Tin mới

Sập hầm thủy điện: Công nhân thoát chết nghẹn lời kể lại vụ việc

Thứ tư, 17/12/2014, 20:37 (GMT+7)

“Tôi đang đi sau chiếc xe máy đào thì bất ngờ nghe tiếng đất đá đổ ầm ập xuống. Ngay lập tức tôi quay đầu chạy thục mạng ra ngoài gọi mọi người đến cứu”, anh Tuấn kể

“Tôi đang đi sau chiếc xe máy đào thì bất ngờ nghe tiếng đất đá đổ ầm ập xuống. Ngay lập tức tôi quay đầu chạy thục mạng ra ngoài gọi mọi người đến cứu”, anh Tuấn kể

Liên quan đến sự cố sập hầm dẫn nước công trình thuộc thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo, thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng xảy ra lúc 7h ngày 16/12 khiến 12 công nhân đang mắc kẹt (gồm 11 nam và 1 nữ), Theo báo Người lao động, anh Nguyễn Văn Tuấn, công nhân của Công ty Cổ phần Sông Đà 505, người đã thoát chết kỳ diệu vẫn còn bàng hoàng.

"Tôi đang đi sau chiếc xe máy đào thì bất ngờ nghe tiếng đất đá đổ ầm ập xuống. Ngay lập tức tôi quay đầu chạy thục mạng ra ngoài gọi mọi người đến cứu", anh Tuấn kể.

Theo anh Tuấn, kíp làm việc có 15 người nhưng lúc đó chỉ mới có 12 người vào trong, anh và 2 người nữa đi phía sau nên chạy ra được. "Khi chúng tôi chạy ra kêu cứu, rồi chạy vào, bên trong hầm vẫn chưa lấp hẳn, vẫn còn có thể nhìn thấy được bên trong. Tuy nhiên, sau đó, đất đá tiếp tục đổ xuống và lấp hẳn. Khoảng 1 giờ sau, lực lượng cứu hộ mới đến được hiện trường", anh Tuấn xúc động nói.

Sập hầm thủy điện: Công nhân thoát chết nghẹn lời kể lại vụ việc - Ảnh 1

Anh Nguyễn Văn Tuấn, một trong số 3 người may mắn thoát nạn trong vụ sập hầm thủy điện. Ảnh: Người lao động

Giọng run run, anh nhớ lại: "Từ hôm qua, tôi chưa chợp mắt được phút nào, vẫn ráng tham gia cứu hộ. Đêm qua, khi nghe các đồng nghiệp còn sống tôi đã mừng như phát điên lên. Cầu trời cho họ sớm được đưa ra!".

Trao đổi trên tờ Tri thức trực tuyến, Đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM - cho biết đã cử 45 cán bộ chiến sĩ cùng 2 xe cứu hộ chuyên nghiệp, 1 xe hậu cần chiến đấu, 1 xe chở quân do Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng - Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM chỉ huy đến Lâm Đồng tham gia cứu nạn. Tổ công tác này đã xuất phát lúc 15h hôm nay.

Theo báo Dân trí, trước tình trạng nước trong hầm đã dâng cao 1m, Bộ trưởng Xây dựng và Bộ trưởng Công thương chỉ đạo, công tác khoan thoát nước cần đặt lên hàng đầu. Hai Bộ trưởng yêu cầu khoan khẩn trương lỗ thoát nước xuyên qua khối đất đá sập để tiêu nước trong hầm ra ngoài; Khẩn trương gia công bộ khung (hình chữ A hoặc chữ nhật kích thước 1 - 1,5 m), tiến hành đào moi lỗ thoát nạn, đào đến đâu chèn ngay khung đỡ đến đó, cố gắng trong vòng 20 giờ đào thông được hầm thoát nạn để cứu công nhân ra.

Sập hầm thủy điện: Công nhân thoát chết nghẹn lời kể lại vụ việc - Ảnh 2

Nhóm công nhân mỏ từ Quảng Ninh vào hầm tham gia cứu hộ. Ảnh: Dân trí

Một nhóm công nhân mỏ từ Quảng Ninh vào hầm tham gia cứu hộ đã trở ra. Theo thông tin từ anh Phạm Văn Hạ (thuộc Trung tâm Cấp cứu mỏ Vinacomin), để tránh tái diễn sập, sụt, các anh thực hiện việc đào hoàn toàn thủ công bằng các dụng cụ chuyên dụng. Anh Hạ cho biết trong hầm rất lạnh nên các anh sẽ làm việc thay ca.

Như đã đưa tin từ trước, tai nạn sập hầm xảy ra khoảng 7h ngày 16/12. Công ty Cổ phần Sông Đà 505 - đơn vị thi công cho biết, đoạn bị sập cách cửa hầm 300m, hầm sâu khoảng 6m, có 12 người (1 nữ) đang bị kẹt bên trong.

Mai Nguyên


Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news