Tin mới

Những tình tiết mới ở phiên xử Dương Chí Dũng

Thứ tư, 23/04/2014, 18:36 (GMT+7)

Bản tuyên thệ của ông Giám đốc công ty AP, Bộ Tài chính khẳng định Hải quan làm đúng quy trình trong việc nhập ụ nổi 83M... là những tình tiết mới ở ngày xử thứ 2 vụ án Vinalines.

 

 

Bản tuyên thệ của ông Giám đốc công ty AP, Bộ Tài chính khẳng định Hải quan làm đúng quy trình trong việc nhập ụ nổi 83M... là những tình tiết mới ở ngày xử thứ 2 vụ án Vinalines.

Dương Chí Dũng khai chỉ gặp ông Goh một lần

Trả lời Luật sư Hoàng Hữu Được, bị cáo Mai Văn Phúc nói: "Khi về nhận chức Tổng Giám đốc Vinalines thì dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tài biển phía Nam đang được Vinalines triển khai. Tôi mới về được 2 tháng nên mọi thủ tục giấy tờ liên quan đến việc mua ụ nổi 83M đều do anh Trần Hữu Chiều báo cáo, có đầy đủ chữ ký của bộ phận tham mưu nên tôi tin tưởng anh Chiều và ký hợp đồng mua ụ nổi 83M".

Bị cáo này khai, Dương Chí Dũng là người quyết định về mặt chủ trương và việc nhận tiền 1,666 triệu USD của công ty AP. "Theo bị cáo phải có vấn đề thỏa thuận trước thì công ty này mới chuyển tiền", nguyên Tổng giám đốc Vinalines lập luận.

Trước những câu hỏi dồn dập của luật sư Được về việc 3 lần đưa tiền cho Phúc, bị cáo Trần Hải Sơn, cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines vẫn một mực giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra và phiên tòa sơ thẩm.

Nói về thời điểm liên lạc với Dương Chí Dũng để đưa 5 tỷ đồng tại khách sạn Victory, bị cáo Sơn cho rằng không nhớ rõ lúc đó 16h hay muộn hơn.

Khi luật sư Trần Đình Triển đề cập đến lời khai của Sơn tại cơ quan điều tra, rằng bị cáo này và ông Goh (Giám đốc công ty AP) đã gặp nhau và thỏa thuận việc 'ăn chia' số tiền gần 1,666 triệu USD tiền lại quả từ việc mua ụ nổi. Bị cáo Sơn chắc nịch: “Về mặt thời gian thì bị cáo không còn nhớ rõ từng mốc thời gian”.

Những tình tiết mới ở phiên xử Dương Chí Dũng

Lời Khai tuyên thệ.

Trả lời luật sư Trần Đại Thắng về việc lập hồ sơ khống để chuyển tiền, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sữa chữa tàu biển Vinalines - Trần Hải Sơn nói, việc lập hồ sơ khống để chuyển 1,666 triệu USD bị cáo này chỉ trao đổi với ông Goh chứ không nói với ai. “Bị cáo chỉ mượn tài khoản của công ty em gái mình để ông Goh chuyển tiền từ Singapore về Việt Nam”.

Sáng nay, tại tòa, Dương Chí Dũng khai chỉ gặp ông Goh duy nhất một lần, ngẫu nhiên tại một buổi hội thảo, trước khi giao dịch mua ụ nổi 83M. “Bị cáo không tham gia gặp gỡ với bất kỳ anh em để chỉ đạo trong quá trình mua ụ nổi 83M”, nguyên Chủ tịch Vinalines nói.

Trước phiên tòa phúc thẩm, luật sư Trần Đình Triển - người bào chữa cho Dương Chí Dũng đã bổ sung tình tiết mới là bản tuyên thệ của ông Goh Hoon Seow, Giám đốc Công ty AP (Singapore) là công ty bán ụ nổi 83M cho Vinalines. Ông Goh viết: "Tôi biết ông Dũng, nguyên chủ tịch Vinalines và các con của ông trong thời gian họ học tập tại Singapore. Tuy nhiên, tôi chưa từng liên hệ và trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp với ông Dũng về việc bán ụ nổi 83M. Tôi cũng chưa từng liên hệ hay trao đổi với ông Phúc, cựu tổng giám đốc Vinalines về việc mua bán ụ nổi 83M này. Chỉ duy nhất một lần tôi đến chào xã giao ông Phúc tại trụ sở Vinalines tại Hà Nội, cùng đi có các ông Chiều, Sơn và một phiên dịch".

Còn số tiền 1,666 triệu USD, ông Goh cho biết đó là một phần của khoản thanh toán theo tín dụng thư để trả cho việc chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép, thủ tục hải quan và xuất khẩu liên quan đến ụ nổi 83M.

Bộ Giao thông khẳng định ụ nổi 83M không phải là tàu biển

Tiếp tục phần xét hỏi sáng nay 23/4, HĐXX đã công bố 3 văn bản trả lời của Bộ Giao thông về việc ụ nổi 83M có phải là tàu biển hay không.

Trả lời luật sư Trần Hồng Phúc, bị cáo Lê Đăng Dương – Đăng kiểm viên Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông cần mở cuộc hội thảo để xem xét vấn đề ụ nổi có phải là tàu biển.

Tại tòa, đại diện Bộ Giao thông vận tải đã khẳng định Bộ này đã gửi văn bản trả lời cho tòa về việc ụ nổi 83M có phải là ụ nổi hay không. Trước thông tin này, luật sư Phúc đề nghị HĐXX công bố văn bản trả lời của Bộ giao thông.

Những tình tiết mới ở phiên xử Dương Chí Dũng

Ông Dương Chí Dũng cùng đồng phạm trước tòa.

Với 3 văn bản trả lời của Bộ giao thông về ụ nổi 83M có phải là tàu biển hay không, thẩm phán Nguyễn Văn Sơn nói: "Bộ Giao thông cũng xác định ụ nổi không phải là tàu biển. Và việc Hải quan Vân Phong không phân loại ụ nổi 83M không phải là tàu biển là đúng quy định. Tuy nhiên, Luật Hàng hải Việt Nam lại quy định khi xác định ụ nổi thì cần phải tuân thủ theo một số quy định giống như tàu biển để nhập khẩu. Vấn đề này, HĐXX sẽ xem xét trách nhiệm của các bị cáo nguyên là cán bộ hải quan Vân Phong", thẩm phán Sơn nói.

Ông Trần Thái Sơn, đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định Hải quan đã làm đúng quy trình trong việc nhập khẩu ụ nổi 83M. "Chúng tôi đã kết luận hải quan không sai, còn quyền kết luận sai hay không là do HĐXX. Còn muốn biết trị giá thật của ụ nổi 83M hiện nay là bao nhiêu thì phải lập hội đồng định giá mới biết được", ông Sơn nói. 

Trước câu hỏi của luật sư Nguyễn Chiến về việc Hải quan Vân Phong có phải chịu trách nhiệm sau khi nhập khẩu ụ nổi không?, bị cáo Trần Hữu Chiều nói: “Sau khi nhập khẩu ụ nổi về thì Vinalines phải bỏ tiền ra chi phí neo đậu, sửa chữa ụ nổi...và Hải quan Vân Phong không phải chịu trách nhiệm về chi phí này".

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: tình tiết mới