Tin mới

Phụ nữ chịu khổ vì chỉ biết... hy sinh

Thứ sáu, 10/10/2014, 17:07 (GMT+7)

Câu chuyện một người vợ đột tử, 6 tháng sau chồng tái hôn được chia sẻ trên mạng xã hội đang tạo nên làn sóng cảm xúc đa chiều. Thêm một lần nữa, sự hy sinh của người phụ nữ trong gia đình được nhắc đến, nhưng lần này, thay vì niềm tự hào là sự đau đớn. Làm thế nào để sự hy sinh của người vợ, người mẹ trong gia đình không trở thành vô ích? Loạt bài “Phụ nữ chịu khổ vì chỉ biết... hy sinh”, khởi đăng từ số báo này hy vọng sẽ mang đến cho bạn đọc câu trả lời thông qua những câu chuyện, những thân phận, những kiến giải từ các chuyên gia để mỗi người trong chúng ta rút ra được bài học ý nghĩa.

Câu chuyện một người vợ đột tử, 6 tháng sau chồng tái hôn được chia sẻ trên mạng xã hội đang tạo nên làn sóng cảm xúc đa chiều. Thêm một lần nữa, sự hy sinh của người phụ nữ trong gia đình được nhắc đến, nhưng lần này, thay vì niềm tự hào là sự đau đớn. Làm thế nào để sự hy sinh của người vợ, người mẹ trong gia đình không trở thành vô ích? Loạt bài “Phụ nữ chịu khổ vì chỉ biết... hy sinh”, khởi đăng từ số báo này hy vọng sẽ mang đến cho bạn đọc câu trả lời thông qua những câu chuyện, những thân phận, những kiến giải từ các chuyên gia để mỗi người trong chúng ta rút ra được bài học ý nghĩa.

“Ngày mai là giỗ đầu cô ấy nhưng chồng cô ấy đã kịp tái hôn vào 6 tháng trước”, dòng status khiến Cộng đồng mạng dậy sóng. Nhưng, đó không phải là trường hợp cá biệt…

Câu chuyện gây sốt cộng đồng mạng

Câu chuyện người vợ đột tử, chồng tái hôn 6 tháng sau đó đang “sốt”  trên các diễn đàn tuần qua. Theo đó, trên trang Facebook Thị Trần có đăng chia sẻ về một người bạn đã mất của cô: “Ngày mai (3/10) là giỗ đầu một người bạn cùng tuổi mình, tận tụy cúc cung cho gia đình, ăn không dám ăn ngon, mặc không dám mặc đẹp, cái gì cũng dồn cho chồng con, đùng một cái, đột quỵ ra đi... Ngày mai giỗ đầu cô ấy nhưng chồng cô ấy đã kịp tái hôn vào 6 tháng trước! Ừ, vẫn biết, người chết đã chết, người sống vẫn phải sống... Ừ, vẫn biết, hoa từng mùa... Nhưng... lòng cứ thấy buồn tênh!...”.

Dòng chia sẻ của chị Thị Trần dù khá ngắn nhưng lại nhận được sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng, bởi nó đánh trúng tâm lý của rất nhiều phụ nữ. Chỉ sau 21 giờ được đăng tải, dòng status của chị đã nhận được hơn 16.000 lượt "like", 1.500 lượt chia sẻ cùng hàng nghìn bình luận thể hiện những quan điểm trái chiều. Trong số đó, rất nhiều người bày tỏ lòng thương cảm, xót xa cho cuộc đời ngắn ngủi của người phụ nữ xấu số nói riêng, cho rất nhiều phụ nữ khác - khi mà trong cuộc sống, họ luôn phải hy sinh nhiều thứ, chịu nhiều thiệt thòi, đau khổ.

Chị Thị Trần sau đó chia sẻ với báo chí rằng, người bạn mà cô đã viết tâm sự trên Facebook là một người sống quá vì chồng con. Bạn cô rất giỏi trong công việc ở công ty nước ngoài, đã từng tốt nghiệp nhiều bằng đại học, một lúc làm hai, ba việc. Hai con của cô học trường quốc tế, tài chính gia đình chủ yếu một vai cô gánh vác. Ngay cả việc nhà, dù đã thuê giúp việc nhưng đến bữa cơm, cô cũng tự tay vào bếp. Để chu toàn cả hai vai, cả công việc kiếm tiền ngoài xã hội, cả công việc gia đình nên lúc nào cô cũng chỉ biết làm việc và làm việc, không một giờ nào dành cho bản thân…

Hy sinh bị đánh đồng với  “bổn phận”

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hương Ly, Trung tâm Tư vấn tâm lý Hạnh phúc gia đình cho rằng: Câu chuyện người vợ đột tử, chồng tái hôn sau 6 tháng gây sốt dư luận là bởi tâm lý của đa số người Việt vẫn coi việc đi bước nữa của người chồng (hoặc vợ) khi người bạn đời mất chưa qua mãn tang (3 năm) là điều cấm kị. Người chồng này lại tái hôn khi chưa đến giỗ đầu của vợ là việc mà đa số người Việt khó chấp nhận. Dù bất cứ lý do gì, điều đó vẫn khiến cho nhiều người cảm thấy tình cảm người chồng dành cho người vợ đã mất quá “cạn cợt”, dễ phôi phai, không xứng đáng với những gì chị đã “cho”, đã hy sinh cho anh và gia đình.

