Sờ soạng, vỗ mông, ôm quá chặt vào ngực và đùi… đều phạm luật. Gửi tin nhắn, gửi ảnh gợi tình, gửi email, tiếng động lạ, thậm chí nhìn và nháy mắt ra hiệu… đều có thể bị qui có tội.
Không phải "của nhà", cấm sờ
Tôi biết rõ có vị kha khá nhà ta sang Tây, vào thang máy khách sạn thấy một em đầm mặc hở hang liền thò tay chạm mông, miệng cười nhăn nhở. Chắc nghĩ ông ta có quyền như ở Việt Nam, nhưng bỗng bốp một phát, lão hoa mắt. May mà cô này không gọi cảnh sát như rất nhiều cô khác.
Không quen biết mà sờ mông để chào hỏi là ăn cái tát vào mặt như vị kia, ít ra cũng bị lườm hay bị chửi vào mặt "đồ khốn nạn". Người ta ăn mặc hở hang thì kệ người ta, không phải "của nhà" đừng có mà sờ vào. Ở phương Tây sẽ bị kiện tội tấn công hay quấy rối tình dục.
Tổng thống Trump bị cho rằng đã quấy rối nhiều người và các vụ kiện vẫn tiếp tục khi ông vào Nhà Trắng. Đôi lúc phải giàn xếp cả triệu đô la vì các cô kia đánh hơi tỷ phú có nhiều tiền.
Kiện người ít tiền lại không nổi tiếng thì hơi nhạt, vừa mang tiếng, vừa không sơ múi gì. Vì thế, người ta thấy các vụ tình dục phần nhiều liên quan đến các ngôi sao, không chỉ ở lĩnh vực giải trí.
Khi Rocker giãi bày về việc "vỗ mông giống chào hỏi", anh này gặp ngay sóng thần.
Chắc anh này nghĩ như những người khác nghĩ: Giới showbiz khá quen với các màn quí bà ăn mặc hở hang, ngực thả rông, váy áo mà phía lưng xẻ tới mông, ưỡn ẹo trên sàn, quí ông đầu trọc, râu ria, quần rách lửng, thắt lưng hùm beo, hoa tai đeo lủng lẳng, thì việc vỗ mông đâu có gì gây sốc.
Chưa kể là bạn diễn với nhau, môi trường làm việc riêng tư, cảnh diễn nóng, va chạm cơ thể thường xuyên, có gì ghê gớm mấy cái vỗ mông?
Nói chung cơ hội gợi tình của giới showbiz nhiều hơn gấp bội so với dân nghiện bia ngắm các em váy ngắn ngực hở đi tiếp thị đồ uống.
Dân thường thấy như thế sẽ đồn đoán, giới này ngủ với nhau là bình thường, sờ soạng chỉ là chuyện nhỏ, gợi tình hay "chào hỏi bằng tay" là quá vớ vẩn.
Thật vậy không?
Nhìn cũng là quấy rối tình dục
Người viết bài này không thuộc giới showbiz và không thể góp ý với Anh Khoa hay bất kỳ sao nào về cách ứng xử nơi công cộng và chốn riêng tư. Thấy cô nào ăn mặc mát mẻ không thể không liếc mắt, của trời cho, tội gì, thì làm sao lên lớp về đạo đức gạ tình.
Vậy làm thế nào để tránh nhìn của trời cho mà không bị phạt, bị đưa lên báo, bị dọa ra tòa. Tất nhiên, mỗi người phải có văn hóa ứng xử, nhưng điều đó không đủ. Thế mới cần đến luật.
Hồi mới sang Mỹ thấy các bà ăn mặc hở ngực mình cứ nhìn chằm chằm, tay đồng nghiệp IT đi cùng bảo, liệu hồn kẻo bị kiện vì tấn công tình dục. Khốn kiếp cái nước Mỹ, nhìn cũng bị buộc tội. Nhưng ở vài năm thì tôi hiểu, luật của họ không biết đùa.
