Gần đây, trong một số hội nghị, hội thảo quốc tế (Hội nghị quốc tế lần thứ 2 về “An ninh và Hợp tác ở châu Á-Thái Bình Dương” tổ chức tại Bắc Kinh (từ ngày 27 đến 28/5/2014); Đối thoại Shangri-La (Singapore, từ ngày 30/5-1/6/2014), một số quan chức cao cấp, tướng lĩnh, nhà ngoại giao, học giả Trung Quốc lên tiếng cho rằng Trung Quốc có chủ quyền ở quần đảo Nam Sa (Trường Sa); giàn khoan Hải Dương-981 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Hoàng Sa thuộc Trung Quốc; Việt Nam cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của giàn khoan Hải Dương-981 tại vùng biển mà Việt Nam không có chủ quyền…
Tất cả những cái gọi là “lý lẽ” ấy đều nhằm biện minh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nằm trong lãnh thổ của Trung Quốc.
Trong bài viết: ''Phản bác lý sự "chủ quyền" của Trung Quốc,'' phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hồng Quân đã góp thêm tiếng nói vạch trần những “lý lẽ” ngụy biện trên của một số quan chức, tướng lĩnh, nhà ngoại giao, học giả Trung Quốc.
Chiến sỹ Trường Sa chắc tay súng gìn giữ biển đảo Tổ quốc. (Ảnh: Việt Đức/Vietnam+) |
Nguyên tắc xác định “quyền thụ đắc lãnh thổ” trong pháp luật quốc tế
Trung Quốc đã dựa vào nguyên tắc “chủ quyền lịch sử,” “danh nghĩa lịch sử” để khẳng định chủ quyền các đảo mà họ gọi là Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa), Đông Sa, Trung Sa. Họ khai thác tất cả các yếu tố được ghi nhận trong các tài liệu lịch sử của Trung Quốc để nói rằng, người Trung Quốc đã xuống Biển Đông và khu vực các đảo này, chính họ là người phát hiện, khai phá, đã làm ăn và sau đó là quản lý, đồng thời rêu rao cái gọi là thực hiện chủ quyền của Trung Quốc với các đảo này.
Trong lịch sử phát triển lâu dài của pháp luật quốc tế, những nguyên tắc và quy phạm pháp luật xác lập chủ quyền lãnh thổ đã được hình thành trên cơ sở thực tiễn quốc tế (như “chiếm hữu thật sự,” “chủ quyền lịch sử,” “khoảng cách địa lý”…), nhưng nguyên tắc “thụ đắc lãnh thổ quốc gia” mới là phương thức đánh giá một cách khách quan, khoa học đối với các quan điểm pháp lý do các bên tranh chấp chủ quyền nêu ra và trở thành nguyên tắc được thế giới thừa nhận sử dụng rộng rãi, gọi là nguyên tắc “quyền thụ đắc lãnh thổ quốc gia.”
Từ thế kỷ XVI, sự phát triển và lớn mạnh khiến các nước như Hà Lan, Anh, Pháp... trở thành những cường quốc cạnh tranh với Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha (Sắc lệnh của Giáo hoàng Alexandre VI ký ngày 4/5/1493 đã phân chia khu vực ảnh hưởng cho Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ở các lãnh thổ mới phát hiện ngoài châu Âu) tại các lãnh thổ mới phát hiện ngoài châu Âu.
Một bức bản đồ Trung Quốc cố không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. (Nguồn: TTXVN)
Trước thực trạng đó, các cường quốc hàng hải đã tìm ra nguyên tắc pháp lý áp dụng cho việc thụ đắc lãnh thổ đối với những vùng lãnh thổ mà họ mới phát hiện, bao gồm nguyên tắc “quyền ưu tiên chiếm hữu” (hay còn được gọi là nguyên tắc “quyền phát hiện”) và cùng với đó là nguyên tắc “chiếm hữu thật sự.”
