Tin mới

Phòng 301 viện ung bướu: Căn nhà thứ 2 của những đứa trẻ trọc đầu và những người mẹ không tên

Thứ năm, 02/08/2018, 08:07 (GMT+7)

Ở đó có một thứ còn quan trọng hơn sự sống và cái chết, đó là hy vọng. Còn hy vọng nghĩa là còn sức mạnh để vượt qua những nỗi đau, vượt những sợ hãi để đương đầu với bệnh tật và cái chết. Thế nên những con người ở nơi đây đều nuôi cho mình 1 hy vọng.

Ở đó có một thứ còn quan trọng hơn sự sống và cái chết, đó là hy vọng. Còn hy vọng nghĩa là còn sức mạnh để vượt qua những nỗi đau, vượt những sợ hãi để đương đầu với bệnh tật và cái chết. Thế nên những con người ở nơi đây đều nuôi cho mình 1 hy vọng.

Ngột ngạt là những gì mà tôi có thể hình dung mỗi khi nhớ về căn phòng số 301, căn phòng rộng chưa đầy 25 mét vuông với 8 chiếc giường bệnh nhưng chứa tới 20 bệnh nhi ung thư và hơn 20 người chăm bệnh. Người nằm trên giường, người ngủ dưới gầm, người trải chiếu nằm ngay lối đi, người ngồi ngoài hành lang, khắp nơi đều có người, la liệt những lo âu về bệnh tật, cơm áo và chật vật với cả cái chết đang treo lơi lửng trên đầu.

Phòng 301 viện ung bướu: Căn nhà thứ 2 của những đứa trẻ trọc đầu và những người mẹ không tên - Ảnh 1.

Phòng 301 của những bệnh nhi ung thư ở bệnh viện Ung bướu TP.HCM.

Ròng rã hành trình từ buôn làng xuống phố thị

Trước cửa phòng 301, Mỹ Hạnh Eban (13 tuổi, người M'Nông) ngồi thơ thẩn khá lâu, dường như đã rất mệt mỏi sau một chuyến đi dài từ buôn xuống thành phố nhưng cô bé vẫn chưa được ngã lưng. Sau một lúc đi hỏi han tình hình, mẹ của Hạnh - chị H'ha Eban quay trở lại và buồn rầu bảo: Hôm nay phòng hết chỗ rồi, chắc hai mẹ con lại phải ra hành lang ngủ tạm.

Phòng 301 viện ung bướu: Căn nhà thứ 2 của những đứa trẻ trọc đầu và những người mẹ không tên - Ảnh 2.

Hai mẹ con chị H'ha Eban (người M'Nông) vượt qua quảng đường hàng trăm km để đến bệnh viện chữa bệnh trong suốt 1 năm qua.

Đó là lần đầu tiên tôi gặp Hạnh - bệnh nhi người dân tộc thiểu số hiếm hoi đang điều trị tại bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Hạnh mắc phải một căn bệnh hiếm gặp là ung thư mô mềm, ở nơi em sống người dân ít có thói quen đến bệnh viện lớn để chữa bệnh vì đường đi xuống bệnh viện tỉnh khá cách trở, tốn thời gian mà chi phí lại tốn kém.

"Khi bác sĩ bảo phải chuyển lên Sài Gòn để chữa trị, chị cũng không nghĩ là bệnh của con bé nặng đến vậy. Hai vợ chồng chỉ có 4 xào cà phê chưa đến tuổi thu hoạch, nên cũng phân vân không biết có đủ tiền để chữa bệnh không, nhưng là con của mình, dù thế nào cũng đâu bỏ mặc được" - chị H'Ha tâm sự.

Hạnh nghỉ học để bước vào hành trình chiến đấu với căn bệnh. Bước qua những bỡ ngỡ khi lần đầu đặt chân đến thành phố, lần đầu chật vật với những toa thuốc, ngủ dưới gầm giường, nhận cơm Từ thiện và vượt qua những cơn sốt hành nóng lạnh trong đêm, hai mẹ con dần quen với nhịp sống của bệnh viện. Thế nhưng tiền thuốc mỗi ngày một nặng, vợ chồng chị H'ha buộc phải bán đi 3 con bò mà gia đình vừa được hỗ trợ vay để chi trả tiền thuốc cho Hạnh. 

Phòng 301 viện ung bướu: Căn nhà thứ 2 của những đứa trẻ trọc đầu và những người mẹ không tên - Ảnh 3.

Hai mẹ con chật vật với liệu trình điều trị khắc nghiệt của căn bệnh.

