Tin mới

Ông chủ Eximbank và những quyết định nghìn tỷ đồng trong tích tắc

Thứ ba, 07/10/2014, 20:47 (GMT+7)

Ngồi trên ghế Chủ tịch\nEximbank, nhưng mọi người thường nhìn thấy ông trong vai trò Chủ tịch Liên đoàn\nbóng đá VFF. Nếu biết về Lê Hùng Dũng thì mới hiểu rằng người đàn ông có thể ra\nquyết định nghìn tỷ đồng trong tích tắc đến với bóng đá bằng niềm đam mê thật sự\ntừ thủa làm cán bộ đoàn Thị xã Long Xuyên (An Giang)

Ngồi trên ghế Chủ tịch Eximbank, nhưng mọi người thường nhìn thấy ông trong vai trò Chủ tịch Liên đoàn bóng đá VFF. Nếu biết về Lê Hùng Dũng thì mới hiểu rằng người đàn ông có thể ra quyết định nghìn tỷ đồng trong tích tắc đến với bóng đá bằng niềm đam mê thật sự từ thủa làm cán bộ đoàn Thị xã Long Xuyên (An Giang).

Năm 2001, làng bóng đá Việt Nam xôn xao trước thông tin mức lương kỷ lục 25 triệu đồng/tháng (tương đương gần 2.000 USD) của tiền đạo Lê Huỳnh Đức.

“Đây là mức lương cao nhất lúc bấy giờ. Tôi nghĩ cầu thủ có đủ sống thì trên sân mới chạy thanh thoát, mới cống hiến hết mình”, người đưa ra quyết định táo bạo phá vỡ khung lương cầu thủ thời ấy nói.

Quan điểm này tại thời điểm đó được xem là thoáng và táo bạo. Ông là một doanh nhân có tầm nhìn, nhiều tâm huyết với bóng đá, nên được để cử ngồi vào chiếc ghế nóng, nhằm vực dậy Câu lạc bộ Ngân hàng Đông Á (Câu lạc bộ Công an TP.HCM trước đây) - đội bóng có dàn cầu thủ ngôi sao nhưng đang trên đà sa sút.

Lật lại một chút, quan điểm “win - win” là bài học kinh doanh vỡ lòng ông học được từ năm 24 tuổi, trên một chuyến xe đò xin quá giang từ quê ông, Long Xuyên (An Giang), về TP.HCM. Ngồi phía sau thùng xe, ngộp thở trong đống hàng hóa chuyển từ miền Tây lên TP.HCM, ông để ý thấy xe bị chặn lại ở nhiều trạm kiểm soát lớn nhỏ mọc lên nhan nhản ở Tiền Giang, Long An thời đó. Quãng đường chỉ khoảng 200 km, nhưng chiếc Renault ì ạch chạy mất 12 tiếng.

Quan sát cách xử lý của người cán bộ cho đi quá giang ở mỗi trạm kiểm soát, ông rút ra nhận xét: “Kinh doanh dù hợp lệ, có đầy đủ các loại giấy tờ thì vẫn phải giữ nụ cười trên môi. Nguyên tắc của kinh tế là “win - win”. Phải làm sao để hai bên cùng thắng.”

Tư tưởng “win - win” này thể hiện ngay mùa giải đầu tiên nắm đội bóng, khi ông bạo tay treo thưởng 1,5 tỷ đồng cho Câu lạc bộ Ngân hàng Đông Á để thắng cả 3 trận đấu cuối cùng của mùa giải V- League 2001- 2002, hướng tới vị trí thứ nhì. Những vòng đấu cuối, lo ngại nhóm cầu thủ “quyền lực đen” có thể phá bĩnh, nhận tiền của giới cá độ “nằm” không chịu đá, ông mời báo giới và cả lực lượng an ninh dự khán trận đấu trên sân Thừa Thiên Huế. Treo thưởng lớn, lo xa như vậy, nhưng năm đó, đội bóng vẫn chỉ về hạng ba. Ông ra đi, một thời gian sau đội bóng cũng giải thể.

12 năm sau kỷ niệm buồn của ông với câu lạc bộ này, hè năm 2014, sau khi nghi án bán độ của cầu thủ hai đội bóng Ninh Bình, Đồng Nai rúng động V- League, Giải vô địch quốc gia có nguy cơ đổ vỡ vì chuyên án mở rộng, có thể chỉ còn 6-8 đội bóng “sạch.”

