Sinh con ra nhưng khi con lớn lại không giống gia đình bên nội, chị Hiền và chị Hương - 2 người mẹ, cũng chính là 2 nạn nhân đau đớn nhất trong sự vụ lần này, suốt khoảng thời gian 6 năm qua đã phải chịu những lời đàm tiếu, dị nghị về nhân cách.
Cách đây gần 6 năm, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội) xảy ra sự cố hy hữu khi 2 đứa bé sơ sinh bị trao nhầm cho gia đình. Ngày 11/7, Bộ Y tế cho biết đã tiếp nhận đơn kiến nghị của anh Phùng Giang Sơn (28 tuổi, Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội). Bé trai mà gia đình anh đang nuôi là cháu Phùng Thanh H. có cùng huyết thống với chị Vũ Thị Hương (Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội). Trong khi đó, cháu Đoàn Nhật M. (chị Hương đang nuôi) có cùng huyết thống với anh Sơn và vợ là chị Hiền.
Vụ việc khiến gia đình 2 bên đều rất sốc và bàng hoàng. Đến giờ, chị Hương vẫn chưa sẵn sàng tâm lý để chấp nhận sự thật này, rằng đứa con mình nâng niu 6 năm qua lại không phải do chính chị sinh ra. Bi kịch gia đình giáng xuống đầu 2 đứa trẻ chỉ mới 6 tuổi, thực sự các em chưa hiểu rõ được chuyện gì đang diễn ra xung quanh mình.
Còn với chị Hiền và chị Hương - 2 người mẹ, cũng chính là 2 "nạn nhân" đau đớn nhất trong sự vụ lần này, suốt khoảng thời gian qua đã phải chịu những lời đàm tiếu, dị nghị không hay về nhân cách.
Vụ bệnh viện trao nhầm con ở Hà Nội: Nỗi đau của những người mẹ bị dị nghị về nhân cách, phẩm chất. Nguồn: VTV24.
Bệnh viện Đa khoa Ba Vì nơi xảy ra sự việc trao nhầm con.
Chồng ly hôn, bỏ đi vì nỗi nghi ngờ vợ quá lớn
Chiều 11/7, chúng tôi tìm đến nhà anh trai của chị Hương. Chị Hương không có nhà, chị và cháu M. đang ở trên Hà Nội. Tiếp chúng tôi, anh Vũ Văn Quyết (49 tuổi, anh ruột chị Hương, trú xã Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội) xót xa cho cô em gái của mình.
"Cái Hương tội lắm, sinh đứa con đầu được chừng 3 tháng thì đã bắt đầu thấy không giống bố nó rồi. Sự việc sờ sờ ra, biết nói làm sao được, đã thế dân làng lại bắt đầu lời qua tiếng lại, đồn đoán lung tung nên vợ chồng mất niềm tin, sinh ra lục đục. Dân làng cứ lời ong tiếng ve mãi nên vợ chồng cô chú ấy xuống Hà Nội lập nghiệp".
Anh Quyết, anh ruột chị Hương.
Kể từ khi đó, gia đình chị Hương không ngày nào êm ấm. Theo lời kể của gia đình, vợ chồng rời quê xuống Hà Nội, chồng lái xe còn chị mở trường mầm non tư thục. Thế nhưng sự nghi ngờ của người chồng ngày một lớn, anh không chỉ phá phách đồ đạc trong nhà mà chị Hương mở cơ sở mầm non nào là anh lại đến đập phá tanh bành khiến chị phải đóng cửa.
Năm học vừa rồi, không thể tổ chức được trường riêng, chị phải đi dạy thuê lấy 1 tháng 5 triệu đồng tiền lương, 2 đứa con đành phải gửi về nhờ anh trai chăm sóc. Khi mâu thuẫn quá lớn, chị và chồng đã quyết định ly hôn hồi cuối năm ngoái.
Ra toà kết thúc cuộc hôn nhân không đầm ấm, chị Hương giành được quyền nuôi 2 đứa nhỏ. Bé M. rất bám mẹ, và chị cũng chỉ biết dựa vào đứa con để tiếp tục sống. Cho đến bây giờ khi kết quả ADN khẳng định mẹ con chị không cùng huyết thống, chị Hương sốc và việc chị không thể chấp nhận sự thật cũng là điều đương nhiên.