"Vợ chồng chị tính là 1 năm nữa cà phê thu hoạch được thì sẽ lấy tiền đó để trả nợ, ấy thế mà cuối năm ngoái cơn bão số 12 (Damrey) tàn phá hết cả vườn cà phê. Chị khóc nhiều lắm vì gia đình gần như không còn gì, không biết làm sao để đưa con bé đi chữa bệnh nữa" - người mẹ gần như tuyệt vọng.

Quá trình điều trị mới chỉ đi được một nửa thì gặp phải quá nhiều trở ngại. Thế nhưng đâu thể dừng lại để nhìn con gái từ từ đến với cái chết. 

Phòng 301 viện ung bướu: Căn nhà thứ 2 của những đứa trẻ trọc đầu và những người mẹ không tên - Ảnh 4.

Cuộc chiến với căn bệnh ung thư vốn đã rất khắc nghiệt, đối với những gia đình khó khăn như gia đình chị H'ha thì còn khó khăn gấp nhiều lần.

Những người mẹ không tên

Ở phòng 301 các bà mẹ thương xuyên giúp đỡ lẫn nhau những lúc khó khăn, bởi hơn ai hết họ thấu hiểu sự vất vả của những bà mẹ có con đang chiến đấu với căn bệnh ung thư. Nhưng điều thú vị là không bà mẹ nào biết tên thật của nhau, bởi ở đây họ gọi mẹ bằng tên của con. Ví dụ như mẹ của bé Mỹ Hạnh thì gọi là mẹ Hạnh, mẹ của bé Trang thì gọi là mẹ Trang, hay mẹ của Khánh thì gọi là mẹ Khánh...

Phòng 301 viện ung bướu: Căn nhà thứ 2 của những đứa trẻ trọc đầu và những người mẹ không tên - Ảnh 5.

Những bà mẹ ở căn phòng 301 không gọi nhau bằng tên thật, bởi ở đây mọi thứ đều hướng đến những đứa trẻ, kể cả cái tên.

Còn tôi, tôi gọi họ là "hội những bà mẹ kiên cường không tên". Bởi công việc chăm sóc người bệnh, mà nhất là bệnh nhi thì không hề nhẹ nhàng. Khi con cái không may mắc phải căn bệnh hiểm nghèo thì vợ chồng buộc phải chia nhau, người ở nhà lo chuyện kinh tế, người vào viện chăm sóc con. Thức khuya dậy sớm, lo từng miếng ăn giấc ngủ, đau những lúc con đau, và rồi lo lắng những khi bác sĩ gọi vào nói chuyện. Ở bệnh viện không chỉ vất vả về sức lực mà còn khổ về tinh thần.

Phòng 301 viện ung bướu: Căn nhà thứ 2 của những đứa trẻ trọc đầu và những người mẹ không tên - Ảnh 6.

Không khí ở bệnh viện rất dễ khiến sức khoẻ bị ảnh hưởng, thế nhưng các bà mẹ ở đây vẫn luôn làm tròn nhiệm vụ của mình.

Chị H'ha uống ngụm thuốc vừa mới mua vội lúc sáng, rồi nói: "Lần nào hai mẹ con xuống viện vào thuốc chị cũng bệnh theo con. Uống tạm thuốc để có sức chăm con, chứ chị nằm xuống thì xong luôn. Chồng chị phải ở nhà lo công việc, bà thì lớn tuổi rồi nhờ bà xuống chăm thì khổ cho bà, nên chị ráng vậy, mình vì con mình".

Phòng 301 viện ung bướu: Căn nhà thứ 2 của những đứa trẻ trọc đầu và những người mẹ không tên - Ảnh 7.

Những chiếc "chiếu bệnh viện", "gối bệnh viện", "mền bệnh viện" ...là những vật dụng rất quen thuộc của mỗi bệnh nhi mỗi khi tái khám.

Sáng nay hai mẹ con Hạnh mượn được 1 góc giường của bé Trang để vào thuốc, 11 chai thuốc bác sĩ giao được đánh số thứ tự sẽ được chuyền liên tục từ 8h sáng tới khoảng 1h đêm, việc này sẽ kéo dài trong 6 ngày liên tục, khiến 2 mẹ con khá chật vật. Sự đợi chờ khiến thời gian trong bệnh viện dường như kéo dài bất tận. Thật ra cũng đã có những lúc quá mệt mỏi, chị H'ha muốn bỏ cuộc, bởi gánh nặng gia đình thì mỗi ngày một nặng trĩu mà bệnh tình thì không thấy khả quan, nhưng lương tâm một người mẹ không cho phép chị bỏ cuộc.

Phòng 301 viện ung bướu: Căn nhà thứ 2 của những đứa trẻ trọc đầu và những người mẹ không tên - Ảnh 8.

