Nguyên Thứ trưởng GD-ĐT: “Nếu được hỏi, tôi sẽ hỏi Bộ GD-ĐT rằng ai cho mở các ngành này rồi bây giờ lại quyết định đóng”
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa thông báo kết quả rà soát ngành đào tạo trình độ cao đẳng và đại học. Theo đó, bắt đầu từ năm 2014, Bộ GD-ĐT dừng tuyển sinh 207 ngành Đại học không đảm bảo chất lượng cũng như yêu cầu đề ra.
Quyết định này của Bộ Giáo dục-Đào tạo đang tạo nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội. Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng, ông rất hoan nghênh chủ trương này của Bộ. Việc dừng tuyển sinh 207 ngành Đại học không đảm bảo chất lượng xuất phát từ việc Bộ Giáo dục-Đào tạo mong muốn nâng cao chất lượng đào tạo.
Phải quy trách nhiệm người cho “ mở” các ngành bị đóng
Tuy vậy, ông Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh, cũng như mọi người, ông ủng hộ ngành Giáo dục hướng tới nâng cao chất lượng nhưng khi giải quyết một vấn đề, phải xem tính lịch sử của nó, phải xem mong muốn đó phù hợp với tình hình hiện tại hay chưa. Không thể đưa ra một tiêu chí nào đó rồi giải quyết một cách máy móc.“Nếu được hỏi, tôi sẽ hỏi Bộ Giáo dục-Đào tạo, ai cho mở các ngành này rồi bây giờ lại quyết định đóng. Cũng có thể câu trả lời là trách nhiệm thuộc về những người khác nhưng tôi nghĩ phải truy trách nhiệm cụ thể” - ông Trần Xuân Nhĩ nói.Ông Trần Xuân Nhĩ trăn trở, có những trường như Đại học Hà Tĩnh, Bộ cho mở 16 ngành đào tạo, xong lại quyết định dừng đến 14 ngành. “Chỉ còn có 2 ngành đào tạo thì thử hỏi trường đó có còn tồn tại hay không. Nếu Bộ cứ đơn giản máy móc như thế thì số phận các trường sẽ như thế nào?”.
PGS.TS Trần Xuân Nghĩ, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT
Ông Nhĩ cũng đưa ra dẫn chứng cụ thể là đối với các trường nghệ thuật thì lấy đâu ra Tiến sỹ. Các trường này đào tạo về năng khiếu, không nhất thiết phải lên Đại học. “Thực tế cho thấy, những người có năng khiếu về hát thì người ta không cần phải học Đại học. Hoặc những nghệ nhân, họ làm rất tài giỏi, họ không cần đến Đại học. Vì thế không nhất thiết phải chuyển những trường nghệ thuật như thế này từ Trung cấp hoặc Cao đẳng lên Đại học”.
PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, nếu cứ áp đúng tiêu chí để dừng ngành đào tạo thì các trường nghệ thuật sẽ không có người dạy và học trong tương lai. Và cũng chưa biết đến bao giờ các trường này mới có đủ lượng Tiến sỹ như quy định. “Đào tạo một Tiến sỹ về nghệ thuật rất khó. Như vậy để mở lại các ngành về nghệ thuật phải chờ một thời gian rất dài”.
Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, việc xóa hay mở ngành đào tạo liên quan đến cả tổng thể, nên Bộ cần phải có nghiên cứu kỹ và tổng thể vấn đề này. “Tôi không biết khi đưa ra chủ trương này, Bộ đã khảo sát toàn bộ 480 trường Đại học chưa. Từ 480 trường đó có bao nhiêu ngành phải đóng cửa?”.
