Tin mới

Sắp xếp ban thờ ngày Tết thế nào là đúng?

Thứ năm, 05/02/2015, 14:04 (GMT+7)

Ban thờ gia tiên là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hoá tâm linh của người Việt. Tuy nhiên, sắp xếp ban thờ bát hương thế nào cho hợp phong thuỷ? Bao nhiêu ban thờ trong một gia đình là đủ?.

Ban thờ gia tiên là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hoá tâm linh của người Việt. Tuy nhiên, sắp xếp ban thờ bát hương thế nào cho hợp phong thuỷ? Bao nhiêu ban thờ trong một gia đình là đủ?.

Để làm rõ những vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với chuyên gia phong thuỷ Phạm Cương, công tác tại trung tâm nghiên cứu lý học Đông phương, Giám đốc công ty tư vấn phong thuỷ và kiến trúc Nhà Xuân.

Bao nhiêu ban thờ là đủ?

Người Việt Nam từ bao đời nay vẫn gìn giữ văn hoá tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, chính vì vậy mà hầu nhưu trong mỗi gia đình đều có một ban thờ gia tiên được đặt ở gian chính của ngôi nhà (ngày xưa người Việt làm nhà ba gian hai trái thì gian chính là gian tiếp khách và đặt ban thờ gia tiên). Bước vào cửa chính có thể gặp bàn thờ và bộ bàn ghế tiếp khách, là một xếp đặt quen thuộc, hài hòa với cấu trúc không gian nhà ở truyền thống vốn có hàng hiên và sân vườn bao bọc chung quanh. Tuy nhiên, ngày nay, lối kiến trúc đã thay đổi hiện đại hơn, cho nên nhiều gia đình có điều kiện đều có gian thờ riêng trong gia đình.

Tuy nhiên, rất nhiều gia đình còn có thêm ban thờ Phật, ban thờ những người linh thiêng, ban thờ thổ địa, ông Công, ông Táo…dẫn đến việc diện tích ngôi nhà bị chiếm dụng quá nhiều dành cho việc thờ tự và hệ luỵ theo phong thuỷ là phần âm lấn át phần dương. Âm khí sẽ đè nặng trong ngôi nhà và gây cho gia chủ có những phiền toái về tinh thần, gia giảm về sức khoẻ và khi nhìn vào tổng thể ngôi nhà sẽ không có được sự thông thoáng, đăng đối.

                                

Ban thờ phải được sắp xếp đăng đối, hài hoà và quan trọng là phải sạch sẽ, gọn gàng (ảnh minh hoạ)

Theo chuyên gia phong thuỷ Phạm Cương, một ngôi nhà nên có một ban thờ đặt 3 bát hướng. Một bát hương thờ thần thổ địa-thần cai quản đất đai nơi ngôi nhà được xây lên. Thứ 2 bát hương thờ gia tiên, thờ ông bà, tổ tiên và cộng đồng gia tiên của gia tộc. Thứ 3 là bát hương thờ những người linh thiêng trong dòng tộc, bà Cô ông Mãnh. Theo quan niệm dân gian, bà cô, ông mãnh là những người chết yểu từ lúc còn trẻ, chưa lập gia đình hoặc những bà cô, ông chú tuy già nhưng chưa lập gia đình cho đến chết. Nhân dân thường cho rằng những linh hồn này vì không vướng phàm tục nên thanh cao và linh thiêng, hợp với người nào thì luôn đi theo phù hộ cho người đó đến hết đời không gặp tai ương.

Về vị trí xắp xếp, theo ông Cương, 3 bát hương cần được đặt cân đối, bát hương thờ quan thế âm, thổ địa nên đặt ở giữa,  thờ gia tiên đặt bên trái (vị trí Thanh Long, vị trí cao hơn); thờ bà cô, ông mãnh (vị trí Bạch Hổ, vị trí thấp hơn).

Cũng theo quan điểm của chuyên gia phong thuỷ này thì ban thờ không ảnh hưởng nhiều đến sự thịnh vượng, tài lộc của gia chủ mà nó ảnh hưởng đến niềm tin về tâm linh và dòng tộc bởi ban thờ là nơi gắn kết giữa thế giới âm và người còn sống. Một ban thờ tốt sẽ giúp quy tụ các thành viên trong gia đình và dòng họ. Vì vậy, việc đặt ban thờ sao cho hài hoà là điều vô cùng cần thiết.

Dù là nhà ở truyền thống hay hiện đại, bàn thờ cũng luôn phải đảm bảo được đặt tại vị trí cao, phía trên bàn thờ là nóc nhà và bầu trời, không bị các không gian sinh hoạt khác đè lên để tỏ lòng kính trọng đối với thần linh, ông bà tổ tiên.

Trong phong thủy, bàn thờ cần phải "tọa cát hướng cát" tức là nằm ở vị trí tốt và nhìn ra hướng tốt so với tuổi của gia chủ. Phía sau bàn thờ cần phải là tường vững chãi, không được dựa vào tường kính hoặc cửa sổ... Việc đặt bàn thờ đối diện cửa ra vào nếu thỏa mãn về phương vị và hướng thì là một cách bố trí tốt về Phong thủy.

Lưu ý gì khi bày biện, lau dọn ban thờ

Ban thờ trước tiên phải sạch sẽ và đơn giản, không nên bày biện quá nhiều đồ thờ cúng để tránh những tạp khí trên ban thờ.

Bàn thờ là nơi thờ cúng gia tiên chứ không phải nơi phô trương hay trưng bày, những thứ không liên quan đến thờ cúng không bày lên bàn thờ, nhất là giấy công đức ở đình chùa.

                                       

Việc lau dọn ban thờ có thể làm vào bất cứ lúc nào trong năm khi cần thiết, ông Phạm Cương cho biết

Quan trọng nhất là hương hoa, tức hương thắp, hoa quả tươi, hoa tươi và nước sạch. Tránh các loại đồ giả như hoa quả nhựa. Đồ thờ cúng xong rồi nên bỏ xuống để thụ lộc, tránh bày để từ tháng này qua tháng khác. Không nên để lễ mặn, hay tiền mặt lên bàn thờ.

Còn về quan niệm lau dọn ban thờ, nhiều người cho rằng chỉ được lau dọn ban thờ, bát hương vào dịp cuối năm nhưng theo ông Phạm Cương, đó chỉ là quan niệm dân gian, về mặt lý thuyết, chúng ta có thể dọn dẹp, sắp xếp lại ban thờ vào bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, nên chọn ngày lành tháng tốt, tốt nhất là sau ngày cúng tiễn ông Công, ông Táo về chầu Trời.

Theo phân tích của các nhà phong thủy, việc dọn dẹp, thay đổi bàn thờ, chăm sóc, tôn tạo bát hương vào dịp cuối năm sẽ góp phần tạo thời vận mới cho gia đình khi sang năm mới.

Cũng theo ông Cương, việc bỏ ra một số tiền lớn để sở hữu cho mình những loại quả độc, lạ và đắt đỏ để bày trên ban thờ vào ngày Tết với mong muốn ông bà tổ tiên thấy được tấm lòng mà phù hộ cho năm mới may mắn là không cần thiết bởi theo tín ngưỡng, việc thờ cúng thần linh hay tổ tiên chỉ cần tối giản, cốt là ở tấm lòng thành kính dâng lên người trên là đủ.

Xem video: Cách chọn hoa chơi Tết đẹp và ý nghĩa

 

 

Thoa Nguyễn

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news