Cô gái trẻ 27 tuổi đã tự kiếm tiền, đầu tư từ những năm 13 tuổi. Ở tuổi 14, cô đã có một "phi vụ" thành công thu về hơn 40 triệu đồng.
Lê Hoàng Uyên Vy giữ chức giám đốc VinEcom khi mới 27 tuổi |
Khó ai có thể nghĩ một cô bé 12 tuổi đã có đam mê kinh doanh cháy bỏng. Với niềm đam mê đó của bản thân cộng với điều kiện được tiếp cận Internet từ rất sớm, năm 12 tuổi Vy đã tự tìm tòi học thiết kế web. Sang năm 13 tuổi, cô gái bé nhỏ đã tự tin quảng cáo nhóm thiết kế website chuyên nghiệp, năng động của chính mình và kiếm tiền từ đó.
Phi vụ lớn đầu tiên cô bé nắm bắt được chính là khi nhanh nhạy biết đầu cơ tên miền, tên miền của cô bán được với giá 2.100 USD.
Đấy là động lực và cũng chính là nguồn kinh nghiệm chính mà Uyên Vy thu lại được trong quá trình khởi nghiệp từ rất sớm. Từ đóm cô kết hợp cùng 3 sinh viên chuyên IT, 4 người đã chung tay nỗ lực thu về các hợp đồng có giá trị lớn, bé cho công ty. Có những hợp đồng 50 USD, thậm chí 100 USD.
Sau khi tốt nghiệp trường chuyên Lê Hồng Phong, Uyên Vy theo học tài chính tại trường kinh doanh McDonough thuộc đại học Georgetown tại Mỹ. Đây là thời gian cô tiếp cận nhiều với thương mại điện tử. Tại xứ người, Uyên Vy cũng không bỏ qua cơ hội kiếm tiền, những lúc siêu thị giảm giá đồng hồ, cô lại rao bán trên eBay. Công việc kinh doanh điện tử suốt 2 năm này đưa đến cho Uyên Vy nhiều kinh nghiệm về dịch vụ khách hàng, thương lượng với nhà cung cấp và thu về khoản lợi nhuận 100.000 USD (khoảng 2 tỷ đồng), đây là số vốn tích lũy khởi nghiệp sau này.
Năm 2009, cô trở về Việt Nam và bắt tay vào sáng lập chuỗi nhà hàng thức ăn đường phố “Aiya ! Thế giới ăn vặt”. Nhìn lại quãng thời gian đó, Uyên Vy tự nhận đó là quyết định táo bạo khi trong tay cô chưa đủ số vốn kinh nghiệm nhất định cũng như tài chính hạn chế.
Bước vào kinh doanh, cô tiếp tục vấp phải khó khăn về quản lý nhân sự.Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm nhân sự cũng như mô hình còn quá nhỏ khiến cô gặp bất lợi khi xây dựng các chế độ đãi ngộ để cạnh tranh với các nhà hàng lớn. Vậy nhưng những điều đó không thể làm cô nản chí. Thời điểm đó cô chỉ biết đam mê kinh doanh và nắm bắt thời cơ.
Uyên Vy luôn nói “ Cơ hội rất dễ mất đi. Một ý tưởng mình cho là hay sẽ không bao giờ chờ mình mãi”.
Sau 2 năm khó khăn đầu tiên, dự án đầu tiên của cô khi mới trở về nước cũng đã đi vào quỹ đạo ổn định và mở rộng được 4 địa điểm với hơn 80 nhân viên.
Cùng thời gian đó, tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng triển khai dự án thương mại điện tử. Vốn là con gái của Chủ tịch tập đoàn Vinatex (hiện ông là cựu chủ tịch HĐQT Lê Quốc An), cô đã gia nhập dự án và đặt tên công ty là Chọn.
Chọn bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2011, chuyên về thời trang với số vốn ban đầu là 1 triệu USD, Uyên Vy giữ 10% trong đó. Tự chọn một bước đi mới lạ, khi thay vì đàm phán với hàng loạt thương hiệu lớn, cô nghiên cứu từng thương hiệu, tìm hiểu xem họ có bao nhiêu của hảng, gặp phải những thách thức gì rồi từ đó cung cấp đúng thứ họ cần. Ví dụ như cô giới thiệu những bộ đồ trên website của Chọn với mức giá mềm cho những thương hiệu chưa có website.
Với cách làm du kích này, dần dần những thương hiệu lớn như Levi’s, Nine West, DKNY,... lần lượt xuất hiện trên Chọn vào giai đoạn 2011-2012.
Với tiếng tăm vang dội, vào cuối năm 2014, Chọn đã vinh dự được Vingroup chọn để rót vốn đầu tư. Cú hích lớn đến từ Vingroup phần nào giúp Chọn có điều kiện đối đầu với gã khổng lồ Zalora đặt chân vào Việt Nam từ năm 2012.
Ngoài việc kinh doanh, Uyên Vy còn tham gia những hoạt động cộng đồng như Chủ tịch Unicef Next Generation, sáng lập mạng lưới Tmspeed Network, Vttragey.com.
Hiện công ty của cô – VinEcom có hơn 2.500 nhân viên từ tiếp thị đến nội dung, hậu cần.
Với kỳ vọng cao đến từ chủ tịch VinGroup, việc đưa VinEcom thành công là thử thách vô cùng lớn với Uyên Vy và điều mà đông đảo giới kinh doanh đang hồi hộp theo dõi.
Năm 2015 này, Uyên Vy là một trong những doanh nhân trẻ tuổi nhất lọt top 30 gương mặt trẻ nổi bật do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn.
Hoài An (Tổng hợp)