Cưới hỏi là việc hệ trọng trong quan niệm văn hoá của người Việt và cũng là việc trọng đại trong đời mỗi người. Vì vậy, trong đám cưới, theo quan niệm dân gian, người Việt kiêng kỵ những việc sau.
Không cưới khi nhà có tang
Theo quan niệm dân gian, con cái phải để tang cha mẹ 3 năm, cháu để tang ông bà một năm. Ngoài ra còn yêu cầu cụ thể thời hạn để tang với những người khác trong gia đình.
Chính vì điều kiêng kỵ này nên mới xuất hiện hình thức “cưới chạy tang”. Khi trong nhà có người ốm sắp mất (hoặc có người đã mất nhưng chưa phát tang) thì lập tức nhà trai mang lễ vật sang nhà gái xin hỏi cưới. Lúc này, đám cưới sẽ được tiến hành nhanh chóng trong nội bộ hai gia đình. Khách mời chỉ giới hạn là những người ruột thịt hoặc thân thiết.
Cô dâu không được khóc ngoái lại nhà bố mẹ đẻ
Khi chú rể đã hoàn thành nghi lễ, đón cô dâu theo chồng về nhà trai, cô dâu phải hướng thẳng mặt, đi thẳng về phía trước, không được ngoái lại nhìn hay có thái độ quyến luyến, khóc lóc không muốn chia tay gia đình nhà mẹ đẻ. Rất nhiều gia đình kiêng việc này bởi họ cho rằng con dâu đã theo chồng mà còn vương vấn gia đình thì sau này sẽ sớm bỏ chồng về nhà mẹ đẻ hoặc không chu toàn với công việc nhà chồng.
Cô dâu không được khóc và ngoái lại nhìn nhà mẹ đẻ trong ngày cưới (ảnh minh hoạ)
Cô dâu mang bầu không được đi vào cửa chính
Cô dâu đang mang bầu thì khi về nhà chồng không được danh chính ngôn thuận đi vào từ cửa chính mà phải đi vòng ra cửa sau để vào. Trường hợp nhà không có cửa hậu, cô dâu sẽ phải bước qua một chiếc chậu bồ kết nướng với than hồng, hàm ý xua đi điều xui vẻ. Một số nơi giải thích rằng cô dâu có bầu mà đi về nhà chồng bừng cửa trước sẽ làm cho nhà trai sau này không ăn nên làm ra.
Trên đây là một số điều kiêng kỵ phổ biến khi đón dâu ở miền Bắc, một số địa phương còn có những phong tục đặc biệt khác, nhưng đa số các điều này đều là quan niệm dân gian, chưa văn minh nên cha mẹ hiện đại, cô dâu chú rể cần thuyết phục bố mẹ bỏ qua các điều này. Ngược lại, nếu gặp gia đình quá tin tưởng vào các điều kiêng kỵ, cô dâu cũng nên chú ý và làm vừa lòng bố mẹ chồng, tránh những xung đột sau ngày cưới.
Mẹ đẻ không đưa cô dâu về nhà chồng
Thường thì chỉ có bố cô dâu và những người họ hàng thân cận, các vị cao niên trưởng bối mới được đưa cô dâu về nhà chồng. Một lý giải khá thú vị cho phong tục này là sợ con dâu và mẹ đẻ sẽ tạo nên thế lực lấn át mẹ chồng.
Mẹ chồng kiêng chạm mặt con dâu
Khi đoàn rước dâu về tới đầu ngõ, mẹ chồng sẽ cầm bình vôi lánh mặt đi chỗ khác để cô dâu bước vào nhà. Điều này ngụ ý rằng: mẹ chồng vẫn muốn nắm quyền hành trong nhà, không muốn con dâu thay thế. Theo quan niệm dân gian, bình vôi là biểu hiện của tài sản trong nhà. Hình thức nắm giữ bình vôi chính là nắm giữ tài sản.
Ngày nay, tục ăn trầu đã mai một dần, vì thế những gia đình không có bình vôi thì mẹ chồng có thể cầm chùm chìa khóa để thay thế. Khi hai họ đã yên vị được một lúc thì mẹ chồng mới xuất hiện để đón con dâu và đi chào, cảm ơn hai họ. Người ta còn giải thích việc mẹ chồng phải tạm lánh mặt con dâu là do sợ kỵ vía. Sau khi con dâu làm lễ gia tiên nhà chồng thì mẹ chồng mới xuất hiện.
Xem video: Sơn Tùng MPT hát live "Em của ngày hôm qua" cùng với nữ DJ xinh đẹp
Thoa Nguyễn (tổng hợp)