Theo nguyên tắc “quyền ưu tiên chiếm hữu,” luật pháp quốc tế dành quyền ưu tiên chiếm hữu cho quốc gia đã phát hiện vùng lãnh thổ đó đầu tiên. Tuy nhiên, trên thực tế, nguyên tắc quyền phát hiện chưa bao giờ tự nó đem lại chủ quyền quốc gia cho quốc gia đã phát hiện ra vùng lãnh thổ mới đó, bởi người ta không thể xác định được khái niệm, giá trị pháp lý của việc phát hiện, ai là người phát hiện trước, dấu ấn hành vi phát hiện đó…
Vì thế, việc “phát hiện” được bổ sung bằng việc “chiếm hữu danh nghĩa,” nghĩa là quốc gia phát hiện ra một vùng lãnh thổ phải để lại dấu tích trên vùng lãnh thổ mới phát hiện đó. Tuy vậy, nguyên tắc “chiếm hữu danh nghĩa” không những không giải quyết được một cách cơ bản những tranh chấp phức tạp giữa các cường quốc đối với các vùng “đất hứa,” đặc biệt là những vùng lãnh thổ thuộc châu Phi và các hải đảo nằm cách xa đất liền hàng ngàn hải lý, thậm chí xa hơn…, trái lại còn dẫn đến không ít cuộc đối đầu quyết liệt giữa các cường quốc, bởi không thể lý giải được cụ thể “chiếm hữu danh nghĩa” được lập ra bao giờ và tồn tại như thế nào…
Vì vậy, sau Hội nghị về châu Phi năm 1885 của 13 nước châu Âu và Hoa Kỳ, đặc biệt sau khóa họp của Viện Pháp luật quốc tế ở Lausanne (Thụy Sĩ) năm 1888, người ta đã thống nhất áp dụng một nguyên tắc thụ đắc mới, đó là nguyên tắc “chiếm hữu thật sự.”
Điều 3, Điều 34 và Điều 35 của Định ước Berlin ký ngày 26/6/1885 đã xác định nội dung của nguyên tắc “chiếm hữu thật sự” và các điều kiện chủ yếu để “chiếm hữu thật sự” là: Phải có thông báo về việc chiếm hữu cho các quốc gia ký Định ước nói trên; và phải duy trì trên vùng lãnh thổ mà nước đã thực hiện hành vi chiếm hữu trên vùng lãnh thổ ấy một quyền lực đủ để khiến cho các quyền của nước chiếm hữu được tôn trọng.
Tuyên bố của Viện Pháp luật quốc tế Lausanne năm 1888 đã nhấn mạnh: “… mọi sự chiếm hữu muốn tạo nên danh nghĩa chủ quyền… thì phải là thật sự, tức là thực tế, không phải là danh nghĩa”. Tuyên bố này đã khiến cho nguyên tắc “chiếm hữu thực sự” của Định ước Berlin 1885 có giá trị phổ biến trong luật pháp quốc tế để xem xét, giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia trên thế giới.
Nội dung chủ yếu của nguyên tắc “chiếm hữu thật sự” trong luật pháp quốc tế gồm các yếu tố sau:
i) Việc xác lập chủ quyền lãnh thổ phải do nhà nước tiến hành.
ii) Sự chiếm hữu phải được tiến hành một cách hòa bình, trên một vùng lãnh thổ vô chủ (Res Nullius) hoặc là trên một vùng lãnh thổ đã bị từ bỏ bởi một quốc gia đã làm chủ nó trước đó (derelicto).
iii) Việc sử dụng vũ lực để xâm chiếm là hành động phi pháp. Quốc gia chiếm hữu phải thực thi chủ quyền của mình ở những mức độ cần thiết, tối thiểu thích hợp với các điều kiện tự nhiên và dân cư trên vùng lãnh thổ đó.
iv)Việc thực thi chủ quyền phải liên tục, hòa bình.
Do tính hợp lý và chặt chẽ của nguyên tắc này, nên mặc dù Công ước Saint Germain ngày 10/9/1919 tuyên bố hủy bỏ Định ước Berlin 1885 vì thế giới không còn lãnh thổ vô chủ nữa, các luật gia và các cơ quan tài phán quốc tế vẫn vận dụng nguyên tắc này để giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên các hải đảo (Tháng 4/1928, Tòa án trọng tài thường trực quốc tế La Haye đã vận dụng nguyên tắc này để xử vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Mỹ và Hà Lan, Phán quyết của Tòa án quốc tế của Liên hợp quốc tháng 11/1953 đối với vụ tranh chấp chủ quyền giữa Anh và Pháp về các đảo Minquiers và Ecrehous…).
