Theo AFP, các nhà nghiên cứu Israel, Mông Cổ và Mỹ lần đầu tiên lập bản đồ hoàn chỉnh Tuyến phía Bắc dài 740 km của Vạn Lý Trường Thành và phát hiện của họ đi ngược những giả thuyết trước đây.
Ông Gideon Shelach-Lavi, trưởng nhóm nghiên cứu-nhà khảo cổ học thuộc Đại học Hebrew (Israel), cho biết trước đây, đa số các chuyên gia cho rằng mục đích của Vạn Lý Trường Thành là nhằm ngăn chặn lực lượng của Thành Cát Tư Hãn.
Các nhà nghiên cứu Israel, Mông Cổ và Mỹ sử dụng máy bay không người lái, hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao và các công cụ khảo cổ truyền thống.
Tuy nhiên, tuyến phía Bắc nằm chủ yếu ở phía Mông Cổ và có chiều cao tương đối thấp. Điều này thể hiện chức năng phi quân sự, theo ông Shelach-Lavi.
"Chúng tôi kết luận Tuyến phía Bắc phục vụ mục đích giám sát hoặc ngăn chặn hoạt động di chuyển của người dân và việc vận chuyển gia súc, có thể là đánh thuế họ", ông Shelach-Lavi lưu ý.
Một nghiên cứu khảo cổ chi tiết, sử dụng những công nghệ hiện đại, được công bố vào năm 2009 kết luận rằng Vạn Lý Trường Thành do nhà Minh xây dựng có chiều dài 8.850 km.
Trung Quốc bắt đầu xây dựng Vạn Lý Trường Thành vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên và tiếp tục trong nhiều thế kỷ. Tuyến phía Bắc, còn được gọi là "Bức tường Thành Cát Tư Hãn", được xây dựng bằng đất nện với 72 cấu trúc từ thế kỷ 11 đến 13.
Các mục đích khác của Vạn Lý Trường Thành bao gồm kiểm soát biên giới, cho phép áp đặt thuế đối với hàng hóa vận chuyển theo con đường tơ lụa, quy định hoặc khuyến khích thương mại và kiểm soát xuất nhập cảnh.
Đặc điểm phòng thủ của Vạn Lý Trường Thành đã được tăng cường bằng việc xây dựng các tháp canh, doanh trại quân đội, trạm đóng quân, báo hiệu có giặc thông qua các phương tiện khói hoặc lửa, và thực tế là con đường của Vạn Lý Trường Thành cũng phục vụ như là một hành lang giao thông vận tải.