Tin mới

Phó Thủ tướng tiết lộ chuyện hậu trường thú vị tại APEC

Thứ ba, 14/11/2017, 08:17 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã chia sẻ những khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt và vượt qua để tổ chức để tổ chức thành công tuần lễ cấp cao APEC.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã chia sẻ những khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt và vượt qua để tổ chức để tổ chức thành công tuần lễ cấp cao APEC. 

Dân Trí và Vnexpress cho hay chiều 13/11, trong cuộc thảo luận trao đổi hậu Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra từ ngày  6-11/11, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã có nhiều chia sẻ mà theo ông là "rút ruột".

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Dân Trí

Theo đó, "Trong bối cảnh có quan điểm khác biệt, các nền kinh tế khi đến dự Tuần lễ cấp cao APEC nghĩ rằng việc có một Tuyên bố cũng khó", Phó thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ với các phóng viên trong cuộc họp chiều nay.

Trong suốt thời gian diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC  (TLCC), có những lúc các thành viên APEC nghĩ chỉ có Tuyên bố chủ nhà của Việt Nam. Tuy nhiên, họ đã đạt được Tuyên bố cấp cao kèm theo phụ lục, Tuyên bố liên bộ trưởng ngoại giao - kinh tế với 4 phụ lục.

"Cuối cùng, chúng ta đã đạt được những điều tưởng chừng như không thể", ông Minh nói.

Phó thủ tướng cho biết tại các hội nghị APEC trước năm 2016, không thành viên nào có ý định phản đối tự do hoá thương mại. Tuy nhiên, Mỹ năm nay có thay đổi về quan điểm tự do cân bằng và hệ thống thương mại đa phương.

Trong văn kiện chỉ một từ "A" hay "The" multilateral trading system (có hay chưa tồn tại Hệ thống thương mại đa phương) cũng bị tranh cãi gay gắt. Cuối cùng các bên vẫn đạt được kết quả là tiếp tục duy trì APEC là diễn đàn thương mại tự do trong khu vực.
Chủ tịch Uỷ ban APEC kể lại có hai thời khắc "gay cấn" của TLCC, đó là họp liên bộ trưởng ngoại giao - kinh tế (AMM) và cuộc họp về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tuyên bố của AMM lẽ ra được đưa sớm nhưng phải mất đến 6 ngày 5 đêm ròng rã thương lượng. Đến cuối ngày 8/11, các bên vẫn chưa thông qua được văn kiện để trình lên lãnh đạo cấp cao. Việt Nam đã quyết định kéo dài cuộc họp đến sáng hôm sau. Phiên làm việc qua đêm tập trung vấn đề thương mại đa phương, tự do cân bằng hay có đi có lại, nhưng cũng chưa có kết quả.

"Việt Nam quyết định chấm dứt họp AMM nhưng tôi phải trao đổi với các bộ trưởng thông qua về nguyên tắc là tạm thời có tuyên bố cấp bộ trưởng, là tiền lệ hiếm có", ông Minh kể lại.

Phó thủ tướng đề cập tới việc các thành viên đến họp mà về không có Tuyên bố APEC, yêu cầu các bên hợp tác và linh hoạt để xây dựng. Sau nhiều cuộc tham vấn, Tuyên bố đã được chấp thuận vào ngày 10/11. Văn bản này có những ngôn ngữ còn mạnh hơn tuyên bố của G20 về những vấn đề về thương mại, đầu tư.

Thủ tướng cũng dẫn lại Khổ 20 của Văn kiện, trong đó nêu "Chúng tôi nhấn mạnh vai trò của APEC trong ủng hộ vai trò của thương mại đa phương. Chúng tôi nhấn mạnh cam kết không gia tăng bảo hộ đến năm 2020 và thương mại công bằng".

Văn kiện của TLCC tạo ra định hướng, cơ sở của APEC trong những năm tiếp theo. Dù có khác biệt trong quan điểm của các bên về bảo hộ, tự do hoá thương mại, các văn kiện vẫn được thông qua. Việt Nam đã thể hiện rõ chủ trương hội nhập, đóng vai trò dẫn dắt được những chủ đề, nội dung trong APEC.

Liên quan đến TPP, Phó thủ tướng cho hay các bộ trưởng, nhà đàm phán cấp quan chức cấp cao (SOM) đã đạt được những nguyên tắc cơ bản. Đến phút chót do thiếu một thành viên nên Hội nghị cấp cao chưa họp được nhưng lãnh đạo 10 nước giao cho các bộ trưởng tiếp tục thảo luận. Cuối cùng, các nước đã thông qua được TPP với tên gọi mới là CPTPP.

"Theo sáng kiến của Việt Nam, 10 trong nước TPP quyết định giao cho các Bộ trưởng tiếp tục họp để có được thoả thuận trong TPP, và cuối cùng đã ra được tuyên bố về TPP" - Phó Thủ tướng nói.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news