Khi vung nắm đấm vào mặt bác sĩ, người bố ấy đã đấm trúng tâm hồn non nớt của đứa con mình. Vết thương ấy, rất khó chữa lành.
Vết thương khủng khiếp nhất đang loét miệng
Vết thương thực thể của em bé – con trai người đấm thẳng mặt Hồng Chiến – sẽ lành trong vài ngày, nhưng những vết thương khủng khiếp khác mới bắt đầu loét miệng.
Bao nhiêu tiết học đạo đức ở trường và ở nhà, bao nhiêu cuốn sách Bài học cuộc sống, hạt giống tâm hồn có thể lấp đầy nhận thức của một đứa trẻ khi nó chứng kiến người chữa cho mình, được trả ơn bằng nắm đấm của chính bố mình? Và như vậy, cú đấm ấy, người bố đã đấm trúng tâm hồn non nớt của đứa con mình.
Không dễ để chữa lành vết thương đó. Vết thương thứ hai, chính là vết thương mưng mủ trong tim những người thầy thuốc.
Khi câu chuyện được phát hiện, có một lực lượng không nhỏ luôn tin rằng bác sĩ bị đánh là đúng, vì không có lửa làm sao có khói. Tâm lý ấy, chính là những mũi dao thường trực kề cạnh mạn sườn người thầy thuốc.
Nỗi đau của bác sĩ Hồng Chiến và đồng nghiệp, sẽ không trôi đi theo nước mắt, không vơi đi theo nỗi hối hận chọn nghề, mà sẽ tăng lên, loét ra mỗi khi có một vụ bạo hành mới trong bệnh viện.
Một đồng nghiệp của bác sĩ Hồng Chiến ở bệnh viện Xanh Pôn – người 17 năm trước bị người nhà bệnh nhân đấm và nhổ bãi nước bọt vào giữa mặt – đến giờ vẫn còn thấy như chính mình chịu nhục mỗi khi đồng nghiệp gặp côn đồ.
"Xin đừng đánh" và tiếng thét giữa phòng cấp cứu.
Người cha ở đường Trường Chinh, Hà Nội đã khóc nấc lên, đã thấy gần như sụp niềm tin, khi đứa con của mình bị chém.
"Minh hấp" nhiều lần bị đánh chỉ vì cậu bị thiểu năng trí tuệ. Trong một xã hội luôn "dự phòng" những kẻ giết người chỉ vì cho rằng mình bị nhìn đểu, chỉ vì va quệt nhẹ, chỉ vì một câu bông đùa, thì một người ngơ ngơ hiền lành như Minh, cũng khó tránh khỏi tai họa.
Người cha ấy đã phải viết lên lưng áo con những chữ đau nhói "Xin đừng đánh". ()
Các bác sĩ không ngơ ngơ như Minh, họ làm việc đến kiệt sức trong một môi trường quá tải đến độ người nhà bệnh nhân còn thấy nghẹt thở. Nhưng họ vẫn không tránh khỏi bị đánh, bị lăng nhục.
3 năm trước, tôi gửi qua chat cho người bạn là bác sĩ tấm ảnh một bác sĩ ở phòng cấp cứu California (Mỹ) đã khuỵu gối xuống đất khóc đau đớn tột cùng vì không thể cứu được bệnh nhân 19 tuổi.
Bạn tôi bảo: "Bác sĩ có lương tâm nào chẳng đau khi cuộc sống bệnh nhân bị cướp khỏi tay mình. Nhưng ở Việt Nam, cái thường xuyên khiến bọn tôi đau đớn nhất, chính là việc đồng nghiệp bị người nhà bệnh nhân làm nhục. Họ gọi chúng tôi là thầy thuốc nhưng nhiều khi đối xử như nô lệ?".
Bạn kể, năm 2016, một người mẹ bệnh nhân nhi 7 tuổi bị đau bụng, đã chỉ thẳng mặt cô, thét lên giữa phòng cấp cứu: "Con tao làm sao thì tao sẽ lấy mạng con mày".
Lời nói man rợ đó phát ra vì bà mẹ xăm trổ yêu cầu bác sĩ cho con uống thuốc giảm đau, nhưng bác sĩ từ chối vì chưa chiếu chụp, xét nghiệm.
Trở về nhà lúc 1 giờ sáng, ôm đứa con 5 tuổi đang say ngủ, nước mắt cô trào ra và hối hận vì mình đã chọn cái nghề mà "cả bệnh tật, cả người nhà bệnh nhân và cả dư luận đều có thể lăng mạ, đay nghiến, xỉ vả".
Virus đáng sợ nhất trong bệnh viện
Khi chụp hàng ngàn bức ảnh tự sướng với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân sau các ca mổ thành công, GS. TS Trịnh Hồng Sơn – đôi bàn tay vàng ngoại khoa Việt Nam – muốn lưu lại những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của người thầy thuốc. ()
Nếu bác sĩ không thể tự hào, say mê với cái nghề cứu mạng, nếu bệnh nhân và người nhà không biết tri ân thầy thuốc, bệnh viện sẽ không còn là nhà thương nữa mà là nơi hoành hành của "virus vô cảm".
Không thể lập chốt công an cho mỗi bệnh viện. Ngay cả có chốt công an, bệnh vô cảm cũng không thuyên giảm, nếu xã hội vẫn nhìn bác sĩ như một lực lượng không thể phản kháng.
Một cô giáo "im như thóc" khi lên lớp suốt 3 tháng đã để lại những hậu quả không nhỏ.
Nếu bàn tay và cái đầu bác sĩ cũng "im như thóc" ở bệnh viện, điều gì sẽ xảy ra? Bác sĩ Hồng Chiến, người bị đấm vào mặt, đã không chọn cách "im như thóc" sau khi bị lăng nhục, dù anh biết "xã hội này nhiều người không tin bác sĩ, tin người khác hơn chính người chữa bệnh cho mình".
Chiến đã lên tiếng trong nước mắt: "Chúng tôi sẽ khâu cho cháu, dù bố cháu có đánh tôi đi chăng nữa… Chúng tôi muốn chứng minh cho xã hội thấy, dù bác sĩ có bị chèn ép sao nữa... thì họ sẽ không phụ những người đánh họ". ()
Tôi biết Chiến và nhiều thầy thuốc khác sẽ làm như vậy, nhưng sao họ có thể làm tốt nhất công việc của mình, với đôi tay run lên vì uất ức và một cõi lòng rách nát niềm tin?
Cháu bé đã được khâu vết thương, nhưng ai sẽ khâu những vết thương luôn có nguy cơ hoại tử trong lòng thầy thuốc?