Ông cứng rắn bày tỏ trên báo giới: “Mục tiêu của chúng ta không phải là có bao nhiêu đội bóng ở V-League và hạng Nhất, mà là nâng cao chất lượng bóng đá Việt Nam để xứng tầm với tiềm lực của mình. Nếu làm được như thế, chúng ta có thể sẽ vươn ra khỏi khu vực Đông Nam Á để nhắm tới tầm châu Á, và đến một lúc nào đó thì đặt mục tiêu World Cup. Nhiều người nói World Cup với bóng đá Việt Nam là giấc mơ hoang đường, nhưng nếu sống mà không có ước mơ, hoài bão thì cuộc sống sẽ rất tẻ nhạt”.

Nửa thế kỷ trước, trái bóng tròn đã là một phần quan trọng làm cuộc sống của ông nhiều thi vị. Sinh năm 1954, nhằm che giấu nhân thân là con của một cán bộ tập kết (ông Nguyễn Quyền Sinh, tên thật là Nguyễn Ngọc Lượm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt Việt Nam), trong giấy khai sinh ông được mang họ mẹ.

Cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng, một người thân của gia đình ông đã từng kể: “Anh (Nguyễn Quyền Sinh) có hai con trai, nhưng mang hai họ khác nhau. Đứa con đầu lấy họ của anh - họ Nguyễn, đứa con thứ hai vừa ra đời thì anh xuống tàu đi tập kết, vợ con đều ở lại. Để tránh con mắt soi mói, nhòm ngó của địch nên lấy họ mẹ, họ Lê...”.

“Bóng đá, với tôi là trò tiêu khiển hồn nhiên gắn với chúng bạn thuở nhỏ”, ông kể lại trong buổi trả lời phỏng vấn tại văn phòng, tầng 17, cao ốc Kumho (TP. HCM). 6-7 tuổi, ông đá bóng “phủi” với chúng bạn khi bằng banh nhựa, khi là ruột xe cuộn với lá chuối.

Thuở ấy, vì đam mê, chiều Chủ nhật nào ông cũng áp tai vào radio nghe một bình luận viên nổi tiếng tường thuật bóng đá, cảm giác như đang ngồi trên sân. Sau năm 1975, trở thành cán bộ đoàn thị xã Long Xuyên (An Giang), ông lập đội tuyển thanh niên thi đấu giao hữu đó đây khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Mỗi thời, tình yêu bóng đá trong ông thể hiện một cách khác nhau. Năm 1997, khi Giải vô địch U21 Báo Thanh Niên được tổ chức lần đầu, lúc này ông đã kinh doanh, ít có thời gian xỏ giầy ra sân, nhưng lại có mối quan hệ, có tầm ảnh hưởng, nên muốn làm chút gì cho bóng đá trẻ. Ông tài trợ và kêu gọi nhiều mạnh thường quân khác ủng hộ giải đấu. Sau giải U21 này, ông được tín nhiệm và tham gia Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Bóng đá không phải là thú vui tiêu khiển nhất của vị doanh nhân này. Năm 1982, sau 3 năm học Đại học Ngoại ngữ Praha (Tiệp Khắc) về nước, ông sắm xe mô tô riêng. Thú chơi xe nhen nhóm bắt đầu từ đấy. Giới chơi xe ở TP.HCM vẫn trầm trồ khi nhắc đến một báu vật ông đang sở hữu: chiếc BMW R2 sản xuất năm 1936. Chiếc xe cổ có kết cấu khá lạ so với những dòng xe bây giờ, với khung xe là những thanh sắt liền, không hàn nối, không phuộc nhún trước sau...

Ông kể, để có được chiếc xe này, năm 1997, ông phải đổi một chiếc BMW R5 sản xuất 1954, một chiếc Chrysler sản xuất 1966 và bù thêm 5.000 USD tiền mặt. Chiếc xe độc nhất vô nhị còn có giấy đăng ký với chữ ký và con dấu của Phủ toàn quyền Đông Dương. Qua nhiều đời chủ, hỏng hóc cũng nhiều, ông phải nhờ người quen bên Đức lùng mua linh kiện, phụ tùng gốc để chiếc xe 99,9% nguyên bản. Ở tuổi 60, ngày nghỉ, ông vẫn đẩy xe chạy ra đường tận hưởng cái thú đang sở hữu một báu vật không ai có.