Chị H'ha đã quen với việc tự thay chai thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Phòng 301 viện ung bướu: Căn nhà thứ 2 của những đứa trẻ trọc đầu và những người mẹ không tên - Ảnh 9.

Quãng thời gian đợi con vào thuốc kéo dài cả từ sáng đến đêm khuya, sự chờ đợi kéo dài dường như bất tận.

H'ha hay tất cả những bà mẹ ở phòng 301 đều như vậy, họ chưa bao giờ bỏ rơi những đứa trẻ trên hành trình chống lại bệnh tật, dẫu sự thật luôn phũ phàng, dẫu đôi khi họ không thể chiến thắng, nhưng không vì bất cứ một lý do nào khiến những người phụ nữ này ngừng cố gắng.

Phòng 301 viện ung bướu: Căn nhà thứ 2 của những đứa trẻ trọc đầu và những người mẹ không tên - Ảnh 10.

Vì là mẹ nên họ luôn làm mọi thứ vì con cái.

Ở 301 có một thứ còn quan trọng hơn sự sống cái chết: Hy vọng

Tôi hỏi chị H'ha: "Gần 1 năm qua ở bệnh viện như ngôi nhà thứ hai, điều gì khiến chị ám ảnh nhất?". Chị do dự: "Chị cũng không biết nữa...nhưng có một điều luôn khiến chị sợ đó chính là sự ra đi của những đứa trẻ. Rất đột ngột, có thể chiều nay mình vẫn còn thấy đứa nhỏ cười đùa, chạy nhảy nhưng đến nửa đêm nó đã qua đời. Đôi khi cùng 1 đêm có tới 2 đứa trẻ qua đời. Những đó chị rất sợ, không biết rồi con gái chị có vượt qua được căn bệnh này không, hay lại như những đứa trẻ kia".

Phòng 301 viện ung bướu: Căn nhà thứ 2 của những đứa trẻ trọc đầu và những người mẹ không tên - Ảnh 11.

Sự ra đi đột ngột của những "chiến binh nhí" luôn khiến con người ta cảm thấy hoảng sợ.

Còn gì đáng sợ hơn việc chứng kiến cái chết ngay trước mắt, và nhìn thấy được cái chết trong tương lai. Những đứa trẻ còn quá nhỏ để hiểu về sự sống và cái chết, nhưng các bà mẹ thì luôn hiểu nỗi đau đó sâu đến nhường nào. Chính vì thế ở trong căn phòng này có một thứ còn quan trọng hơn cả thuốc thang, hay sự sống và cái chết, đó là hy vọng. Còn hy vọng nghĩa còn sức mạnh để vượt qua những nỗi đau để chiến đấu với bệnh tật, còn hy vọng thì dù đến đường cùng vẫn có lối ra. 

Phòng 301 viện ung bướu: Căn nhà thứ 2 của những đứa trẻ trọc đầu và những người mẹ không tên - Ảnh 12.

Trong căn phòng chật chội này niềm hy vọng giúp con người ta trở nên kiên cường hơn. Những bà mẹ san sẻ với nhau từng niềm vui nỗi buồn.

Chắc cũng vì vậy mà những bà mẹ luôn trao cho những điều lạc quan nhất. Họ đối xử với nhau như những người thân, san sẻ cho nhau từng chỗ nằm, miếng ăn, chai nước. Các mẹ không chỉ chăm sóc cho con của mình mà con yêu thương cả những đứa trẻ đang phải oằn mình với bệnh tật. Ngoại trừ những lúc có bé trở bệnh nặng thì trong căn phòng này luôn ngậm tràn tiếng cười, những tiếng cười giòn tan mà các chị hay đùa với nhau là "cười tào lao để quên đi nhọc nhằn". Thôi thì tào lao cũng được miễn là trong chốc lát đó họ tìm thấy sự lạc quan, niềm hy vọng.

Phòng 301 viện ung bướu: Căn nhà thứ 2 của những đứa trẻ trọc đầu và những người mẹ không tên - Ảnh 13.

Các mẹ luôn dành tình yêu của mình cho tất cả những đứa trẻ.

Giữa muôn trùng tăm tối, ngột ngạt trong căn phòng bệnh tôi hạnh phúc khi chợt nhận ra vẫn tồn tại những tia sáng của tình cảm con người, cái thứ tình cảm mộc mạc ấy giúp những nỗi đau cũng qua đi nhẹ nhàng hơn.

Phòng 301 viện ung bướu: Căn nhà thứ 2 của những đứa trẻ trọc đầu và những người mẹ không tên - Ảnh 14.
 
Toàn Nguyễn
 
Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: trè em ung thư