Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của Hạ Chi, người có những quan điểm rất riêng về thái độ và niềm vui trong công việc. Xét ở một khía cạnh nào đó, thông điệp mà Hạ Chi muốn nhắn gửi đến bạn trẻ: Hãy quản lý công việc, đừng để công việc quản lý bạn!
"Bước ra khỏi vùng an toàn, bạn đã thử chưa?", "Có nên tiếp tục theo đuổi điều abcxyx nào đó?", "Mình nên nghỉ việc hay làm tiếp?"... những câu hỏi được cư dân mạng thả vào công cụ tìm kiếm Google mỗi giây gián tiếp truyền đi một thông điệp: Ai đó, đến một lúc nào đó cũng sẽ đều tới hạn!
Tới hạn nghĩa là đã chạm đáy. Là khi, bạn không còn cố gắng được nữa, không còn có thể tốt hơn chính mình hôm qua, muốn đặt dấu chấm hết và ra đi. Nhẹ bẫng thế thôi.
Nữ tác giả Hạ Chi
Bài chia sẻ của Hạ Chi (tên thật là Nguyễn Quỳnh Trang) đăng tải trên Facebook cá nhân mới đây, như bàn tay nhẹ nhàng tháo gỡ những nút thắt trong lòng người trẻ cảm thấy mình "tới hạn" như thế trong công việc.
Trước khi có chia sẻ này, Hạ Chi đã làm việc 3 năm ở vị trí Marketing cho một công ty, từng là tác giả được yêu thích trên một tờ tạp chí teen nhiều năm liền.
Bên cạnh những lời khen ngợi cho suy nghĩ "cầm lên được, đặt xuống được" trong công việc của Hạ Chi, thì cô cũng nhận được không ít những quan điểm trái chiều. Hãy cùng lắng nghe những trải lòng của Hạ Chi sau khi gây bão mạng với lời động viên người trẻ để hiểu thêm về quan điểm này nhé!
Nghỉ việc chính là cách để... tiết kiệm tiền!
Chào Hạ Chi, trong khi có rất nhiều cuốn sách, câu chuyện khuyến khích bạn trẻ hãy kiên định với lựa chọn của mình, quyết tâm để chạm đến mục tiêu, thì tại sao chị lại khuyến khích họ làm điều ngược lại?
Chào bạn, theo tôi nghĩ thì kiên trì để đi tới cái đích mình muốn là tốt. Nhưng nó hoàn toàn khác với kiên trì để đi đến một nơi mà mình chẳng hứng thú gì, chỉ vì tiếc quãng đường đã đi - hay tệ hơn là kiên trì đi dù không biết đi đâu. Câu "nghỉ đi, đừng sợ" của tôi là dành cho những bạn đang ở vào vế thứ 2.
Lời khuyên "nghỉ đi, đừng sợ" phải chăng là chỉ đúng ở một số độ tuổi, dành cho một hoàn cảnh nhất định? Những người đang gặp khó khăn về tài chính liệu có nên "phiêu" theo chị?
Mỗi người sẽ có một bài toán về tiền riêng, tôi tin là vậy. Nhưng với kinh nghiệm của tôi thì làm việc mà không thấy vui sẽ chẳng thể nào giàu được. Lúc đó nghỉ việc chính là tiết kiệm tiền cho bản thân.
Đơn giản lắm, công việc làm bạn mệt mỏi quá thì bạn sẽ có nhu cầu xài tiền để xả stress. Bạn cứ để ý đi, khi căng thẳng chúng ta sẽ muốn ăn nhiều hơn, mà ăn toàn món không lành mạnh. Rồi cần có lon bia cuối ngày cho dễ ngủ. Cần mua sắm nhiều hơn. Cần "đi trốn ở một nơi xa".
Rồi thì những áp lực khiến cơ thể mệt mỏi, mau già, dễ bệnh hơn. Lại phải bỏ tiền để chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp. Nhiều bạn sợ nghỉ việc vì tháng nào làm tiêu tháng đó, không để dành được. Nhưng thực ra, chúng ta đang lãng phí rất nhiều tiền chỉ để tăng khả năng chịu đựng cho công việc mà ta vốn rất ghét. Cái vòng lẩn quẩn này, tôi nghĩ bạn phải có can đảm bấm nút stop.
Chúng ta sợ hãi và đau khổ, vì chúng ta mong muốn quá nhiều thứ cùng một lúc mà lại không xác định được thứ gì là quan trọng nhất và thứ gì là ưu tiên ngay tại thời điểm này. Nếu bạn thiếu tiền, hãy kiên nhẫn làm việc vì tiền.
