thiết phải thể hiện thái quá.

Con cái phải có hiếu với cha mẹ dù họ còn sống hay đã mất là nét đẹp trong truyền thống văn hóa bao đời nay của người Việt. Vì vậy, mỗi người cần duy trì và phát huy bằng hành động thực tế, không nên a dua, chạy theo phong trào.

Với Thanh Tâm, mỗi năm vào rằm tháng 7 cô lại nhớ đến người mẹ đã mất. Cô bộc bạch: “Mẹ mất, tôi trở thành đứa trẻ mồ côi và đang sống xa quê nên luôn thấy cô độc. Thế nhưng, cứ đến tháng 7 âm lịch, tôi lại chọn cho mình cách ăn chay nửa tháng để nhớ về mẹ, nhớ về tuổi thơ tôi ở nơi quê nhà. Cách làm này cũng giúp lòng tôi được nhẹ nhàng, thanh tịnh hơn”.

Độc giả Phan Linh cũng nhớ lại ngày còn bé cùng bạn bè, hàng xóm rủ rê nhau đi “giựt cô hồn”. Tuy mọi người gọi là “giựt cô hồn”, nhưng thật ra, mỗi đứa trẻ cầm theo một bao đựng gạo đi quanh xóm và đợi các nhà cúng xong mang bánh kẹo phân phát, rất vui. Bây giờ cô đã lớn, không còn trẻ con quanh mình được tận hưởng không khí vui vẻ, nhẹ nhàng của ngày xưa.

Bông hồng đỏ cài áo dành cho những người còn cha mẹ.

Anh Võ Minh Thanh, một người sinh ra và lớn lên là Huế, kể, nơi anh sống có ngày cô hồn 23/5 rất vui. Những người đến giành giật đồ cúng xem sự kiện này như một hoạt động thi đua, tranh xem khi kết thúc ai là người được nhận nhiều đồ cô hồn nhất. Tất nhiên những người "tổ chức" không cảm thấy khó chịu vì mọi người tham gia một cách lành mạnh.

“Những 'cô hồn' tham gia đều là trẻ em hoặc thanh niên. Sau những trận 'thư hùng', các anh vẫn bá vai bá cổ nói chuyện và cùng nhau dọn dẹp 'đống đổ nát' ở trước mặt nhà người cúng”, anh cho biết.

Xem thêm:

>> 6 “tội lỗi” lớn nhất mà người Việt đang mắc phải khi đốt vàng mã

>> Vụ chùa Bồ Đề: Cô giáo trẻ bị dọa đày xuống 18 tầng địa ngục

>> Người đẹp miền Tây giành giật ba con từ tay tử thần

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news