Làm cho World Bank cả Hà Nội lẫn bên Washington DC 20 năm, hàng năm văn phòng gửi thư thông báo, rồi hội thảo, về cách hành xử, chống lại quấy rối, lạm dụng hay tấn công tình dục ra sao và nhất là sếp lạm dụng quyền lực để ép tình thì nhân viên phải làm gì.
Vì văn phòng bên Mỹ nên World Bank dựa vào luật Mỹ, gọi đó là hướng dẫn chống quấy rối tình dục nơi công sở dựa vào Khoản 7 về quyền dân sự của Hoa Kỳ năm 1964 (Title VII of the Civil Rights Act of 1964).
Mỗi nơi một khác nhưng tựu chung là sếp dùng quyền để gạ tình nhân viên là phạm luật, phải hốt liền không nói nhiều. Thầy đổi tình lấy điểm cũng phải cho ra khỏi ngành. Đi tù là thường.
Gợi tình bằng lời nói, bằng cử chỉ, bằng mời mọc đi khách sạn, đi ăn và sau đó… đều bị qui vào tội quấy rối.
Sờ soạng, vỗ mông, ôm quá chặt vào ngực và đùi… đều phạm luật. Gửi tin nhắn, gửi ảnh gợi tình, gửi email, tiếng động lạ, thậm chí nhìn và nháy mắt ra hiệu… đều có thể bị qui có tội.
Có nhiều hướng dẫn rất rõ ràng cách báo cáo cho người phụ trách môi trường làm việc. Người này thường độc lập với lãnh đạo và bảo vệ cả nam lẫn nữ vì không loại trừ đàn bà gợi tình đàn ông, ăn mặc hở ngực, xẻ mông, vô tình qua lại cọ sát, rồi sau đó lu loa "anh ấy quấy rối tôi".
Nên nếu phải khuyên Phạm Anh Khoa điều gì, tôi chỉ nói ngắn gọn: "Phạm Anh Khoa, đừng dại sang Mỹ, cậu sẽ hỏng ngay lập tức".
Chuyện như mấy cô tố cáo Anh Khoa lên mặt báo là cảnh tỉnh cho mọi người hành xử cho đàng hoàng, không phải của nhà thì đừng ôm người ta, vợ anh, anh chào hỏi kiểu đó thoải mái.
Tuy nhiên, nhắn nhủ xong rồi mà đưa lên báo chí (ở Việt Nam thì OK để câu views) nhưng bên Mỹ lại phạm luật quyền riêng tư. Vì khi ghi âm mà không báo cho đối phương thì sẽ bị nghi ngờ có mưu đồ bẫy người ta.
Gọi điện cho một hãng liên quan đến dịch vụ, hệ thống thường thông báo, cuộc gọi của quí vị được ghi âm để nâng cao chất lượng… nhưng bản chất là "tôi báo trước là ghi âm đấy, liệu mà ăn nói".
Chuyện của Anh Khoa và các cô rất khó giải quyết và như chị Vân Anh bên CSAGA gợi ý là mỗi môi trường làm việc nên có một bộ qui tắc ứng xử dựa vào luật dân sự để nhân viên biết thế nào là đúng sai. Nhưng ý kiến của chị bị khỏa lấp do vụ chào hỏi của Anh Khoa.
Thật không thỏa đáng chút nào nếu văn phòng không có một hướng dẫn nhân viên ăn mặc thế nào cho chuyên nghiệp mà cứ để hở hang rồi lại đi kỷ luật người nhìn.
Nó phải từ hai phía, từ người có khả năng bị quấy rối và người định quấy rối. Một bên là luật, một bên là đạo đức, văn hóa ứng xử.
Nơi làm việc không có bộ qui tắc ứng xử, hướng dẫn chống quấy rối tình dục và cách tránh quấy rối, thì dễ rơi vào chuẩn đúp phán xét khi mới nghe mỗi chữ "vỗ mông".