Tin mới

"Phụ nữ Việt đã kiếm ít tiền lại còn lắm mồm"!

Thứ hai, 24/02/2014, 10:51 (GMT+7)

Kiếm ít tiền hơn đàn ông và luôn mồm nói đàn ông phải là chỗ dựa về vật chất và tinh thần cho gia đình nhưng phụ nữ Việt Nam lại kêu gào bình đẳng: tôi vào bếp, anh cũng phải vào bếp; tôi trông con anh cũng phải trông con; v.v…

Kiếm ít tiền hơn đàn ông và luôn mồm nói đàn ông phải là chỗ dựa về vật chất và tinh thần cho gia đình nhưng phụ nữ Việt Nam lại kêu gào bình đẳng: tôi vào bếp, anh cũng phải vào bếp; tôi trông con anh cũng phải trông con; v.v…

Cô em gái của tôi, một giảng viên đại học, một người sắp bảo vệ tiến sĩ luôn cằn nhằn với chồng: “Anh phải giúp em trông con, nấu cơm, rửa bát quét nhà chứ! Em không phải là con hầu! Em cũng đi làm! Em lại còn đang phải học!”.

Không biết làm thế nào, em có thể “điều khiển” chồng của mình thức dậy mỗi đêm cho con ăn. Em tôi đi làm về muộn, sẵn ăn; bát đũa ăn xong để đó chồng rửa. Nhìn cậu em rể của mình trông mệt mỏi và căng thẳng mà cô em tôi thì phơi phới, tửng tưng như còn phụ nữ độc thân, tôi góp ý với cô em gái của mình là gánh vác việc nhà giúp chồng vì chồng em là người kiếm tiền chính trong nhà. Mọi chi phí của gia đình, ngay cả việc học của em và các việc bên gia đình nhà tôi cũng do em rể tôi bỏ ra. Em gái tôi phản ứng gay gắt rằng tôi cổ hủ; xã hội giờ văn minh tiên tiến, phụ nữ và đàn ông bình đẳng; đàn ông phải làm những công việc của phụ nữ. Tuy nhiên, em tôi cố tình hay vô ý quên đi một vế rằng: phụ nữ cũng phải làm những công việc của đàn ông.

Em chỉ nghĩ đến sự bình đẳng trong quyền lợi của mình với chồng mà quên đi cái trách nhiệm phải chia sẻ với người đàn ông của đời mình. Có lẽ em đã nhặt nhạnh hệ thống các tri thức về nữ quyền hay nhân quyền trong các chuyến đi ngắn ngày ở một nước phương Tây nào đó.

Phụ nữ Việt đã kiếm ít tiền lại còn lắm mồm

Em không biết rằng sự bình đẳng về mặt xã hội giữa phụ nữ và đàn ông trong gia đình tri thức phương Tây bàn tới từ hàng thế kỷ qua dựa trên sự bình đẳng về mặt kinh tế. Đó là khi người phụ nữ đi làm và có thu nhập ngang bằng với người đàn ông. Họ độc lập và tự chủ về mặt kinh tế trong gia đình. Đó là cơ sở thiết yếu để người phụ nữ có quyền lên tiếng đòi quyền bình đẳng với đàn ông trong việc chăm lo gia đình.

Theo logic trên, phụ nữ Việt Nam không có quyền đòi bình đẳng vì họ không độc lập về mặt kinh tế hay không có thu nhập kinh tế ngang bằng với người đàn ông. Nhiều người phụ nữ phương Tây sẽ cảm thấy xúc phạm nếu như có một chàng trai nào đó tỏ ra ga lăng muốn giúp cô ta bê đồ. Họ cũng cảm thấy xấu hổ nếu như người đàn ông luôn là người chi tiền. Họ phân công công việc trong gia đình rất rõ ràng: nếu người phụ nữ không kiếm tiền thì việc ở nhà trông con và coi nhà cửa là điều hiển nhiên. Điều này không đúng với nhiều người phụ nữ Việt Nam. Kiếm ít tiền hơn đàn ông và luôn mồm nói đàn ông phải là chỗ dựa về vật chất và tinh thần cho gia đình nhưng phụ nữ Việt Nam lại kêu gào bình đẳng: tôi vào bếp, anh cũng phải vào bếp; tôi trông con anh cũng phải trông con; v.v…

Vô hình trung, người đàn ông Việt Nam bị đẩy vào một tình trạng một cổ hai tròng sức ép mà không biết những người phụ nữ là vợ của họ có cảm thấy thương xót: vừa phải bươn chải ngoài cuộc sống để là chỗ dựa vật chất và tinh thần cho gia đình lại vừa phải gánh các trách nhiệm chia sẻ việc nhà trong gia đình cùng với vợ. Trong khi người phụ nữ chơi không và nhởn nhơ: dùng tiền của chồng và lại được chồng chia sẻ công việc nhà và mọi vấn đề khác. Hệ lụy của sự bất công này là nguy cơ mắc bệnh tinh thần và sinh lý của đàn ông do quá nhiều sức ép từ gia đình và xã hội và cái nguy cơ tan vỡ gia đình và con cái hư hỏng vì những người đàn bà nhàn rỗi và thiếu trách nhiệm.

Nguyên nhân của sự bất cập này là do việc tiếp nhận cái gọi là văn minh phương Tây một cách mù quáng và méo mó, không dựa trên điều kiện kinh tế riêng biệt và văn hóa của Việt Nam. Cả đàn ông và phụ nữ Việt Nam đều không nắm bắt được cái gì là văn minh hay phương Tây: bình đẳng giới chỉ có thể thực hiện được trên nền tảng kinh tế; bình đẳng không chỉ về tinh thần mà còn vật chất, bình đẳng không chỉ về quyền lợi mà còn nghĩa vụ. Chỉ khi đó mới có cái gọi là bình đẳng hay không còn sự phân biệt.

Một khi khái niệm ga lăng còn là một thuật ngữ mà phụ nữ dùng để ca ngợi đàn ông và là tiêu chuẩn để đàn ông cố gắng đạt được thì khi đó, người phụ nữ không có quyền đòi bình đẳng. Một tổ chức xã hội tồn tại bình ổn phải dựa trên việc tất cả các thành viên ý thức về bổn phận được phân định của mình và cố gắng hoàn thành bổn phận đó. Một tổ chức gia đình cũng như vậy: nếu mọi thành viên trong gia đình đều cố gắng hoàn thành cái bổn phận đã định của mình (ví dụ đàn ông kiếm tiền, đàn bà lo gia đình hay ngược lại) thì gia đình mới bình ổn.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news