Tin mới

Rơi nước mắt với người đàn bà mù và ước mơ có chiếc quan tài

Thứ hai, 30/03/2015, 15:30 (GMT+7)

Không ít bận bà Tuệ đi lạc, ngược ra sông Hồng, sẩy chân suýt chết. Bà nghĩ, giả có chết đi cũng được, chỉ hiềm một nỗi chưa đủ tiền để mua cái quan tài khi nằm xuống, sợ liên lụy đến anh em. Nghĩ thế nên bà phải tập để đi cho quen, để sống.

Không ít bận bà Tuệ đi lạc, ngược ra sông Hồng, sẩy chân suýt chết. Bà nghĩ, giả có chết đi cũng được, chỉ hiềm một nỗi chưa đủ tiền để mua cái quan tài khi nằm xuống, sợ liên lụy đến anh em. Nghĩ thế nên bà phải tập để đi cho quen, để sống. 


 

Đoạn clip phóng sự về người đàn bà mù bán hàng ở chợ Hàm Tử Quan và ước mơ có được cỗ quan tài để về quê phát song trên VTC16 ngày 25/4/2014 khiến nhiều người rơi nước mắt và được chia sẻ lại trên nhiều trang mạng. 

Rơi nước mắt với chia sẻ của người đàn bà mù và ước mơ có chiếc quan tài

Nhân vật chính trong phóng sự là người phụ nữ mù tên là Đoàn Thị Tuệ (53 tuổi), quê ở thôn Tây Tiến, xã Thọ Vinh, huyện Kim Động (tỉnh Hưng Yên), lên Hà Nội kiếm sống ngót chục năm nay. 

Khoảng 10 năm trước bà Tuệ được em dâu đưa lên Hà Nội để kiếm sống, sau đó thì một mình tự bươn trải. Với đôi mắt mù, việc đi chợ hàng ngày với bà là một khó khăn. Có những lúc bà bị lừa tiền hoặc cảm thấy cô độc, nhưng bà vẫn sống bằng chính niềm lạc quan và tình yêu thương của mọi người xung quanh. 

"Sức của cô có hạn mà mắt mũi càng ngày càng mờ kém, cô chỉ cố gắng được lúc nào hay lúc đấy. Vì cô nghĩ rằng ở đời này cứ sống thật lại gặp nhiều điều may, lấy niềm vui và tình yêu của mọi người xung quanh dành cho mình để cố gắng vượt qua khó khăn", bà Tuệ chia sẻ trong phóng sự. 

Để mưu sinh với công việc bán hàng ở chợ, hàng ngày, người đàn bà mù này phải dạy và bắt đầu đi chợ đầu mối lấy tôm, ngao ... từ 3 giờ sáng. Đôi mắt bị mù nên bà Tuệ chỉ đi được đường thẳng, đoạn nào rẽ thì bà phải hỏi thăm để biết rẽ trái hay phải hoặc nhờ người dắt qua. 

"Ngày nào cô cũng để chuông đồng hồ báo thức dậy bán hàng lúc 3h sáng. Mắt cô bị mù từ bé nên chỉ biết sờ theo bờ tường để đi, đến đường vòng hẫng thì biết. Cô chỉ đi được đường thẳng, lệch hướng thì lại hỏi thăm, chưa đến các chị ấy lại dắt đến, đi đường đông mà chưa quen nhiều lúc cũng lạ", bà Tuệ chia sẻ.

Cũng theo chia sẻ của bà Tuệ trong phóng sự, tính trung bình, mỗi ngày bà đi bộ gần chục cây số. Bán hàng từ sáng tinh mơ đến tối mịt mới về. Đắt được tầm 50 ngàn đồng tiền lãi, bán ế coi như lỗ. Có những ngày sạch cả vốn lẫn lời vì bị người ta lừa. 

"Đắt hàng thì cô kiếm được 700.000 đồng/tháng, trừ tiền ăn tiêu tiền trọ. Tuy ít nhưng như thế là hạnh phúc lắm rồi vì nếu ở quê chẳng làm gì được. Trả lại tiền thì trả bao nhiêu biết bấy nhiêu, bảo lấy giúp em thì người ta tự động lấy. Tiền 100.000 đồng thì cô gấp đôi để nhớ. Có khi người ta bốc trộm, lẩn đi mất không giả tiền tôm mình cũng đành chịu. Nhiều lần đưa 10.000 đồng thì bảo 200.000 đồng, chìa túi lấy lại, lấy nhiều hay ít không biết nữa. Kiếm được một đồng bị đói chả dám ăn", bà Tuệ kể lại những khó khăn trong việc kiếm sống hàng ngày. 

Dù khó khăn là vậy nhưng bà Tuệ vẫn cố gắng tự mưu sinh bằng việc mua đi bán lại để lấy đồng tiền công lãi thay vì dựa dẫm vào lòng thương hại của người khác. 

"Cô chẳng được bằng người vì người ta có 2 con mắt sáng sủa, không dám đi ăn xin, chỉ còn biết cố gắng lần mò kiếm ăn nên càng thấy tủi thân...".

Cũng theo phóng sự, không ít bận bà Tuệ đi lạc, ngược ra sông Hồng, sẩy chân suýt chết. Cô nghĩ, giả có chết đi cũng được, chỉ hiềm một nỗi chưa đủ tiền để mua cái quan tài khi nằm xuống, sợ liên lụy đến anh em. Nghĩ thế nên cô phải tập để đi cho quen, để sống. 

H.Minh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news