Vì lo sợ tay trắng ra khỏi nhà khi đơn phương ly hôn sẽ khiến cho con cái chịu cảnh khốn khổ, không ít phụ nữ đã chấp nhận cuộc hôn nhân đầy đau khổ và bất hạnh. Mặc dù rất muốn bỏ chồng nhưng những nỗi sợ hãi đó giằng níu nên có những người vợ đã sống cả một đời bất hạnh vì bị chồng coi rẻ.
Địa ngục hôn nhân
Là khách hàng của Công ty Tư vấn tâm lý An Việt Sơn, chị Dung (kế toán một công ty chuyên về nội thất tại Hà Nội) rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan trong mối quan hệ hôn nhân của mình. Anh Giang, chồng chị Dung mở cửa hàng kinh doanh khung nhôm kính. Họ lấy nhau hơn 10 năm nay, hai đứa con một đứa học lớp 7, một đứa học lớp 3.
Chị Dung kể: “Từ ngày lấy nhau đến giờ, sau 10 năm tôi chưa biết hạnh phúc là gì. Chưa bao giờ tôi cảm giác mình được chồng tôn trọng. Anh Giang không chỉ vô trách nhiệm trong việc đóng góp tài chính mà còn có tính gia trưởng (sống không mẫu mực nhưng lại luôn đòi hỏi vợ phải thế này, phải thế khác). Anh không làm trụ cột tài chính cũng như tinh thần nhưng việc nhà anh cũng không bao giờ động tay. Đến tháng hỏi chồng tiền chi tiêu thì chồng không đưa, nhưng đến bữa cơm mà nhỡ mặn nhạt thế nào đó, nhà cửa bừa bộn thì thế nào tôi cũng bị anh ấy chửi là “đồ đàn bà thối thây”. Các con có phạm lỗi gì đó thì chồng tôi cũng chửi: “Y như con mẹ mày””...
Chi tiêu gia đình hàng tháng tốn cả chục triệu đồng nhưng chủ yếu là do chị Dung trang trải. Thu nhập của chị Dung không cao nhưng nếu tháng nào chồng không đưa tiền chị cũng xoay xở đủ để trang trải chi tiêu cơ bản hàng ngày. “Thỉnh thoảng chồng tôi đưa cho tôi vài triệu nhưng lúc nào anh ấy cũng coi những đồng tiền còm cõi đó là “to”. Chi tiêu gia đình chủ yếu tôi vẫn phải lo nhưng lúc nào chồng tôi cũng bảo tôi “là đồ ăn bám”. Đồ đạc trong nhà mà bị trục trặc hỏng hóc, chồng tôi cũng chửi tôi là đồ “ăn tàn phá hại”…Chồng tôi còn bồ bịch gái gú nữa. Vợ chồng tôi ngủ riêng hàng mấy năm nay. Tôi rất ngại chuyện đó và chồng tôi thì cũng không ngó ngàng tới. Lúc nào tôi cũng trong tâm trạng muốn bỏ quách đi cho nhẹ nợ”, chị Dung nói.
Hỏi “Vậy sao chị không bỏ?” thì chị Dung nói “vì con”. Hỏi tiếp “Nhưng con cái sống trong bầu không khí bất hòa và kém hạnh phúc của bố mẹ thì cũng đâu có tốt?”. Chị Dung im lặng một lúc và bảo “Đúng là không tốt nhưng chồng tôi không đồng ý bỏ”. Lại hỏi “Chồng không đồng ý bỏ nhưng nếu muốn bỏ, chị vẫn có thể đơn phương ly hôn chồng được, luật pháp giải quyết vấn đề này không khó khăn gì”…
Sau những câu hỏi dồn này của chuyên gia tư vấn, cuối cùng chị Dung cũng phải thừa nhận là mình không thể bỏ được vì bỏ thì mẹ con chị sẽ không biết ở đâu (vì ngôi nhà là tài sản riêng của chồng chị, anh ta mua nhà trước khi lấy chị). Chính vì lo sợ không có nhà ở, sợ phải đương đầu với khó khăn nên chị Dung đã quanh quẩn trong bế tắc, chấp nhận cuộc hôn nhân đầy đau khổ và bất hạnh của mình.
