Tin mới

Cấm massage và những quyết định "sốc" của Bí thư Thành ủy "từ quan"

Thứ ba, 09/06/2015, 10:12 (GMT+7)

21 năm giữ chức danh chủ chốt ở Hội An, từ chủ tịch thị xã đến Bí thư thành phố, ông Nguyễn Sự đã có hàng loạt chủ trương “không giống ai”, và hầu như  quyết định nào ban đầu cũng bị người dân “nổi đóa”...

21 năm giữ chức danh chủ chốt ở Hội An, từ chủ tịch thị xã đến Bí thư thành phố, ông Nguyễn Sự đã có hàng loạt chủ trương “không giống ai” và hầu như  đưa ra cái gì ban đầu cũng bị người dân “nổi đóa” nhưng sau một thời gian triển khai, người ta thấy hay, thấy tốt cho việc giữ gìn phố cổ nên đều vui vẻ, nghiêm túc thực hiện.

Trong chuyến thăm Hội An năm 1994, tôi đã có gặp gỡ với ông Nguyễn Sự. Trong bộ cánh bình dân, ông ra hỏi chuyện du khách một cách tự nhiên, thân mật. Từ cái bắt tay, đến ánh mắt thân thiện và những câu chuyện làm quà đã tạo cho tôi những ấn tượng sâu đậm về một ông cán bộ rất gần gũi, quan tâm du khách. Sau đó, tôi thường xuyên theo dõi bước đi của ông Sự trên báo chí nhiều năm qua. Và cho đến cuối tuần vừa rồi, nghe tin ông từ chức tôi cũng không ngạc nhiên. Bởi đấy là lẽ thường của người tự trọng, vừa biết giữ gìn quá khứ lại vừa biết đến tương lai. 

Những quyết định để đời của Bí thư thành ủy Nguyễn Sự

Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự mặc áo thun, đội mũ vải say sưa vào vai hướng dẫn viên cho khách du lịch tham quan đảo Cù Lao Chàm. Ảnh: Pháp luật TP HCM 

21 năm giữ chức danh chủ chốt ở Hội An, từ chủ tịch thị xã đến Bí thư thành phố, ông Nguyễn Sự đã có hàng loạt chủ trương “không giống ai” và hầu như  đưa ra cái gì ban đầu cũng bị người dân “nổi đóa” nhưng sau một thời gian triển khai, người ta thấy hay, thấy tốt cho việc giữ gìn phố cổ nên đều vui vẻ, nghiêm túc thực hiện.

Trong những việc làm của ông Sự mang tính để đời mà tôi có thể kể đến như: 

Sắp xếp vỉa hè để … kinh doanh 

Đây là chủ trương đầu tiên của ông Nguyễn Sự sau khi Hội An trở thành di sản văn hóa thế giới. Khi đó, ông yêu cầu tất cả các nhà có mặt tiền trong phố cổ không được trưng bày sản phẩm ra vỉa hè, mà chỉ trưng bày trong nhà thôi. Cái vỉa hè đó để cho những người dân buôn thúng bán mẹt, những người nghèo bán bắp, tàu hũ... Bới, theo ông, vỉa hè là nơi công cộng. Họ đã có mặt tiền để kinh doanh rồi thì hãy để cho những người trong hẻm, những người cũng có nhà cổ sống với. Họ phải có thu nhập để cùng giữ phố cổ. 

Chủ trương này của ông lúc đó gần như khiến người dân cả phố cổ phản “nổi đóa” vì nhà họ có cái mặt tiền, giờ lại bắt người ta lui vào để mặt tiền cho người khác đến kinh doanh. Thế nhưng ông vẫn kiên trì chờ đợi. Sau  năm, ông không bao giờ về nhà trước 12h đêm, xong việc cơ quan, ông đi “nghe ngóng” xem người dân thực hiện ra sao, phản ứng thế nào thì cái chủ trương “lạ đời” kia của ông đã được người dân vui vẻ ủng hộ và đi vào nề nếp. 

