(Tinmoi.vn) Từ năm 2009 đến nay, Trung Quốc nhiều lần đơn phương gây hấn nhưng "càng nhịn nhượng, Trung Quốc càng lấn tới" nên Việt Nam đã phải có những động thái mạnh mẽ hơn để bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Các hành động gây hấn đơn phương của Trung Quốc từ năm 2009 tới nay
Từ năm 2009 tới nay, Trung Quốc liên tiếp đơn phương gây hấn với Việt Nam và các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông ở nhiều cấp độ khác nhau nhưng đều nhằm thực hiện âm mưu độc chiếm biển Đông. Vị trí các điểm Trung Quốc gây hấn đều nằm trong đường chín đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra và tuyên bố đơn phương.
Theo quan sát của các chuyên gia, các hành động mang tính gây hấn đơn phương của Trung Quốc trong 4 năm qua có một điểm chung là đều diễn ra trước mỗi kỳ đối thoại Shangri-la.
Cụ thể, 5h58 phút ngày 26/5/2011, trước khi kỳ đối thoại Shangri-la diễn ra 10 ngày, 3 tàu hải giám Trung Quốc đã vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để cắt cáp tàu Bình Minh 02 của tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam. Vị trí mà 3 tàu hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 chỉ cách mũi Đại Lãnh, Phú Yên khoảng 120 hải lý.
Tương tự, trước thềm đối thoại shang ry la năm 2012, Trung Quốc tiếp tục có hành động gây hấn đơn phương nghiêm trọng khiến tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng hơn. Sự việc xảy ra vào tháng 4/2012, Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough của Philippines bằng việc kéo gần 100 tàu thuyền các loại ra bãi cạn này chiếm đóng.
Tiếp tục chiêu trò cũ, ngày 20/3/2013, trước thềm đối thoại Shangri-la 2013 khoảng 1,5 tháng, một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi trong lúc đang đánh bắt tại ngư trường truyền thống thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc truy đuổi và bắn cháy cabin.
An toàn Biển Đông bị đe dọa nghiêm trọng khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 vào vị trí hoàn toàn nằm trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chỉ cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 120 hải lý về phía đông của Trung Quốc vào ngày 2/5 vừa qua - trước thềm hội nghị Shangri-la 2014 một tháng khiến tình hình biển Đông trở nên đặc biệt nguy hiểm.
Không dừng lại ở đó, suốt hơn tháng qua Trung Quốc liên tiếp đưa các loại tàu, trong đó có cả tàu chiến, tàu ngầm tên lửa, máy bay vào vùng biển Việt Nam và cố tình gây va chạm, khiêu khích lực lượng chấp pháp của Việt Nam trên biển. Đặc biệt nghiêm trọng, tối 26/5, một tàu cá Đà Nẵng đã bị tàu cá Trung Quốc truy đuổi và đâm chìm.
Những vi phạm nghiêm trọng trên của Trung Quốc trong 4 năm qua, cho thấy sự gây hấn của Trung Quốc đang có xu hướng mở rộng, táo tợn và liều lĩnh hơn để chứng tỏ rằng đang hiện thực hoá yêu sách đường lưỡi bò phi pháp mà họ tự vẽ ra.
Việt Nam tăng cấp phản ứng
Trung Quốc hung hăng, ngang ngược là vậy nhưng những năm qua, Việt Nam đã rất kiềm chế để giải quyết các tranh chấp bằng đối thoại ngoại giao. Tuy nhiên, như nhiều học giả nhận định: “Việt Nam càng nhịn nhượng thì Trung Quốc lại càng hành xử hung hăng, tàn bạo”. Chính vì thế, để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, Việt Nam đã có những động thái mạnh mẽ, quyết liệt hơn trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Thực tế, khi Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 (năm 2011 - 2012) và truy đuổi, bắn cháy cabin tàu cá của ngư dân (2013), Việt Nam mới dừng lại ở việc trao công hàm cho đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam phản đối, yêu cầu chấm dứt, không để tái diễn những hành động gây hấn. Tuy nhiên, lần này, sau nhiều lần trao công hàm yêu cầu, Trung Quốc vẫn ngang ngạnh, trơ tráo buộc Việt Nam đã phải có những động thái mạnh hơn như: mít tinh biểu tình đúng pháp luật, họp báo quốc tế, gửi công hàm lên liên hiệp quốc…. Những phản ứng này chưa từng xuất hiện trước đây.
