Tin mới

Quán bình dân đông khách: Ăn ít không bán

Thứ sáu, 22/08/2014, 10:24 (GMT+7)

Có tiếng tăm, đông khách, thu lời cao nhưng một số quán bình dân ở Hà Nội trở nên “chảnh” khi khách hàng gọi ít đồ.

Có tiếng tăm, đông khách, thu lời cao nhưng một số quán bình dân ở Hà Nội trở nên “chảnh” khi khách hàng gọi ít đồ.

 

Không ít lần đi ăn, chị Trang (Đống Đa, Hà Nội) gặp phải những tình huống dở khóc dở cười vì thái độ phục vụ của những quán bình dân được tiếng ăn ngon. Chị kể, một lần đi ăn nem rán ở một quán có thương hiệu trên phố cổ, có 2 người ăn nên chị Trang gọi 5 nem rán và 1 đĩa hoa quả lẫn lộn.

Chủ quán ban đầu niềm nở nhưng sau thấy khách gọi ít đồ thì tỏ thái độ lạnh nhạt, từ chối thẳng thừng: “5 nem không bán đâu!”. Chị Trang đang lúng túng thì người này thêm: “2 người ăn ít nhất cũng phải 10 nem chứ gọi 5 nem ai ăn ai đừng? Không bõ công rán!”. Chị Trang mặt đỏ lừ vừa ngại cô bạn đi cùng, vừa tức chủ quán nhưng đã trót gửi xe, lại ngồi xuống gọi đồ rồi nên cố mỉm cười gật đầu đồng ý. 

“Người ta cứ dựa vào đông khách, có tiếng tăm một chút là tỏ thái độ, được quyền sang chảnh”, chị Trang bức xúc. Chị cho biết, sau lần ấy không bao giờ chị quay lại quán này một lần nữa.

Một số quán ăn bình dân có tiếng tăm, đông khách nhưng phục vụ không tốt với khách gọi ít đồ. Ảnh: Ngọc Lan.

Anh Tuấn Anh (Nguyễn Xiển, Thanh Xuân) cũng một lần bực mình ở quán chân gà nướng vỉa hè trên đường Hoa Lư. Anh chia sẻ, sau khi ăn tối xong, mấy anh em hẹn nhau ở quán nướng bàn công chuyện. Vừa gọi 3 chân gà nướng thì nhân viên buông thõng một câu cụt lủn “Hết rồi!”, khiến anh Tuấn Anh ngỡ ngàng. Trong lúc gọi món khác thì bàn bên cạnh gọi chân gà nhưng với số lượng 10 chiếc thì nhân viên này niềm nở quay sang vâng dạ. Bức xúc với cách phục vụ này, anh Tuấn Anh hỏi thì người này lớn tiếng: “Gọi có mỗi 3 chân gà, quán không phục vụ”. Giận không nói nên lời, anh Tuấn Anh cố nán thêm chút nữa cho xong công chuyện rồi về.

Lại một lần nữa 4 anh em đi nhậu ở một quán bia "cỏ" quen ở Cầu Giấy, anh Tuấn Anh cũng phải ngậm một cục tức về nhà. Anh cho biết, thời tiết nắng nóng, mấy anh em rủ nhau đi uống bia giải nhiệt. 4 người gọi 4 cốc bia, đĩa đậu rán và 3 gói lạc. Sau khi nhân viên ra hỏi có uống bia tiếp không thì nhóm bạn từ chối. Ngay sau đó, nhân viên này tỏ thái độ khó chịu. Lúc thanh toán hóa đơn chưa đến 100.000 đồng, nhân viên này còn chào tạm biệt câu: “Uống ít thế thì về sớm đi cho rộng chỗ...”. Theo anh Tuấn Anh: "Quán này ngày trước phục vụ rất tốt, tuy nhiên, từ một năm trở lại đây nó đông khách nên cách ứng xử của nhân viên và cả chủ cũng thay đổi một trời, một vực".

Từng gặp phải trường hợp tương tự ở quán ốc có tiếng ăn ngon gần Hồ Tây khiến Trần Ngân (Đại học Thương mại Hà Nội) vẫn còn dị ứng đến giờ. Ngân cùng bạn trai đi ăn ốc, lúc mới đến nhân viên dắt xe, mời chào rất nhiệt tình. Nhưng khi vừa ngồi chưa nóng chỗ, gọi 1 đĩa ốc, 1 bát ngao hấp, người chủ hỏi có gọi món gì thêm Ngân nói không cần. Không ngờ, người này lớn tiếng: “Gọi ít vậy thì làm làm sao, đi sang quán khác ăn cho đỡ tốn diện tích”. Ngân với bạn "nóng mặt", rời quán này ngay sau đó...

Ngân chia sẻ: “Đồ ăn dù ngon, khách đông nhường nào nhưng phục vụ không tốt thì trước sau khách cũng một đi không trở lại”.

Đồ ăn ngon là một nhân tố hấp dẫn nhưng thái độ phục vụ còn quan trọng hơn.

Thu Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bức xúc với “văn hóa bán hàng” của một số quán. Phương kể, có lần đi ăn chè trên phố cổ, quán đông khách nên cả 3 người phải ngồi nép vào góc tường. Khi thấy 3 người gọi có 2 cốc chè, chủ quán vừa niềm nở bỗng tỏ thái độ: “Sao đi 3 người mà  gọi có 2 đồ vậy?”. Phương cười trừ bảo vừa ăn cơm xong, qua đây ngồi chơi với bạn thì cô này quắc mắt: “Lần sau ăn cơm rồi thì đi ăn chè làm gì, chỗ phải mua cả chứ có để ngồi chơi không!”.

Đen đủi hơn khi ra về thì vừa lúc công an cho xe về đồn với lý do lấn chiếm vỉa hè – để xe sai quy định. Quay vào thương lượng với chủ quán thì họ từ chối nhận trách nhiệm, cả 3 phải đi bộ lên đồn công an chuộc xe về. “Ăn được cốc chè không ngon nghẻ gì, chẳng những tiền mất lại còn tật mang”, Phương gay gắt. Cũng từ lần ấy, Phương rút kinh nghiệm chỉ đi ăn ở những quán quen chứ không “lần mò” đến những quán tiếng tăm, chỗ ngồi thì chật mà thái độ phục vụ không tốt.   

Tuy nhiên, với phương diện là người bán hàng, cô T. chủ một quán nem rán ở Hoàn Kiếm chia sẻ: “Diện tích quán nhỏ, chỗ để xe hạn chế trong khi khách đến gọi được vài đồ, ngồi lâu mãi không về thì chỉ có lỗ”. Cô cho biết, tiền thuê mặt bằng đắt đỏ, phải tận dụng từng phút để bán hàng, trong khi nhiều khách đến “ăn hương, ăn hoa” còn chủ yếu để tán chuyện thì phải đuổi khéo. “Hơn nữa, nem rán rất tốn dầu, lại không để được lâu nên khách gọi số lượng ít, rán vừa mất công lại chẳng có lời”, cô T nói.

Cũng bức xúc về nỗi khổ của những người kinh doanh quán ăn, chị Hoa – chủ quán ốc ở Hồ Tùng Mậu cho biết, “Khách hàng là thượng đế nhưng nhiều khi họ gọi đồ thô lỗ hay có người ngồi cả buổi tối chỉ ăn 1 bát ốc. Trong khi nhiều khách hàng đến phải quay về vì không có chỗ ngồi. “Tuy nhiên, khách hàng mỗi người một tính, mình phải lựa lời 'đuổi' khéo, chứ to tiếng thì mất khách như chơi”, chị Hoa nói.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news