Nỗi sợ mang tên “khó khăn”
Theo nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất, Công ty Tư vấn tâm lý An Việt Sơn, trường hợp của chị Dung không phải là trường hợp cá biệt. Có khá nhiều phụ nữ, vì lo sợ khi ly hôn sẽ không có chỗ ở sẽ làm cho con cái bơ vơ khốn khổ nên họ đã phải chấp nhận mọi bất hạnh do hôn nhân mang lại.
Theo số liệu điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2004, số phụ nữ đứng tên sở hữu nhà ở chỉ chiếm 19%, trong khi con số này ở nam giới là 66%. Một cuộc khảo sát khác được thực hiện để làm tiền đề cho dự thảo về luật đất đai và nhà ở năm 2012 cũng cho thấy, số phụ nữ đứng tên chủ sở hữu nhà ở chỉ chiếm 19%, trong khi con số này ở nam giới là 45%.
Theo ông Nguyễn An Chất, ngoài vấn đề nhà ở thì nguyên nhân sâu xa khiến người phụ nữ phải chấp nhận đau khổ và bất hạnh để tồn tại và duy trì hôn nhân là bởi họ không dám đương đầu với mọi khó khăn. Cụ thể là nỗi lo sợ về tiền bạc.
Phụ nữ ơi, hãy bước qua nỗi sợ hãi!
Ông Nguyễn An Chất cho rằng, nỗi lo sợ này rất dễ thông cảm bởi bản thân người phụ nữ vốn chân yếu tay mềm. Nếu ly hôn trong cảnh tay trắng không nhà không cửa là cả một vấn đề nan giải đối với họ và những đứa con thơ dại. Họ sẽ phải vừa nuôi dạy con, vừa kiếm tiền, một lúc vừa phải làm bố, vừa phải làm mẹ… điều đó không hề dễ.
Tuy nhiên trên thực tế có những người phụ nữ vì muốn giải phóng mình ra khỏi cuộc hôn nhân bất hạnh, họ đã sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn chông gai phía trước, sẵn sàng tay trắng ôm con ra khỏi nhà để làm lại từ đầu. Và có những người phụ nữ sau khi đơn phương ly hôn chồng, tay trắng ôm đứa con đỏ hỏn ra khỏi nhà chồng, họ đã trở nên thành đạt, giàu có sau đó. Mặc dù con số này không nhiều nhưng điều đó cho thấy, phụ nữ có thể làm được những điều kỳ diệu, vượt qua cả khả năng của chính họ vì tình yêu với các con. Tất nhiên họ chỉ có thể làm được điều đó khi họ có sự quyết tâm, vượt qua sự sợ hãi. “Tôi không khuyên phụ nữ hãy bỏ chồng nhưng trong trường hợp cuộc hôn nhân quá đau khổ và bất hạnh, phụ nữ hãy tự cứu lấy mình bằng việc tự giải phóng cho mình. Không ai giải phóng cho họ được ngoài chính bản thân họ”, ông Nguyễn An Chất chia sẻ.
Trên thực tế, đôi khi sự quyết tâm, lòng tự trọng của phụ nữ trong những trường hợp như thế đã khiến cho nhiều ông chồng phải nghĩ lại để thay đổi cách cư xử. Phân tích khía cạnh tâm lý này, nhà tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng, đàn ông nhiều người giống như đứa trẻ “lớn xác”. Tâm lý con người vốn mang sẵn tâm lý “người lớn bắt nạt người nhỏ, kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu”. Nếu phụ nữ cứ mang sẵn tâm thế chấp nhận mình yếu thế sẽ càng khiến cho những người chồng thiếu hiểu biết bắt nạt và coi rẻ.
Mạc Vi