Dưới thời HLV Park Hang-seo, chưa bao giờ quân HAGL trong đội hình xuất phát lại ít đến thế: duy nhất Văn Thanh. Chỉ là vô tình, hay nằm trong toan tính của nhà cầm quân Hàn Quốc?
1. Tối qua, sau trận đấu, HLV Park Hang-seo phát biểu rằng ông và các học trò coi mỗi trận đấu ở Asiad lần này đều là trận chung kết. Chắc hẳn nhà cầm quân người Hàn Quốc đùa, bởi chẳng ai bước chân vào trận chung kết mà cất đến 4 cầu thủ trụ cột trên băng ghế dự bị cả.
Cũng trong cuộc họp báo sau trận, vị HLV người Hàn Quốc này phát biểu rằng mình và các học trò chưa quan tâm đến U23 Nhật Bản. Các học trò thì còn có lý, chứ bản thân HLV Park Hang-seo cùng Ban huấn luyện chắc chắn đã phải nghiên cứu rất kỹ đối thủ này. Đơn giản, bởi đây là đối thủ duy nhất xứng tầm, và cũng là chốt chặn quan trọng nhất với U23 Việt Nam ở Asiad lần này.
Nói gì thì nói, trận đấu với U23 Nepal tối qua rõ ràng là một "bài toán sai" của HLV Park Hang-seo. Với sự chênh lệch về mặt đẳng cấp và trình độ giữa hai đội, nếu tung đủ đội hình mạnh nhất, có lẽ giờ đây ông và các học trò của mình đã có thể thanh thản hơn nhiều, khi có được tâm thế khác hẳn trước đối thủ ở lượt đấu cuối vòng bảng - U23 Nhật Bản.
Ai cũng có thể dễ dàng nhìn ra được rằng dù U23 Nhật Bản năm nay không quá mạnh như vốn dĩ họ có khi sử dụng mọi lợi thế mà mình có để tranh đấu ở Asiad như Hàn Quốc, thì một chiến thắng đủ đầy trước U23 Nepal cũng sẽ giúp cho U23 Việt Nam có được lợi thế, cùng toan tính về mặt chiến thuật trong trận đấu sẽ quyết định đối thủ mình gặp ở vòng 1/8.
Vẫn biết khi đã xác định "chơi hết mình" ở sân chơi châu lục, thì gặp đối thủ nào không quá quan trọng bằng việc căng sức chơi xong từng trận, và với phận "ngựa ô" của mình, U23 Việt Nam chưa đủ vị thế để toan tính, nhưng với khát vọng vô địch rất lớn, cùng lực lượng cực mạnh của U23 Hàn Quốc - khả năng cao sẽ là đối thủ của thầy trò HLV Park Hang-seo ở vòng 1/8, "bài toán sai" trước Nepal có thể đặt dấu chấm hết cho U23 Việt Nam nếu sảy chân trước Nhật Bản.
Kỳ tích ở giải vô địch U23 châu Á hồi đầu năm mang lại cho bóng đá Việt Nam nhiều "phần thưởng". Ngoài những vinh quang, cũng như nâng cao hình ảnh của bóng đá Việt Nam trong khu vực, kỳ tích ấy cũng chứng minh một điều rằng tố chất của cầu thủ Việt Nam không hề quá tệ như chúng ta vẫn tự mặc định cho mình, ở cả thể lực, chiến thuật lẫn kỹ thuật.
Trước khi HLV Park Hang-seo xuất hiện, chắc hẳn rất ít người có thể tin được rằng các cầu thủ trẻ Việt Nam đủ sức đá suốt 120 phút ở một giải đấu căng thẳng đến thế, cũng ít người hình dung được các cầu trẻ Việt Nam lại có thể tuân thủ chiến thuật tốt đến thế, tâm lý vững vàng đến thế, không ngại ngần phô diễn kỹ thuật như thế ở sân chơi tầm châu lục này.
Song với HLV Park Hang-seo, có lẽ như thế là chưa đủ. Quay lại với việc chỉ có duy nhất Văn Thanh là cầu thủ HAGL được ra sân ngay từ đầu trong trận gặp U23 Nepal vừa qua, hãy nhớ rằng đây là cầu thủ duy nhất của HAGL chơi theo kiểu "không phải HAGL" - lối chơi dựa trên nền tảng kỹ thuật cá nhân và bóng ngắn nhuần nhuyễn. Lối chơi của Văn Thanh mang đậm nét hiện đại, có phần tương đồng với lối chơi của Hàn Quốc.
2. Theo một số nguồn tin, ngày chia tay Đặng Văn Lâm, ông thầy người Hàn Quốc tâm sự với thủ thành này rằng ông phải hi sinh anh để củng cố hàng công của U23 Việt Nam bằng sự lựa chọn mang tên Văn Quyết. Điều này thì ông Park Hang-seo không đùa.
Dẫu cho đánh giá khá cao Việt Nam, nhưng các báo châu Á đều chỉ đồng loạt nhận định rằng U23 có thể là "ngựa ô" ở Asiad lần này. Nhận định ấy rõ ràng là có cơ sở, bởi dẫu cho lên ngôi Á quân châu Á, nhưng thành công ấy của thầy trò HLV Park Hang-seo chủ yếu đến từ lối chơi phòng ngự chắc chắn, bằng tinh thần quả cảm và sự lăn xả đáng kinh ngạc.
Cất Xuân Trường và Công Phượng - những cầu thủ đã quá quen và rất hợp với lối chơi theo tâm thế "cửa dưới", ở cả HAGL lẫn các đội tuyển quốc gia, cũng như khá chông chênh về tâm lý, phải chăng HLV Park Hang-seo đang ấp ủ thiết lập cho U23 Việt Nam một lối chơi tấn công đúng nghĩa như đã từng tuyên bố, thay vì lối chơi với 5 hậu vệ "đội lốt" 3-4-3 như hiện tại?
Hàng công ấy, với sự tinh quái của Quang Hải, kinh nghiệm dạn dày và khả năng năng không chiến hiệu quả của Anh Đức, khả năng tạo sức ép và kết thúc của Văn Quyết, kỹ thuật khéo léo của Công Phượng sẽ đủ khả năng làm chao đảo mọi hàng thủ châu Á, dù có là U21 Nhật Bản hay U23 Hàn Quốc.
Ngoài ra, sức trẻ và sự hiệu quả của Phan Văn Đức, khả năng cầm nhịp ở tuyến giữa của Hùng Dũng, cùng những miếng đánh từ hai biên của Văn Hậu và Văn Thanh là những phương án không tồi để thay đổi cục diện, thay đổi thế trận trong những trận cầu quyết định.
Những phương án đấy cần được thử nghiệm, để không còn bỡ ngỡ khi được thực hiện, đấy là lý do HLV Park Hang-seo dám cất cả 4 cầu thủ chủ lực của mình trong trận đấu đáng lý ra cần phải thắng đậm. Ông thầy người Hàn Quốc chấp nhận cái giá có thể sẽ rất đắt, để hướng về một nấc thang mới, nấc thang mà bóng đá chưa từng dám nghĩ tới: rũ bỏ cái mác "ngựa ô" ở sân chơi châu lục.
Sự đổi mới nào, cuộc cách mạng nào cũng đều có cái giá của nó. Và với HLV Park Hang-seo, chắc hẳn cái đích đến ấy xứng đáng với cái giá phải trả nếu thất bại. Nhưng nếu thành công, nó sẽ thực sự mở ra chương mới cho bóng đá Việt Nam.