"Lý lẽ" mà Trung Quốc sử dụng để biện minh cho quan điểm của họ sau khi dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam dựa vào cái gọi là thuyết “chủ quyền lịch sử.” Đây là một luận thuyết vô cùng lạc hậu, trái với công pháp quốc tế, không được luật pháp quốc tế dùng để xử lý các tranh chấp về thụ đắc lãnh thổ đối với các quần đảo.
Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi ở Hoàng Sa và Trường Sa
Việt Nam có đầy đủ các bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Việt Nam đã sớm xác lập chủ quyền ở Trường Sa trong lịch sử. (Ảnh: Việt Đức/Vietnam+)
Các ghi chép lịch sử chính thức cho thấy, ít nhất từ thế kỷ XVII các hoàng đế Việt Nam đã xác lập chủ quyền và có các hoạt động khẳng định chủ quyền, thực thi chủ quyền nhà nước một cách hòa bình và liên tục đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khi các vùng lãnh thổ này được xem là vô chủ.
Cụ thể, nhà Nguyễn đã thành lập Hải đội Hoàng Sa để khai thác kinh tế và thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước khác đối với hai quần đảo này. Năm 1835, Vua Minh Mạng cho xây dựng ngôi chùa “Hoàng Sa tự” và đặt một tượng đá trên quần đảo Hoàng Sa... Như vậy, công việc thực thi chủ quyền của các hoàng đế Việt Nam liên tục trong suốt mấy thế kỷ mà không bị một nước nào, kể cả Trung Quốc, phản đối.
Với một thời gian dài như vậy, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý để khẳng định rằng chủ quyền của Việt Nam đã được xác lập từ thời phong kiến đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong khi đó, Trung Quốc không hề có tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa. Nhiều bản đồ, gần nhất là bản đồ của Trung Quốc xuất bản đầu những năm 30 của thế kỷ trước, mô tả đảo Hải Nam là tận cùng phía nam của Trung Quốc, không hề có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhiều người hẳn chưa quên sự kiện tháng 3/2014, nhân chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Cộng hòa Liên bang Đức, Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức bà Angela Merkel đã tặng Chủ tịch Tập Cận Bình món quà là một trong số các bản đồ nói trên.
Bản đồ "Đại Nam nhất thống toàn đồ”, vẽ năm 1834 (dưới triều vua Minh Mạng) thể hiện địa danh Hoàng Sa, Vạn lý Trường Sa bằng chữ Hán, (Nguồn: TTXVN)
Sau thời kỳ nhà Nguyễn, chính quyền bảo hộ Pháp và Việt Nam đều tiếp tục duy trì chủ quyền và quản lý trên thực tế đối với hai quần đảo này. Khi thiết lập nền bảo hộ tại Việt Nam vào năm 1884, Pháp đã tiếp quản các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhân danh Việt Nam, xây dựng Trạm khí tượng trên quần đảo Hoàng Sa. Thậm chí cuối năm 1973, các binh sỹ Việt Nam Cộng hòa đóng trên quần đảo còn cứu một gia đình ngư dân (5 người) Trung Quốc chẳng may gặp sóng to, gió lớn dạt vào đảo, chia sẻ khẩu phần ăn ít ỏi của mình để cưu mang gia đình ngư dân này.
Tháng 9/1951, Hội nghị hòa bình San Francisco với sự tham dự của lãnh đạo 51 quốc gia, nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đã công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tại hội nghị này, trưởng phái đoàn Việt Nam, ông Trần Văn Hữu, khi đó là Thủ tướng dưới thời Vua Bảo Đại, đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước sự hiện diện của đại diện 50 nước khác, trong đó có Trung Quốc, mà không gặp phải sự phản đối nào. Trong khi đó, có tới 48/51 quốc gia tham dự Hội nghị đã bác bỏ đề nghị công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tháng 7/1954, các bên trong đó có Trung Quốc, tham gia Hội nghị Geneva 1954 về lập lại hòa bình ở Đông Dương, đã ký kết Hiệp nghị Geneva công nhận và tôn trọng nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Sau khi Pháp rút các lực lượng khỏi Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa đã phục hồi việc thực thi chủ quyền, quản lý đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, có nhiều hành động và đưa ra một số tuyên bố để khẳng định chủ quyền đối với các quần đảo này.
