Tin mới

Phạt 200.000 đồng kẻ cưỡng hôn nữ sinh trong thang máy: 'Dư luận, nhân dân không đồng tình'

Thứ tư, 20/03/2019, 13:48 (GMT+7)

Liên quan đến vụ việc người đàn ông "cưỡng hôn", sàm sỡ ngay trong thang máy chung cư chỉ bị phạt 200.000 đồng, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, mức phạt này đã khiến dư luận, nhân dân không đồng tình và cần xem xét lại.

Ngày 18/3, đại diện Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết cơ quan này đã xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sàm sỡ nữ sinh viên của ông Đỗ Mạnh Hùng (SN 1982, quê Hải Phòng), diễn ra trong thang máy của chung cư Golden Palm nằm trên đường Lê Văn Lương, Hà Nội.

Kẻ cưỡng hôn nữ sinh trong thang máy từng dọa lực lượng 141: “2 đồng chí không nghỉ việc thì cắt thủ cấp tôi đi”.

Căn cứ vào điểm a, khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ("Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác"), Công an quận Thanh Xuân xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đỗ Mạnh Hùng số tiền 200.000 đồng.

Việc H. chỉ bị phạt số tiền 200 ngàn đồng đang khiến dư luận rất bức xúc, phẫn nộ, bởi dư luận cho rằng mức xử phạt này là thiếu tính răn đe.

Trao đổi với PV Trí thức trẻ, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, việc xử phạt 200.000 đồng đối với kẻ quấy rối, sàm sỡ nữ sinh trong thang máy ở Hà Nội khó "định lượng được nhẹ hay không nhẹ", bởi việc này còn phụ thuộc vào quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo ông Nhưỡng, mức phạt này đã khiến "dư luận, nhân dân không đồng tình", do vậy, các cơ quan chức năng cần phải rà soát lại tất cả các quy định để xem xét về cách áp dụng đối với các hành vi cụ thể.

"Trong trường hợp này, dựa trên bối cảnh, không gian, cần xem xét tính chất nghiêm trọng của hành vi để áp dụng quy định pháp luật nhằm đảm bảo cho có lý, có tình. Còn áp dụng quy định xử phạt mà để người dân coi pháp luật như một thứ trò đùa thì không nên", ông Nhưỡng nêu.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cũng đề nghị, các cơ quan chức năng cần xem xét lại và nếu quy định không còn phù hợp, không mang đủ tính răn đe phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Cùng chia sẻ về vụ việc này, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền - Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, hành vi quấy rối của H. có tính chất côn đồ đối với phụ nữ, thể hiện sự thách thức, xem thường pháp luật.

Một hành vi quấy rối có tính chất côn đồ với phụ nữ, được thực hiện giữa ban ngày, kẻ vi phạm thì trơ tráo, thái độ thách thức pháp luật, đe dọa người bị hại, xem thường cơ quan công quyền, dư luận xã hội phản ứng như vậy, cuối cùng chỉ bị phạt 200.000 đồng. Theo bà Hiền, đó thực sự là một câu chuyện bi hài.

"Bi hài khi nó xảy ra vào thời điểm chúng ta đang đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao hiểu biết xã hội trong năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động, trong bối cảnh chúng ta đang rất nỗ lực đưa ra nhiều chương trình hành động cụ thể, thiết thực để bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Tôi cho rằng, cần xem xét các yếu tố, tìm hiểu kỹ càng thấu đáo tính chất các vụ việc xảy ra vừa qua để có sự lên tiếng và đấu tranh một cách phù hợp nhất", trên báo điện tử Tổ quốc dẫn lời bà Hiền chia sẻ.

Trước đó, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cũng đánh giá việc này “như trò hề”, thể hiện sự bất lực của pháp luật cũng như sự bất lực của những người thực thi pháp luật.

“Công an mời người đang bị tố cáo là phạm tội đến hòa giải nhưng anh ta không đến cũng chẳng làm gì được. Sau đó, lại đưa ra mức xử phạt 200.000 đồng... rất bôi bác!”, trên Infonet dẫn lời TS Hồng bức xúc nói.

Theo TS Hồng, dù hành vi đó được áp dụng phạt theo Nghị định nhưng không phù hợp với thực tế, bởi “những vụ việc quấy rối tình dục, xâm hại tình dục Phụ nữ trẻ em thì càng ngày càng nhiều khiến xã hội càng ngày càng bức xúc mà vẫn sử dụng một nghị định không cập nhật thì rất phản tác dụng”.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news