Sản phẩm “Đêm phố cổ”, phố đi bộ 

Chủ trương này đã làm tốn không ít giấy mực của báo chí và cũng là sản phẩm mang đậm dấu ấn Nguyễn Sự. Năm đó, ông Sự tự nhiên bắt dân tắt hết điện đi, mặc đồ trang phục truyền thống đêm rằm. Ban đầu người dân cũng phản ứng nhưng sau đó họ thấy hay và đến giờ đã trở thành “đặc sản” của người dân phố cổ. Đêm 14 Âm lịch nào không làm điều này, họ thấy thiêu thiếu. 

Những quyết định để đời của ông Nguyễn Sự
 

Tiếp đó, chủ trương “phố đi bộ” cũng bị người dân phản ứng. Ông Sự giải thích cho dân hiểu tại sao phải cấm, vì nhà cổ xuống cấp, ô tô chạy vào rung động, gây ồn làm nhà cửa bà con nhanh hỏng hơn. Cấm xong ô tô rồi đến lượt cấm nốt xe máy. Lúc đầu là ban đêm, sau là ban ngày, nửa ngày rồi cả ngày… Từ vài khu phố, nay cả phố cổ mọi người đều vui vẻ chấp hành. 

Cấm phong bì, massage, nữ cắt tóc nam... 

Tháng 8/2014, ông ký Thông báo số 326-TB/TU của Thành ủy Hội An về việc “Tuyệt đối cấm cán bộ, công chức, viên chức nhận phong bì của các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan khi thực thi công vụ” với một thái độ thực tâm muốn làm điều tốt cho dân thật. 

Trao đổi trên báo chí, ông thẳng thắn: “Cấm thẳng chứ không phải vận động “nói không”. Cán bộ công chức đâu phải là người làm thuê cho doanh nghiệp mà đi nhận tiền của họ? Trách nhiệm công chức là phục vụ dân, sao lại đi lấy tiền của dân? Cái bất thường đó lâu ngày biến thành cái bình thường, và do mình không làm quyết liệt nên biến thành thói quen”, ông Sự nói. 

Ông còn cấm cả massage vì không quản lý được. "Thực ra mà nói thì massage bản thân nó không xấu. Nhưng vì nó biến tướng, có lúc dữ dội, nên tôi cấm. Đâu phải cái gì cũng quản lý được, không quản lý được tôi dứt khoát cấm", ông Sự nói. 

Ở Hội An, ông cấm nữ cắt tóc nam. Khi hỏi lý do, ông nói: "Tôi vẫn nói đùa là đứng bên trái ngoáy tai bên phải, làm sao mà không sinh sự được…. Nên cấm". 

Giữa xu hướng đô thị hóa, trong khi một số địa phương biến ruộng lúa thành đô thị thì ở Hội An, ông Sự quyết giữ không gian làng quê yên bình, làm du lịch từ nền nông nghiệp, tạo nét quyến rũ riêng cho phố cổ thu hút khách du lịch. 

Ông áp dụng Chính sách giao thêm đất, hỗ trợ tiền trồng rau, làm gốm. Đến nay, Hội An đã phục hồi được làng rau Trà Quế, gốm Thanh Hà... hấp dẫn du khách quốc tế. Nhiều tour du lịch độc đáo mở ra như về làng rau Trà Quế làm nông dân, đến Thanh Hà làm gốm, tạo thích thú cho du khách, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. 

Công chức đi xe đạp đi làm

Bắt đầu từ 25/3/2014, công chức, viên chức ở Hội An đến công sở làm việc bằng xe đạp. Đây cũng là chủ trương của ông Bí thư Nguyễn Sự.