Ấy vậy, năm 1956, Trung Quốc đưa quân đánh chiếm khu vực phía Đông và tháng 1/1974, chiếm nốt khu vực phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tiếp đó, tháng 3/1988, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm đảo Gạc Ma do Việt Nam quản lý.
Theo luật pháp quốc tế, việc sử dụng vũ lực để chiếm hữu lãnh thổ là không được thừa nhận. Hành động nói trên của Trung Quốc đã vi phạm một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là cấm sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, được ghi trong Điều 2 khoản 4 của Hiến chương Liên hợp quốc. Do đó, việc Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa, một số đảo ở Trường Sa hiện nay là không có giá trị, dù Trung Quốc đã ở đó bao lâu và thực hiện những biện pháp gì nhằm thực thi sự quản lý. Cho nên, tuyên bố Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với “Tây Sa” (Hoàng Sa), “Nam Sa” (Trường Sa) là phi pháp.
Trong khi đó, từ sau năm 1974, Việt Nam tiếp tục khẳng định và chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam phản đối các hoạt động phi pháp cũng như yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Về Công thư ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng
Một số học giả Trung Quốc cố tình trích dẫn sai Công thư ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, như là một sự thừa nhận công khai chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong Công thư, Thủ tướng Phạm Văn Đồng không đề cập một từ nào về các lãnh thổ của Trung Quốc, lại càng không đề cập đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ ủng hộ tuyên bố của Trung Quốc về vùng lãnh hải 12 hải lý.
Hơn nữa, việc Thủ tướng Phạm Văn Đồng không đề cập tới các quần đảo trên là phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, bởi các quần đảo này đang nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng hòa kể từ sau Hiệp nghị Geneva năm 1954 như đã nói ở trên.
Với tư cách là một nước tham gia và “giúp” Việt Nam đàm phán Hiệp nghị Geneva năm 1954, Trung Quốc biết rõ hơn ai hết phạm vi địa lý hành chính của Việt Nam được chia tại vĩ tuyến 17. Hơn nữa, các tuyên bố của Trung Quốc rằng không có tranh chấp đối với quần đảo Hoàng Sa là hoàn toàn trái ngược với những gì các lãnh đạo Trung Quốc đã thừa nhận.
Tháng 9/1975, Phó Thủ tướng Trung Quốc khi đó là ông Đặng Tiểu Bình đã nói với Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn rằng hai bên (Trung Quốc và Việt Nam) có các quan điểm khác nhau về Hoàng Sa và Trường Sa và vấn đề này có thể được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán(!).
Trung Quốc hành xử trái luật pháp quốc tế
Từ tháng 5/2014, khi đặt giàn khoan Hải Dương-981, Trung Quốc luôn biện minh cho hành động ngang ngược của mình là giàn khoan nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của cái gọi là “Tây Sa” (Hoàng Sa) của Trung Quốc. Điều này hoàn toàn phi pháp, sai trái về mặt luật pháp quốc tế, trên các mặt sau:
Nhiều tàu Trung Quốc vây quanh, bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)
i) Các đảo đá tại Hoàng Sa có diện tích nhỏ (lớn nhất là đảo Phú Lâm có diện tích khoảng 2km vuông), không thỏa mãn điều kiện pháp lý áp dụng cho quy chế đảo là phải có đời sống kinh tế riêng và có thể tự duy trì cuộc sống.
Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982), các đảo đá này không được hưởng 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, mà chỉ có vùng lãnh hải 12 hải lý. Điều đó khẳng định vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (cách đảo Tri Tôn 17 hải lý và sau đó là 25 hải lý) hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và hoàn toàn không có tranh chấp, lại càng không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Hoàng Sa theo quy định của UNCLOS 1982.
ii) Trung Quốc sử dụng số lượng lớn tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính, quân sự cùng máy bay chiến đấu để hộ tống trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đặc biệt, Trung Quốc cho mở bạt che nòng súng trên các tàu quân sự, chĩa vào tàu dân sự của Việt Nam.
Các hành động nói trên cho thấy rõ ràng Trung Quốc đã có hành động đe dọa sử dụng vũ lực. Nghiêm trọng hơn, các tàu của Trung Quốc chủ động, cố tình đâm va, làm hư hại nhiều tàu thuyền của lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam, thậm chí đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, đâm hỏng tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển Việt Nam, làm bị thương nhiều cán bộ các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam và nhiều ngư dân đang hoạt động tại ngư trường truyền thống trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây là các hành động sử dụng vũ lực hết sức nguy hiểm, đe dọa trực tiếp hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Hiến chương Liên hợp quốc đã cấm tất cả các hành động sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực nói chung và liên quan đến các vấn đề lãnh thổ nói riêng. Các hoạt động tranh chấp phải được giải quyết thông qua thương lượng hòa bình. Hoạt động sử dụng vũ lực chỉ được thực hiện trong các hoàn cảnh đặc biệt như là tự vệ và (hoặc) được Hội đồng Bảo an cho phép.
iii) Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng an toàn 3 hải lý xung quanh giàn khoan Hải Dương-981 cũng là hành vi hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế. Theo UNCLOS 1982, một quốc gia chỉ được phép thiết lập vùng an toàn 500 mét cho các công trình và thiết bị lắp đặt trên biển.
Trên thực tế, phạm vi các tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính và tàu quân sự của Trung Quốc ngăn cản tàu thực thi pháp luật của Việt Nam bảo vệ chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam nhiều khi lên tới 30-40 hải lý. Hành động này đã đe dọa tự do, an ninh và an toàn hàng hải trong khu vực.
Không những thế, việc các máy bay trinh sát và tiêm kích của Trung Quốc thường xuyên bay thấp, uy hiếp các tàu công vụ, tàu cá của Việt Nam đã trở thành mối đe dọa đối với an toàn và tự do hàng không trên Biển Đông.
Thay lời kết
Cách đây một thập kỷ, Trung Quốc đưa ra khái niệm ''trỗi dậy hòa bình,'' rồi ''phát triển hòa bình,'' cam kết không bá quyền, trấn an thế giới về sự phát triển của mình.
Năm 2013, Trung Quốc đề xuất sáng kiến “con đường tơ lụa trên biển” và đề nghị ký hiệp định láng giềng hữu nghị với ASEAN. Tuy nhiên, với những hành động gây hấn và khiêu khích từ năm 2009 trở lại đây trên biển Đông và biển Hoa Đông, thế giới đã thấy khoảng cách ngày càng lớn giữa lời nói và hành động của Trung Quốc.
Thế giới đang nhìn Trung Quốc như là một cường quốc ngày càng ưa sử dụng sức mạnh để thay đổi hiện trạng trong khu vực, khẳng định chủ quyền bằng cách tạo ra những “thực tế mới” trên Biển Đông, ngày càng hung hăng, vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa an ninh, hòa bình và ổn định khu vực.
Chính vì vậy, lòng tin của các quốc gia trong khu vực đối với Trung Quốc suy giảm, Trung Quốc càng bị cô lập trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Tai hại hơn, khi niềm tin về sự “phát triển hòa bình” của Trung Quốc thiếu cơ sở, các nước trong khu vực sẽ tìm kiếm các biện pháp tài phán, xây dựng các mối quan hệ hợp tác quốc tế mới, thậm chí tăng cường khả năng tự vệ. Điều này không có lợi đối với Trung Quốc, bởi cường quốc nào cũng phải tạo dựng môi trường hòa bình và hợp tác xung quanh mình. Một môi trường hòa bình, hợp tác vì phồn vinh chung liệu có thể được tạo dựng bằng Chính sách cường quyền?/.
Theo Vietnamplus/TTXVN