Tin mới

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 50 lãnh đạo trong tuần này

Thứ hai, 10/11/2014, 07:23 (GMT+7)

Dự kiến sáng 15/11, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm 50 chức danh chủ chốt và kết quả kiểm phiếu được công bố chiều cùng ngày.

Dự kiến sáng 15/11, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm 50 chức danh chủ chốt và kết quả kiểm phiếu được công bố chiều cùng ngày. 

 

Theo lịch, ngày 14/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng báo cáo một số vấn đề về việc lấy phiếu tín nhiệm, sau đó Quốc hội biểu quyết danh sách những người được lấy phiếu lần này. 

Sáng 15/11, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc sẽ trình bày báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm. Tiếp đó, Quốc hội bầu Ban kiểm phiếu và tiến hành lấy phiếu.

Kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố chiều cùng ngày, sau đó Quốc hội thông qua nghị quyết xác nhận. Lần lấy phiếu tín nhiệm này vẫn được tiến hành như lần đầu (giữa năm 2013) với việc giữ nguyên ba mức “Tín nhiệm cao”, “Tín nhiệm” và “Tín nhiệm thấp”.

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 50 lãnh đạo trong tuần này

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 50 lãnh đạo trong tuần này. Ảnh minh hoạ: Vneconomy.vn

Trong tuần, Quốc hội sẽ tiếp tục hoạt động xây dựng pháp luật với việc thảo luận về các dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân… Có hai dự án luật dự kiến được trình Quốc hội biểu quyết thông qua, bao gồm Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). 

Quốc hội cũng sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2015; và thảo luận tại các phiên họp toàn thể về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. 

Vào cuối kỳ họp, Quốc hội lại tiếp tục xem xét dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. 

Theo báo Giao thông vận tải, trước đó tại buổi họp báo giới thiệu chương trình và nội dung kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 13, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, điểm khác là lần này Quốc hội sẽ dành một phiên họp kín diễn ra sáng 15/11 để thực hiện lấy phiếu tín nhiệm. 

“Việc này vẫn thực hiện theo hình thức cũ với 3 mức như nghị quyết 35. Sau đợt đầu lấy phiếu, một số thành viên Chính phủ có số phiếu không cao đã phải cố gắng rất nhiều. Tới nay kết quả đã được cử tri ghi nhận là tốt hơn. Tôi cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm là tốt. Đây là kênh tham khảo để đánh giá sắp xếp nhân sự”. 

Giải thích về việc vẫn để ba mức tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp, chứ không sửa lại thành hai mức, ông Phúc cho hay, Trung ương đã bàn rất kỹ vấn đề này. "Thực ra có khác nhau giữa bỏ phiếu và lấy phiếu. Mình lấy phiếu chứ không phải bỏ phiếu. Nếu bỏ phiếu tín nhiệm thì dứt khoát chỉ hai mức, nhưng lấy phiếu thì phải ba mức để đánh giá xem uy tín của người đấy như thế nào", ông Phúc lý giải. 

"Người được bổ sung trong danh sách lấy phiếu tín nhiệm lần này là ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng Ban dân nguyện. Do lần lấy phiếu trước chưa đủ thời gian kể từ khi ông Hiền nhận nhiệm vụ mới", ông Phúc giải thích con số 50 người sẽ được lấy phiếu tín nhiệm lần này thay vì 49. 

Trước câu hỏi về tác động của việc lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên đối với công tác bố trí, quy hoạch cán bộ, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: "Đối với Việt Nam, lấy phiếu tín nhiệm là cái mới nhưng tôi nghĩ là tốt. Có những đồng chí lần trước có phiếu tín nhiệm không được cao, nay lĩnh vực các đồng chí ấy phụ trách đã có những chuyển biến tốt, được cử tri ghi nhận, đánh giá cao", ông Phúc nói và cho rằng, đây cũng là một kênh tham khảo liên quan đến tổ chức cán bộ, nhân sự cho những nhiệm kỳ tới đây. 

Cũng theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, rút kinh nghiệm lần trước, tới đây, những báo cáo của đối tượng lấy phiếu gửi đại biểu sẽ rõ hơn, có đề cương chi tiết, tránh trường hợp có người viết dài, có người lại viết như báo cáo thành tích. "Vừa qua, một số đại biểu và cử tri đề nghị chỉ quy định 2 mức thôi. Tại kỳ họp tới, có nhiều điều kiện để Quốc hội trao đổi thêm, nhiều ý kiến hơn và khi đó sẽ rõ phương án nào được đa số tán thành", Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói. 

Theo Gia Huy (Tổng hợp)/Người Đưa Tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news