Tin mới

Những chính sách mới quan trọng có hiệu lực từ giữa tháng 01/2024

Thứ sáu, 12/01/2024, 17:38 (GMT+7)

Từ giữa tháng 1/2024, có nhiều chính sách mới nổi bật có hiệu lực như quy định mới về kê khai thu, nộp phí, quyết toán lệ phí; Trường hợp phải dừng ca thi kiểm định chất lượng đầu vào công chức; Cách xếp lương giáo viên dự bị đại học.

Cách xếp lương giáo viên dự bị đại học từ 15/01/2024

Ảnh minh họa. Ảnh Internet.
Ảnh minh họa. Ảnh Internet.

Ngày 28/11/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 22/2023/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trường dự bị đại học.

Theo đó, viên chức được bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học quy định tại Thông tư này được áp dụng bảng lương tương ứng ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP như sau:

- Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng III (mã số v.07.07.19) áp dụng hệ số lương viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 - 4,98;

- Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng II (mã số v.07.07.18) áp dụng hệ số lương viên chức loại A2 (nhóm A2.2), từ hệ số lương 4,00 - 6,38;

- Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng I (mã số v.07.07.17) áp dụng hệ số lương viên chức loại A2 (nhóm A2.1), từ hệ số lương 4,40 - 6,78.

Việc xếp lương khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2007/TT-BNV và theo quy định hiện hành của pháp luật. Khi thực hiện Chính sách tiền lương mới, việc xếp sang lương mới thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Thông tư 22/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/01/2024.

Quy định mới về kê khai thu, nộp phí, quyết toán lệ phí từ ngày 12/01/2024

Ảnh minh họa. Ảnh Internet.
Ảnh minh họa. Ảnh Internet.

Ngày 28/11/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 82/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 120/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phí và lệ phí.

Theo đó, việc kê khai, thu, nộp phí, lệ phí và quyết toán phí từ ngày 12/01/2024 được thực hiện như sau:

- Người nộp phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí theo tháng, quý, năm hoặc theo từng lần phát sinh; nộp phí, lệ phí cho tổ chức thu hoặc Kho bạc Nhà nước bằng các hình thức: Nộp trực tiếp bằng tiền mặt hoặc thông qua tổ chức tín dụng, tổ chức dịch vụ và hình thức khác theo quy định của pháp luật. 

Căn cứ tính chất, đặc điểm của từng khoản phí, lệ phí, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Phí và lệ phí 2015 quy định cụ thể hình thức nộp, kỳ kê khai, nộp phí, lệ phí cho phù hợp.

- Tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí thu được như sau:

+ Định kỳ hằng ngày; tuần hoặc tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu được vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách tại Kho bạc Nhà nước; tổ chức thu lệ phí phải gửi số tiền lệ phí thu được vào tài khoản lệ phí chờ nộp ngân sách hoặc nộp lệ phí vào tài khoản thu ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước.

Căn cứ số tiền phí, lệ phí thu được nhiều hay ít, nơi thu phí, lệ phí xa hay gần Kho bạc Nhà nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Phí và lệ phí 2015 quy định định kỳ ngày; tuần hoặc tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu được trong kỳ vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách, tổ chức thu lệ phí phải gửi số tiền lệ phí đã thu được trong kỳ vào tài khoản lệ phí chờ nộp ngân sách hoặc tài khoản thu ngân sách nhà nước.

+ Tổ chức thu phí kê khai, nộp tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo tháng, quyết toán năm và tổ chức thu lệ phí kê khai, nộp lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước theo tháng theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019, Nghị định 126/2020/NĐ-CP , Nghị định 91/2022/NĐ-CP .

+ Tổ chức thu phí hải quan, lệ phí hàng hóa, hành lý, phương tiện vận tải quá cảnh, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thu phí, lệ phí thực hiện kê khai, thu, nộp phí, lệ phí theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP .

Nghị định 82/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/01/2024.

Trường hợp phải dừng ca thi kiểm định chất lượng đầu vào công chức từ ngày 15/01/2024

dừng ca thi kiểm định chất lượng đầu vào công chức
dừng ca thi kiểm định chất lượng đầu vào công chức

Ngày 29/11/2023, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 17/2023/TT-BNV về Nội quy và Quy chế tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Cụ thể, khi xảy ra tình huống bất thường trong coi thi phải nhanh chóng tìm các giải pháp khắc phục nguyên nhân dẫn đến tình trạng gián đoạn của kỳ thi. Nếu tổng thời gian gián đoạn ca thi quá 15 phút vì bất kỳ lý do nào thì phải dừng ca thi.

Theo đó, việc dừng ca thi với một hoặc nhiều thí sinh do Trưởng ban coi thi quyết định. Việc dừng ca thi với phòng thi, điểm thi do Chủ tịch Hội đồng kiểm định quyết định.

Khi phải dừng ca thi, Trưởng điểm thi có trách nhiệm trực tiếp nhắc lại cho thí sinh về quyền và nghĩa vụ của thí sinh; tổ chức thực hiện quy trình chuyển ca thi, chuyển đợt thi hoặc ghi nhận nguyện vọng khác của thí sinh để tiếp tục xử lý.

Trường hợp xảy ra sự cố máy thi làm gián đoạn việc làm bài thi của thí sinh hoặc làm ảnh hưởng đến kết quả làm bài của thí sinh thì giám thị phòng thi, kỹ thuật viên máy tính phải lập biên bản xác nhận sự cố, báo ngay với giám thị hành lang để báo cáo Trưởng điểm thi xem xét cho thí sinh được làm lại bài thi trong ca thi sau.

Thông tư 17/2023/TT-BNV có hiệu lực từ ngày 15/01/2024.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: chính sách