"Mọi người đều thấy, Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn đều có vợ đẹp, ô tô, nhà cửa. Họ có không những một nhà, hai nhà, ba nhà rồi nhiều nhà nữa" – NSND Quang Thọ chia sẻ.
Tối qua (26/8), đêm nhạc kỉ niệm 20 năm ca hát của cam ca nhạc Đỏ: Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn đã diễn ra tại Hà Nội. Đêm nhạc mang tên Đường chúng ta đi.
Trong đêm live show, công chúng yêu nhạc Đỏ và tam ca được sống lại gia tài "hit" một thời. Đó là những bản tình ca quê hương đất nước, những ca khúc về đồng đội. Bên cạnh đó, tam ca cũng sẽ hoà quyện cùng nhau trong các bản nhạc Nga, classic kinh điển thế giới và ngẫu hứng các ca khúc dân gian Việt Nam.
NSND Quang Thọ lần đầu tiết lộ khối tài sản "khủng" của Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn
Vì đây là đêm nhạc kỉ niệm 20 năm ca hát của bộ ba Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn, nên họ đã trân trọng mời người thầy đầu tiên của mình lên sân khấu để tri ân, đó là NSND Quang Thọ.
Theo lời Trọng Tấn, NSND Quang Thọ là người có công lớn nhất trong việc phát hiện và đào tạo ra tam ca nhạc Đỏ, giúp họ có được những kĩ năng ca hát vững chắc nhất.
Vừa bước lên sân khấu, NSND Quang Thọ đã hỏi thẳng ba học trò: Thầy là người đã đẩy 3 em vào con đường này. Cho đến bây giờ, các em cảm thấy nó đúng hay sai, có được không?
Việt Hoàn nghe vậy liền giãi bày trước khán giả: "Ngày xưa, bố mẹ tôi là ca sĩ rất nghèo, nên tôi hay bảo rằng, con sẽ không bao giờ đi làm ca sĩ, suốt ngày bỏ con cái ở nhà, rồi phải xếp hàng, vay gạo, chạy vạy khắp nơi mới đủ ăn.
Nhưng rồi, không hiểu sao tôi lại đi theo con đường nghệ thuật. Tới ngày hôm nay, tôi thấy con đường này rất đẹp, thênh thang rộng mở, đầy đủ.
Con xin hứa với thầy là sẽ giữ hình ảnh trong sạch trong mắt công chúng".
Cũng trên sân khấu đêm nhạc, NSND Quang Thọ lần đầu tiết lộ khối tài sản "khủng" của các học trò. Ông nói:
"Mọi người đều thấy, Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn đều có vợ đẹp, ô tô, nhà cửa. Họ có không những một nhà, hai nhà, ba nhà rồi nhiều nhà nữa.
Tất nhiên, về kinh tế, họ không thể nào bằng được những đại gia nhiều tiền, nhưng đủ sống, đủ dư dả để mang lại tiếng hát và tình cảm tới đông đảo khán giả yêu thích dòng nhạc thính phòng – cổ điển.
Chúng tôi gọi dòng nhạc này là dòng nhạc chính thống của người Việt. Đó là tiếng hát, âm nhạc phản ánh cuộc sống của chúng ta qua các thời kì, từ xa xưa tới giờ. Chúng tôi đã theo đuổi nó rất nhiều năm tới giờ.
Thật không ngờ khi nó vẫn được khán giả yêu quý đến vậy".
Tam ca nhạc Đỏ "tung bão", khán giả trầm trồ: Không thua gì Bolero!
Dù là một đêm nhạc mang tính chất kỉ niệm với những bản nhạc cách mạng là chủ yếu, nhưng lượng khán giả đến liveshow này lại rất đông. Trước đêm diễn, vé đã được bán sạch.
Và tới đêm diễn, nhiều khán giả không khỏi bất ngờ khi toàn bộ khán phòng chật ních người xem, không thừa một ghế nào. Có người đã thốt lên: "Đông không thua gì Bolero".