Bé Đoàn Nhật M. là con đẻ của anh Sơn, chị Hiền nhưng lại bị trao nhầm đến gia đình chị Vũ Thị Hương - Ảnh cắt từ clip
6 năm sống trong dị nghị của họ hàng, anh em
Cuối năm 2012, anh Sơn đưa vợ đi sinh tại khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì. Lúc nhận con, vợ chồng anh nghi ngờ bé bị nhầm tã lót nên hỏi lại nhưng được bác sĩ khẳng định không có sự nhầm lẫn. 6 năm qua, vợ chồng anh Sơn yêu thương, chăm sóc bé H. như con ruột. Bé càng lớn càng không giống bố mà cũng chẳng giống mẹ nên tới Tết năm 2018, sau thời gian dài trăn trở, anh Sơn quyết định đưa con đi xét nghiệm ADN và nhận kết quả không cùng huyết thống.
Kết quả xét nghiệm ban đầu anh Sơn chưa vội kể với vợ. Chỉ đến khi 2 trung tâm nữa tiếp tục đưa ra con số 99% không trùng khớp, anh Sơn mới tiết lộ bí mật động trời. Chị Hiền cũng sốc và bàng hoàng chẳng kém chị Hương. Suốt 6 năm qua, bản thân chị đã phải chịu nhiều đàm tiếu bên ngoài. Từ dân làng tới họ hàng, anh em, ai cũng dị nghị liệu đứa bé phải con ruột của anh Sơn không.
"Vì con không giống gia đình nhà nội nên tôi bị nghi ngờ phẩm chất, thời gian qua tôi rất mệt mỏi. Giờ tôi chỉ mong con về với bố mẹ, 2 bên gia đình cố gắng đi lại, thân thiết với nhau để các con không bị tủi hổ" - chị Hiền chia sẻ.
Vợ chồng anh Sơn và bé H.
Những ngày đầu đi tìm con, gia đình anh Sơn chị Hiền phải bỏ ra khoản tiền khá lớn cho mỗi lần xét nghiệm ADN. Đến nỗi chẳng màng làm ăn, chỉ suốt ngày đợi chờ kết quả từ bệnh viện. Có thời điểm, vợ chồng anh chị như rơi vào trầm cảm vì cãi vã nhau liên tục.
"Gia đình chúng tôi mong muốn con ruột về cùng đoàn tụ vì cũng sắp tới thời gian cháu nhập học nên về với nhà mình càng sớm càng tốt" - anh Sơn tâm sự.
Cảm xúc đầu tiên gặp lại con trai ruột của mình, cả gia đình 2 bên ai cũng khóc, không nói nên lời. Khoảnh khắc ấy thật đặc biệt, chẳng ai cầm được nước mắt. Bản thân 2 cháu bé cũng còn khá bỡ ngỡ và bàng hoàng. Các cháu bị nhiều vấn đề làm phân tâm, ăn uống ít hơn, học hành kém đi. Thậm chí gia đình anh Sơn còn nhờ sự can thiệp của chuyên gia tâm lý mong ổn định tinh thần cho các con.
Bệnh viện phải bồi thường những khoản gì?
Trả lời trên báo Infonet, Luật sư Long Xuân Thi (Liên đoàn Luật sư Hà Nội, Công ty TNHH Tư vấn Interco ) cho biết: Trường hợp đối với lỗi cố ý thì căn cứ theo Điều 152 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt thấp nhất từ 2 - 5 năm tù và cao nhất từ 7 - 12 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Nếu hành vi trao nhầm con do lỗi vô ý, tùy theo mức độ có thể bị xử lý kỷ luật và bệnh viện phải bồi thường theo quy định pháp luật. Sau đó, bệnh viện có quyền yêu cầu cá nhân người có lỗi (y tá, hộ sinh, bác sĩ…) trao nhầm đứa trẻ phải bồi thường lại cho bệnh viện.
Gia đình bị trao nhầm con có quyền yêu cầu bệnh viện bồi thường thiệt hại về mặt vật chất, như: thu nhập bị mất hoặc giảm sút trong thời gian đi tìm con đẻ, chi phí giám định ADN, chi phí xác minh, làm lại giấy tờ hộ tịch… Những chi phí này phải được chứng minh bằng hóa đơn, chứng từ hoặc xác nhận do cá nhân hoặc tổ chức làm chứng.
Ngoài những tổn thất về vật chất có thể định lượng được một cách cụ thể, còn có những thiệt hại, nỗi đau về mặt tinh thần, như: vì đứa con bị trao nhầm mà vợ chồng nghi ngờ nhau khiến hôn nhân đổ vỡ; hoặc vì lời gièm pha, đàm tiếu của những người xung quanh mà gia đình bị trao nhầm con lo lắng, mất ăn mất ngủ, khiến tinh thần sa sút, cuộc sống không hạnh phúc…
Những vấn đề trên được quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.