“Thời tôi, làm gì có chuyện ào ào cho mở ngành”
Ông Nhĩ cho biết, trước đây có những trường mở ngành mới như trường Đại học Sư phạm hay Tổng hợp, lúc mới mở làm sao có đủ các tiêu chí về Thạc sỹ, Tiến sỹ… Ví dụ khoa Sinh, Đại học Sư phạm ngày trước, gần như không có Thạc sỹ, Tiến sỹ nào mà thời điểm đó buộc phải mở ngành rồi phát triển dần dần. Cũng như hiện nay, có nhiều trường ở địa phương, chẳng hạn như Đại học Hà Tĩnh, họ không thể có đủ Thạc sỹ, Tiến sỹ để đáp ứng tiêu chí.
PGS Trần Xuân Nhĩ cũng nêu trường hợp cụ thể là theo quy định có 1 Tiến sỹ và 3 Thạc sỹ thì được mở ngành. Nhưng chẳng hạn có sự biến động là vị Tiến sỹ được điều đi làm một công việc khác mà chưa có người khác về thay, trong khi đó phải có thời gian mấy vị Thạc sỹ mới học lên Tiến sỹ được. Vì thế thì cần phải xem các trường hợp một cách cụ thể.
“Ở đây có nhiều vấn đề, Bộ cần phải giải quyết từng vấn đề cho phù hợp với tình hình của từng địa phương, từng ngành và tình hình chung chứ không phải đưa ra một cách máy móc là 1 Tiến sỹ, 3 Thạc sỹ. Tôi cho rằng, cách giải quyết như vậy chưa ổn. Việc dừng 207 ngành Đại học sẽ ảnh hưởng tới nguồn nhân lực đang được đào tạo ở những nơi đó và ảnh hưởng tới cả những nguồn nhân lực trong tương lai”- ông Nhĩ trăn trở.
Ông Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh, cách làm của Bộ không thực tế, mang tính đánh đồng. Chỉ riêng vấn đề thi cử ở nước ta, miền núi cũng khác, miền xuôi cũng khác, tất cả mỗi trường nó đều có sứ mệnh của riêng của mình, Đại học Quốc gia thì phải có sứ mệnh khác các trường địa phương. Bộ đưa ra tiêu chí chung để xử lý cho tất cả các trường hợp là chưa hợp. Mà trước khi mở, Bộ phải tính được cả nước có bao nhiêu Thạc sỹ, bao nhiêu Tiến sỹ và với số lượng như vậy thì mở ra bao nhiêu trường, bao nhiêu ngành… Nếu tính toán được vậy thì chắc chắn không có việc dừng ồ ạt các ngành như hiện nay.
PGS Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng, việc xóa sổ nhiều ngành như vậy sẽ làm cho những thí sinh đang có nguyện vọng vào những ngành này hoang mang. Nhưng hoang mang nhất vẫn là những người đang học ở các ngành đó. Bởi việc không cho tiếp tục đào tạo ngành đó, có nghĩa là trường đào tạo không chất lượng. Điều này cũng ảnh hưởng tới nhu cầu xin việc sau khi ra trường của sinh viên. Và sắp tới, nếu đóng cửa các ngành này thì sinh viên sẽ tiếp tục được đào tạo như thế nào…
PGS Trần Xuân Nhĩ cho biết, theo ông quan sát, hầu như những ngành bị dừng đều mới được mở ra trong vòng 4-5 năm lại đây. “Trước kia làm gì có chuyện ào ào cho mở ngành như vậy. Thời tôi còn làm ở Bộ GD-ĐT, làm gì có nhiều trường Đại học như thế. Chúng tôi rất cẩn trọng, kể cả những ngành thực sự cần thiết phải mở trong giai đoạn đó Bộ cũng cân nhắc rất kỹ. Các ngành đó chưa có đủ nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu thì cũng phải tạo điều kiện cho nó hoàn thiện rồi bổ sung nguồn nhân lực sau. Điều tôi muốn nói ở đây là việc dừng hay mở phải xem xét cụ thể, không cho ra chỉ tiêu một cách máy móc. Cách làm như vậy không phù hợp với tình hình đất nước hiện nay”.
Theo VOV