 

Trao đổi trên VTC news khi đó, ông Sự cho biết, đây là chủ trương nhằm hướng đến nhiều mục đích. Bởi, Hội An đất chật, người đông, tình trạng xuống cấp của phố cổ, rồi phương tiện giao thông nhiều, trong khi đó nhu cầu đi lại ngày càng lớn… Nếu như không hạn chế được phương tiện giao thông hiện đại, chắc chắn rằng nay mai, Hội An sẽ bị tình trạng giao thông quá tải như các thành phố lớn… 

Trước một số ý kiến cho rằng việc đi làm bằng xe đạp sẽ gây khó khăn cho một số người có nhà ở xa trụ sở cơ quan, ông Sự cho rằng: đi làm bằng xe đạp chẳng có gì khó khăn cả, trái lại còn rèn luyện thân thể tốt hơn, đầu óc minh mẫn hơn… Điều quan trọng là chúng ta biết cách bố trí thời gian sao cho hợp lý. 

Hơn nữa, ông nói: chủ trương này thành phố không ép buộc bất cứ ai và chỉ khuyến khích cán bộ và người dân đi lại trong nội thị Hội An bằng xe đạp càng nhiều càng tốt. Việc cán bộ ở xa (trên 3km) và các trường hợp đặc biệt khác có thể đi làm bằng xe máy. Còn những ai không sắm được xe đạp, ông sẽ cho mượn tiền. 

"Đã là cán bộ thì anh không thể nghèo đến nỗi không sắm được chiếc xe đạp chừng trên dưới 1 triệu đồng. Còn nếu như cán bộ, công chức nào thật sự không sắm được thì đích thân tôi sẽ cho mượn tiền, mặc dù tôi không giàu. Nhưng tôi nghĩ cán bộ không đến nỗi nghèo vậy đâu, xe đời mới 30 – 40 triệu đồng còn sắm được huống chi một chiếc xe đạp…", ông Sự trả lời hóm hỉnh như vậy khi phóng viên đặt câu hỏi quy định này liệu có gây khó với những cán bộ thu nhập thấp giờ lại phải lo thêm một khoản để mua xe đạp? 

Cũng theo ông Sự, đi làm bằng xe đạp là một thái độ văn minh, lối sống hiện đại trên phương diện tinh thần, không có gì là ngược đời và duy ý chí. Và hơn  năm qua, phần đa công chức Hội An đã gắn bó “chiếc xe con  bánh” trong mỗi ngày đến công sở. 

Thế nhưng, qua báo chí, tôi cũng được biết, có những chủ trương của ông đã thất bại. Những lần này, ông đều thẳng thắn nhận trách nhiệm và xin lỗi người dân. 

Thu phí vào phố cổ 

Trước đây, chỉ khi nào vào các điểm được chọn tham quan tại phố cổ Hội An thì du khách mới phải mua vé. Nhưng kể từ đầu tháng 4/2014, trạm kiểm soát vé được đặt ngay đường vào trung tâm phố cổ khiến bất cứ du khách nào muốn tham quan khu phố cổ cũng đều phải mua vé. Hình ảnh này đã gây ra không ít tranh cãi, và phần nào làm mất đi thiện cảm của du khách đối với phố cổ Hội An, đặc biệt là các du khách nước ngoài. 

Lý giải điều này trước dư luận, ông Sự nói: “Trong thời gian qua, Hội An đã cố gắng rất nhiều trong việc tạo ra khu phố cổ đẹp cho du khách, cũng như tổ chức các hoạt động có đầu tư lớn như: đêm phố cổ, phố dành cho người đi bộ, phố không có tiếng động cơ... Tất cả sản phẩm đó đều do người Hội An tạo ra cho du khách được thưởng thức không gian văn hóa thì rõ ràng việc mua vé là hoàn toàn đúng đắn, chính xác! Tuy nhiên, thời gian qua có một thực trạng là, một vài công ty lữ hành không mua vé mà đã lách luật bằng cách thả khách đi tự do. Chính điều này tạo sự không công bằng giữa các công ty du lịch đã mua vé. Khi chúng tôi tổ chức siết chặt quy định thì lại có những ý kiến tung lên mạng gây hiểu nhầm, khiến hình ảnh Hội An bị méo mó”. 

