Đó chính là máng Denman, một rãnh trải dài 2 dặm dưới mực nước biển, được tìm thấy bên dưới lớp băng ở Nam Cực. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra máng này khi thực hiện dự án thiết lập bản đồ chi tiết về vùng đất bên dưới Nam Cực cho đến ngày nay. BedMachine là một bản đồ địa hình của Nam Cực cho thấy những gờ, rãnh và sườn tạo nên cảnh quan nơi này. Nhóm do các nhà nghiên cứu về sông băng tại ĐH California dẫn đầu đã sử dụng dữ liệu từ 19 tổ chức nghiên cứu trong hơn 40 năm để tạo ra bản đồ. Nó đã sử dụng các hình ảnh vệ tinh và radar để tìm ra độ dày của băng và vùng đất bên dưới, bao phủ một khu vực rộng lớn.
Bản đồ và những phát hiện liên quan đến nó đã được công bố trên tạp chí Nature Geoscience. Mathieu Morlighem, tác giả chính của nghiên cứu cho biết ông bắt đầu lập BedMachine gần như là do tình cờ. Ông tạo ra những mô hình của các tảng băng cùng các đồng nghiệp đến từ phòng thí nghiệm Động cơ Phản lực của NASA và khi họ chạy các mô hình này trên hai sông băng, họ nhận thấy có gì đó không ổn và tiến hành tìm hiểu.
Morlighem nhận ra nếu họ muốn có các mô hình băng tốt hơn thì họ cần bản đồ tốt hơn, cần bản đồ cho lớp nền bên dưới. Sau đó, các nhà khoa học đã đưa ra một kỹ thuật mới để nhìn được lớp nền bên đưới băng. Dữ liệu vệ tinh về sự thay đổi bề mặt, sự tích tụ tuyết và các dòng dữ liệu radar có thể được áp dụng cho những khu vực hiện không có radar.
"Thách thức lớn nhất là Nam Cực rất lớn, lớn hơn so với cả Mỹ và Mexico cộng lại. Vì vậy, việc áp dụng phương pháp này cho toàn bộ bờ biển là rất tốn thời gian, nó sẽ mất khoảng 5 năm để có được bản đồ BedMachine", ông nói.
BedMachine Nam Cực, bản đồ cho thấy đất bên đưới lớp băng của Nam Cực. Ảnh: UCI
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, các nhàn ghiên cứu đã có thể tìm được những đặc điểm chưa từng được biết đến của lớp nền dưới băng. Họ phát hiện ra những đường vân rõ rệt trên các máng chạy tới thềm băng Ross. Đây là thềm băng lớn nhất tại Nam Cực và là một điểm đáng quan tâm của các nhà khoa học nghiên cứu khí hậu. Nghiên cứu cho thấy có có thể bị sụp đổ dưới tình trạng nóng lên toàn cầu.
Các nhà khoa học biết sông băng lớn ở Đông Nam Cực này có một máng ở bên dưới. Nhưng, họ không biết nó sâu bao nhiêu. Ông Morlighem cho biết có một vài nỗ lực để xử lý vấn đề này. Họ đã sử dụng radar trên không nhưng ngay khi chúng bay qua, tín hiệu phản xạ sẽ che khuất lòng sông.
Với kỹ thuật mới, nhóm nghiên cứu đã có thể suy ra máng Denman sâu 3,5km dưới mực nước biển và đây là điểm sâu nhất trên đất liền.
"Sông bằng Denman chảy qua một hẻm núi sâu hơn 3.500m dưới mực nước biển... BedMachine tiết lộ lớp nền nằm dưới sông băng này là điểm lục địa sâu nhất trên Trái đất", nhóm nghiên cứu viết.
Ông Morlighem nói thêm rằng cái máng này dài khoảng 100km, rộng khoảng 19km. "Các máng và vịnh hẹp là cảnh quan phổ biến của sông băng khi các sông băng chảy, tiến và lui, chúng chạm khắc vào lớp nền và qua hàng chục nghìn năm, chúng ta có thể có được những thung lũng rất sâu, tùy vào tốc độ xói mòn".
Điểm sâu nhất được biết đến trên Trái Đất, không kể lục địa, là vực thẳm Challenger ở rãnh Mariana. Nó trải dài tới độ sâu khoảng 11km.
BedMachine sẽ giúp các nhà khoa học dự báo tốt hơn về việc Nam Cực sẽ ứng phó với biến đội khí hậu như thế nào trong những năm tới. Bằng việc biết được cảnh quan bên dưới, họ có thể tạo ra những mô hình chính xác của sự nóng lên trong tương lai.