Cụ thể, sau khi Trụng Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981, người dân trong nước và hơn 4 triệu kiều bào ở nước ngoài đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh tuần hành hợp pháp để biểu thị lòng yêu nước và phản đối hành động vi phạm của Trung Quốc. Hoạt động này cũng được các kênh truyền thông đưa tin kịp thời, chính xác và nhận được ủng hộ của người dân nhiều nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, Việt Nam triển khai các biện pháp đấu tranh ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế.
Từ ngày 2/5 đến nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã 3 lần tổ chức họp báo quốc tế thông báo về tình hình Trung Quốc vi phạm tại khu vực biển thuộc đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Lần đầu tiên được tổ chức sau 5 ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (ngày 7/5) và lần họp báo quốc tế lần thứ 3, gần đây nhất là ngày 5/6 với sự tham dự của hơn 200 phóng viên các báo đài trong và ngoài nước. Tại các cuộc họp báo, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao và lãnh đạo các ngành liên quan yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng rút giàn khoan 981 khỏi vùng biển Việt Nam; chấm dứt các hành động gây hấn đơn phương trên Biển Đông và nêu rõ quan điểm cực lực phản đối các hành động leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông. Đồng thời, trả lời chính xác, chân thực các câu hỏi của phóng viên quốc tế về các vụ việc, vấn đề liên quan.
Ngày 7/5, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu trực diện, nhấn mạnh về vấn đề Biển Đông. Trong bài phát biểu, Thủ tướng “khẩn thiết kêu gọi các nước ASEAN, các nước trên thế giới, các cá nhân và Tổ chức quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối hành động xâm phạm nghiêm trọng nêu trên và ủng hộ yêu cầu hợp pháp, chính đáng của Việt Nam”. Dư luận trong nước và quốc tế đồng tình, đánh giá cao với bài biểu của Thủ tướng.
Với mong muốn giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, tránh gây tổn hại khôn cần thiết cho nhân dân hai nước, Việt Nam đã hết sức kiềm chế nhưng Trung Quốc vẫn liên tục có những hành động leo thang ở Biển Đông. Sự ngang ngược của Trung Quốc, buôc Việt Nam phải “mạnh tay” hơn trong việc đấu tranh ngoại giao. Đến ngày 6/6, Việt Nam đã lần thứ ba gửi công hàm lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kèm theo Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tiếp tục duy trì giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou - 981) và các tàu hộ tống trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Không chỉ hành xử hung hãn, Trung Quốc còn “gắp lửa bỏ tay người”, bẻ cong lẽ phải, xuyên tạc bản chất sự việc theo lối “vừa ăn cắp vừa la làng”. Chính vì thế, để dư luận thế giới cập nhật được thông tin chính xác về sự việc, Việt Nam đã tạo điều kiện cho các phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại hiện trường - khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Đồng thời, Đài truyền hình Việt Nam cũng cử phóng viên sang nước ngoài tác nghiệp, ghi nhận ý kiến của các học giả tiên tiến trên thế giới.
Trước việc Trung Quốc rêu rao trên dư luận rằng Việt Nam dân chủ cộng hòa thông qua công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam), trong chương trình thời sự trên kênh truyền hình trung ương mới đây, Việt Nam lần đầu tiên đã giải thích rõ trước công luận vấn đề này. Theo đó, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Trần Công Trục tham gia chương trình khẳng định: những lập luận của Trung Quốc chỉ là bịa đặt, thiếu logic, thiếu căn cứ. Thực tế, nội dung công hàm không có một câu từ nào thừa nhận cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc với Tây Sa và Nam Sa như quan điểm của họ.
Dù không phải lần đầu “16 chữ vàng và 4 tốt” được lãnh đạo Việt Nam “xét” lại khi Trung Quốc đơn phương gây hấn nhưng lần này quan điểm, thái độ được thể hiện mạnh mẽ hơn. Điều này thể hiện rõ qua phát ngôn “Việt Nam không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông”của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi trả lời báo chí nước ngoài về vấn đề Biển Đông trong chuyến thăm và làm việc tại Philippines (21 – 22/5).
Ngày 24/5, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết: “Chính phủ đang chuẩn bị hồ sơ, chứng lý để sẵn sàng khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, nếu họ không rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam”.
Hoàng Minh