Khán giả chật kín khán phòng
Trong live show, bộ ba Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn đã khiến khán giả choáng ngợp bởi giọng hát thần sầu của mình qua những ca khúc nhạc cách mạng, dân ca và thính phòng, thậm chí là cả dân gian đương đại.
Mở màn live show, bộ ba trình diễn liên khúc các ca khúc về quê hương họ là Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa và kết thúc bằng một ca khúc về Hà Nội – quê hương thứ hai của họ.
Trong liên khúc mở màn, bộ ba khiến khán giả đã tai khi hòa giọng đoạn kết bằng cú belt F4, E5 vang vọng, dùng lực vừa phải nhưng vẫn đầy cộng hưởng.
Tuy nhiên, cao trào nhất phải kể đến liên khúc thính phòng quen thuộc của bộ ba, với những khúc ca kinh điển như O Sole Mio, La Donna E Mobile… được phối theo hướng nhẹ nhàng hơn.
Trong liên khúc, cả ba đã cùng khoe những note cao sở trường nhất của mình, làm rung chuyển cả khán phòng, khiến khán giả vô cùng choáng ngợp.
Tuy cùng hòa giọng, nhưng Đăng Dương có vẻ nổi bật hơn cả, do được đảm nhiệm hát những đoạn cao trào nhất. Anh đã thể hiện một năng lực vocal hiếm có và đáng nể, với kĩ thuật thanh nhạc thượng thừa của một ca sĩ thính phòng, mà ít ca sĩ nhạc nhẹ nào thực hiện được.
Tam ca hát Liên khúc thính phòng
Ở những note belt cao G4, G#4, Đăng Dương support hơi thở và cơ hoành tối ưu, với cột hơi vững chãi, cùng vị trí âm thanh chuẩn xác. Nhờ đó, anh khuếch đại âm lượng của mình lên nhiều lần so với thông thường và cộng hưởng vang rền, tạo nên luồng âm thanh cực kì tráng lệ, kì vĩ, tròn trịa, nghe rất sảng khoái.
Trong bộ ba, có thể nói, Đăng Dương là người sở hữu kĩ năng thính phòng hoàn thiện nhất, với giọng hát cộng hưởng lớn, chuyên hát không mic.
Trọng Tấn cũng không hề kém cạnh, ở aria La Donna E Mobile, anh thực hiện chạy note và rung trên F4 đóng tiếng đầy nội lực, sáng rực rỡ nhưng cũng đạt tới độ rền khủng khiếp, nổi bật trên dàn nhạc và gần như thổi tung sân khấu.
Việt Hoàn không phải giọng tenor 1 như Đăng Dương và Trọng Tấn nên không vươn tới những note cao sáng rỡ để nổi bật khi hòa ca như hai đàn em của mình.
Tuy nhiên, lợi thế của tenor 2 giúp giọng của anh rất dày, đầy đặn và phát triển mạnh về quãng trung. Các note E4, D4, C4 belting của anh cũng cộng hưởng và đạt tới độ rền lớn, vang lên một cách thoải mái, đầy nội lực.
Cũng trong đêm nhạc, khán giả được chứng kiến một Trọng Tấn hoàn toàn khác, vô cùng đa dạng, biến hóa, khi vừa hát thính phòng, nhạc cách mạng, lại vừa câu ngâm vọng cổ với phát âm đậm chất Nam Bộ và giọng điệu mùi mẫn, ngọt ngào, như một ca sĩ Bolero.
Chỉ có điều, trong chất Bolero đó vẫn là những kĩ thuật chính thống đầy uy lực, khi tung ra hàng loạt cú belt F#4 vang rền.
Ngoài ra, bộ ba cũng đưa khán giả đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác khi tự làm mới mình, với những bản phối mới đầy tinh tế, sáng tạo.
Họ vừa hát nhạc cách mạng theo lối acoustic đầy lãng mạn, du dương trong tiếng guitar phiêu lãng của nhạc sĩ Xuân Phương, lại vừa bùng nổ liêu trai trong khúc dân gian đương đại Ngẫu hứng sông Hồng.
Tam ca hát Liên khúc Acoustic