Bên cạnh đó, ông Sự cũng thừa nhận rằng, qua kiểm tra thực tế có phát hiện một số hướng dẫn viên thu vé có thái độ không tốt khi chặn hành khách để thu vé. Điều này khiến du khách cảm thấy bị xúc phạm nên họ phản ứng là đúng. Thậm chí có những du khách mua vé rồi khi có việc vào lại khu phố cũng bị đòi hỏi phải mua vé, như vậy là bất hợp lý. 

Ngay sau đó, ông đã tổ chức họp khẩn cấp và chấn chỉnh tình trạng bất cập làm xấu đi hình ảnh của Hội An.

Cho xây khu nhà hàng, trồng hoa sữa trên phố cổ 

Theo ông Sự, đây là những là những quyết định ông phải “làm cái việc” xin lỗi và sửa sai và nó đều do ông tự “khai” với báo chí. 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Công an nhân dân cuối tháng 11/2014, ông Sự chia sẻ: “Tôi đâu phải là người hoàn hảo. Tôi từng mắc không ít sai lầm đáng nhớ và khiến Hội An phải trả giá cho những quyết định sai lầm đó”. 

Những quyết định để đời của ông Nguyễn Sự
Ảnh: Tuổi trẻ

Ông dẫn chứng: “Như cách đây nhiều năm, nghe bài hát Hoa sữa, tôi xúc động vô cùng, hình dung ra đường phố Hội An mà có những cây hoa sữa thì thật thơ mộng. Thế là tôi tổ chức cho anh em bên công ty đô thị trồng một loạt cây hoa sữa. Cây lớn rất nhanh, nhưng đến lúc nó ra hoa thì không ai chịu được. Mùi hoa sữa nồng nặc đến mức người dân bắt đầu phản ứng. Mà người ta phản ứng là đúng vì chính tôi đi qua tôi cũng không chịu được. Mà khi đó, dân cứ nhè mấy anh quản lý đô thị mà chửi. Khi đó, đứng ra trước dân, tôi đã nói: “Đó không phải là lỗi của anh em quản lý đô thì mà là lỗi của tôi. Tôi yêu cầu anh em làm như thế, vì kiến thức về đô thị của tôi quá dốt, quá tồi”. Và tôi đã cúi đầu xin lỗi nhân dân, hứa với họ tôi sẽ khắc phục những sai lầm của mình. Người dân đã bỏ qua lỗi đó cho tôi, còn tôi cũng sửa sai bằng cách yêu cầu chặt toàn bộ hàng hoa sữa và thay bằng loại cây khác”. 

Hay câu chuyện ông đồng ý cho xây dẫy nhà hàng ở bờ sông Bạch Đằng rồi phải tự tay ký lệnh phá bỏ, chi bồi thường gần 200 triệu đồng. Theo ông, “đó là bài học mà tôi đã học được bằng học phí vô cùng đắt đỏ lấy từ tiền thuế của dân”. 

Câu chuyện này xảy ra “năm 1997, khu phía bên kia bờ sông Bạch Đằng  chỉ là một khu nhà xập xệ với những bãi rác bẩn thỉu. Lúc đó có một người xin khu đất đó làm nhà hàng. Nhưng khi nhà hàng xây xong, thì nhiều người, kể cả báo chí đã bất bình về việc đối diện khu phố cổ mọc lên một kiến trúc hiện đại kiểu kệch cỡm, có nguy cơ phá hỏng không gian Hội An. Lúc đó tôi mới hiểu mình đã phạm một sai lầm nghiêm trọng. Tôi tổ chức một cuộc họp, quyết định phải phá bỏ nhà hàng đó. Chúng tôi phải bồi thường 175 triệu cho chủ nhà hàng để vận động người chủ ấy phá dỡ ngôi nhà”. 

Sau khi tự kể, ông Sự cũng tự nhận xét về những sai lầm của mình: “Là người đàn ông, người chủ gia đình, với chuyện nhà, có khi tôi còn có thể làm bừa, làm sai. Nhưng là người lãnh đạo thành phố, tôi không được phép làm ẩu, vì mỗi quyết định đưa ra, tôi sẽ làm ảnh hưởng đến hàng nghìn người dân Hội An”. 

Hoàng Nam

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news