Trên thực tế, việc người phụ nữ phải hy sinh nhiều thứ trong đó sự hy sinh về sự nghiệp để dành thời gian cho gia đình là điều phổ biến nhất nhưng không mấy người được chồng biết tới. Đàn ông thường xem đó là bổn phận và nghĩa vụ đương nhiên của phụ nữ. Họ nghiễm nhiên thụ hưởng những đóng góp của phụ nữ cho gia đình, coi đó là điều tất yếu. Vì xem là điều tất yếu nên nhiều người không cảm nhận được sự thật là phụ nữ đang phải hy sinh rất nhiều khi phải đảm nhận vai trò người phụ nữ trong gia đình. Không cảm, không nhận biết nên mấy ai biết “biết ơn” vợ của mình như nhà thơ Tú Xương đã từng làm thơ về vợ.

Minh chứng cho sự hy sinh vô điều kiện của người vợ và sự “vô tâm” này của đàn ông, chuyên gia tư vấn Nguyễn Hương Ly đã dẫn chứng khá nhiều trường hợp mà chị đã từng tư vấn. Trong đó, câu chuyện của một cô sinh viên trẻ xin tư vấn về việc ứng xử với người bố quê ở Hải Dương khiến chị không bao giờ quên.

Người sinh viên đó tên MH, đang học năm thứ hai Trường Cao đẳng Giao thông. H là con đầu, sau còn một cậu em đang học cấp 3. Mẹ H mất cách đây 10 năm vì tràn dịch màng phổi. Theo những lời H kể thì mẹ H là người phụ nữ cả một đời chỉ biết lao tâm khổ tứ, nhẫn nhịn, chịu đựng và hy sinh. Bố H là công nhân lương ba cọc ba đồng. Kinh tế trong gia đình chủ yếu một mình mẹ H lo toan. Ngôi nhà được xây dựng khang trang cũng do mẹ em vay mượn ky cóp để làm nên.

Một tay mẹ lo kinh tế gia đình, lo chuyện con cái như vậy nhưng chị em H vẫn phải chứng kiến cảnh mẹ bị bố mắng chửi mỗi khi đến bữa mà chưa được ăn, hay khi bữa cơm không được ngon miệng. Vì vừa phải lo kiếm tiền, vừa lo chuyện gia đình cơm nước  phục vụ chồng con nên mẹ H chẳng bao giờ ngơi tay. Bà đầu tắt mặt tối, đau ốm cũng giấu chồng con, không đi khám bệnh mà tự mua thuốc về điều trị. Cho đến khi đau phải đi bệnh viện thì bác sĩ không thể cứu chữa được.

Mẹ H chết một cách tức tưởi như vậy nhưng sau khi bà mất được một năm thì bố H đã có người mới. Chị em H phản đối thì bị bố mắng chửi, thậm chí cả đánh đập. Thương mẹ bao nhiêu thì chị em H hận bố bấy nhiêu. Hai chị em H đã bỏ về nhà ông bà ngoại sống, mang theo cả sổ đỏ ngôi nhà mà mẹ đã gây dựng nên. Vì thế mà mâu thuẫn giữa bố con H và gia đình hai bên nội ngoại kéo đến bây giờ, sau 10 năm vẫn chưa giải quyết được. Bố H đã lấy một người phụ nữ khác và họ đang sống trong ngôi nhà mà mẹ H đã xây dựng...

“Hy sinh cho chồng con là một niềm hạnh phúc nhưng điều đó chỉ đúng khi người phụ nữ tìm được niềm vui trong sự  hy sinh của mình. Trong trường hợp sự hy sinh đến mức cam chịu, đến mức quên cả bản thân mà chồng con ích kỷ đến mức không hay biết thì sự hy sinh đó là vô nghĩa. Sự hy đó không mang lại hạnh phúc cho ai cả, cả bản thân họ và cho chính những người được họ hy sinh”.

(Nhà nghiên cứu tâm lý Trịnh Trung Hòa, Trung tâm Tư vấn tâm lý Linh Tâm)

Khuê Anh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news