“Tôi nghĩ rằng, mỗi người luôn cần những khoảng không gian và thú vui riêng. Đó là những thứ của riêng mình để có thể lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống sau áp lực công việc, nên không thể đo đếm bằng tiền bạc”, ông nói.

Hết giờ làm việc, ông chơi thể thao. Cuối tuần dành thời gian cho gia đình. Trong nhiều sự kiện quan trọng gắn với mảng ngân hàng - tài chính hoặc bóng đá, ông thường xuất hiện với hai cô con gái rượu, thay vì những bóng hồng như nhiều doanh nhân khác.

Trước khi trở thành chủ tịch một ngân hàng và một công ty kinh doanh vàng, ông ngồi ghế lãnh đạo nhiều công ty nhà nước khác: Phó giám đốc Nhà hàng Festival (Trung tâm Du lịch Thanh niên Việt Nam), Giám đốc Trung tâm Du lịch Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Du lịch Thanh niên Việt Nam…

Một trong các dấu ấn cá nhân quan trọng của ông trong sự nghiệp là ở chính công ty vàng nơi ông vừa rời ghế chủ tịch HĐQT, nghỉ hưu ở tuổi 60. Trong 11 năm ngồi trên ghế lãnh đạo, ông đã góp phần quan trọng chuyển đổi mô hình hoạt động doanh nghiệp này, với kỷ lục doanh số đạt 5 tỷ USD vào năm 2011, tăng 50 lần so với 10 năm trước đó. Công ty ông chiếm thị phần 90%. “Nếu so với kinh doanh vàng, tôi dám nói với bạn là kinh doanh ngân hàng dễ ợt”, ông nói trong một buổi trả lời phỏng vấn báo giới.

Ông Lê Hùng Dũng kể, kinh nghiệm kinh doanh vàng giúp ông đưa ra nhiều quyết định đáng giá hàng ngàn tỷ đồng trong thời gian tích tắc. Chẳng hạn, cách đây vài năm, khi nhiều ngân hàng vẫn đổ hàng ngàn tỷ đồng tín dụng vào các dự án thép, thì với kinh nghiệm “lướt vàng”, ông đã thấy trước rủi ro nên chỉ đạo siết lại tín dụng. Thời gian sau đó, thép Trung Quốc giá rẻ ồ ạt tràn qua, doanh nghiệp thép nội địa lao đao cạnh tranh không nổi, hàng tồn kho chất đống, nhiều ngân hàng mất vốn, nhưng không có tên ngân hàng ông.

Thận trọng nhưng có cơ hội thì ông không kém phần quyết đoán. Năm 2011, một ngân hàng nước ngoài muốn thoái vốn tại một ngân hàng nội địa, mức giá chào bán cao hơn mức giá thị trường tới 30%. Đang họp hội nghị sơ kết 6 tháng tại Đà Lạt, ông và HĐQT ngân hàng phân tích và quyết định mua ngay, vì tin ngân hàng là lĩnh vực họ hiểu rõ và thị trường chứng khoán sẽ phục hồi. Hiện nay, nếu thoái vốn theo mức giá thị trường tính cổ tức tiền mặt, cổ tức bằng cổ phiếu đã nhận được, thì ngân hàng ông đã lời khoảng 80%...

Trong các sự kiện kinh doanh lớn liên quan đến ngân hàng hoặc bóng đá Việt Nam, dễ dàng nhận ra ông với mái tóc bạc trắng nổi bật. Doanh nhân đa phần ít khi phát biểu đao to búa lớn với báo giới, nhưng bất kể ở cương vị nào ông luôn giữ sự thẳng thắn và bộc trực của người Nam Bộ. Vừa nhậm chức Chủ tịch VFF vào đầu năm nay, ông nói: “Ở V-League 2014, bất cứ trọng tài nào tố giác hối lộ có chứng cớ sẽ được Ban Tổ chức thưởng gấp 3 lần số tiền trọng tài đó được hối lộ”.

Ông là ai trong bức chân dung vẽ ngược này? Nếu quan tâm đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng và yêu mến trái bóng tròn, hẳn bạn đã nhận ra ông. Ông là Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank.

Theo Baodautu.vn

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: VFF Lê Hùng Dũng