Làm có trách nhiệm, làm tận tâm, làm thật tốt. Người ta sẽ hạnh phúc trả tiền cho bạn và bạn cầm tiền trong vui vẻ. Khi có đủ tiền thì đi chặng tiếp theo - nếu lúc đó bạn vẫn muốn đi.
Nói như vậy thì tính chất công việc và môi trường công việc có tác động rất lớn đến cảm xúc của mỗi người. Thế "thiên đường" để cảm thấy hạnh phúc mỗi ngày đi làm là nơi như thế nào?
Khi trồng một cái cây trên đất, cây sẽ lớn lên đâm chồi mọc rễ và cho bóng mát, rồi ra hoa ra quả và rơi hạt để cây khác mọc lên. Ở lâu trong một môi trường làm việc mà có lộ trình phát triển rõ ràng thì cũng như trồng cây thôi, rất vui và phấn khích khi nhìn nó lớn lên mỗi ngày.
Còn vui thì còn làm, hết vui thì xin nghỉ. Làm việc như vậy liệu có ích kỷ và cảm tính quá không?
Làm việc không chỉ dựa vào niềm vui, cảm xúc phấn khích. Tôi đồng ý với điều đó. Vì nếu đi làm chỉ để được vui thì mình phải là người trả tiền cho công ty mới đúng!
Thế nhưng "niềm vui" nó là dấu hiệu chỉ cho ta biết mình đang đi đúng hướng. Người ta vui khi được tự chủ hành động, khi làm đúng với các giá trị sống của bản thân, được tưởng thưởng cho những điều mình làm.
Cảm tính và lý tính vốn không tách rời nhau, chúng ta cảm nhận trước rồi dùng lý trí để hiện thực hoá cảm xúc. Tôi đã từng dùng lý trí đè nén cảm xúc và nhận ra dù có được cái gì - trong lòng cũng sẽ luôn thấy hụt hẫng, trống trải và đau khổ.
Quay lại chuyện làm việc, hãy để lý trí, sự kỷ luật, tính kiên định… là trợ thủ cho công việc mà bạn thực sự yêu thích. Như vậy bạn sẽ tận dụng được hết tất cả năng lượng của mình.
Hãy bỏ tâm lý "xin việc" là bạn xứng đáng "được nhận vào"
Thôi việc ở công ty này thì cũng đồng nghĩa sẽ bắt đầu một công việc mới ở một nơi khác (thường là vậy). Hạ Chi có phong thái tiếp nhận cơ hội mới như thế nào?
Tôi muốn các bạn trẻ cũng hãy bỏ tâm lý "xin việc" đi. Bạn bình đẳng với người đang phỏng vấn mình. Vì thế thay vì cố chứng tỏ bạn xứng đáng để "được nhận vào", hãy đối thoại để hiểu về giá trị và định hướng phát triển của công ty, văn hoá chung, phong cách của lãnh đạo cấp trên và cả các chế độ lương thưởng nữa. Càng hiểu nhau, càng kỳ vọng đúng về nhau và đi đường dài được lâu.
Với tôi, tôi đặt ra 5 câu hỏi cho mình trước khi chọn việc:
Công việc này có thực sự tạo ra giá trị cho xã hội không?
Công việc này có cho mình cơ hội phát triển không?
Công việc này có cho mình sự cân bằng và khoẻ mạnh không?
Công việc này có đảm bảo tài chính cho mình không?
Mình có muốn làm việc cùng những người này không?
Nghe nói sau 1 tuần nghỉ việc, Hạ Chi đã có việc mới, đó là công việc thế nào?
Hiện tại tôi đang là Creative Strategy Manager tại một công ty sáng tạo, quảng cáo. Những gì chia sẻ với các bạn ở trên, tôi đều đang thực hiện được. Sau tất cả, điều cốt lõi mà tôi muốn có là sống hạnh phúc. Và tôi chọn hạnh phúc với công việc của mình. Thế nghĩa là hiện tại, mỗi ngày tôi thức dậy với niềm vui được đi làm.
Hạ Chi hài lòng và vui vẻ với công việc hiện tại
Trong công việc này, chị có đặt ra những tiêu chí riêng nào để bên nó lâu nhất có thể không?
Không phải chỉ mỗi công việc này mà với mỗi công việc đã làm, tôi đều đặt ra 5 tiêu chí để "vui vẻ khi đi làm". Đó là:
Luôn cố gắng làm tốt hơn mỗi ngày. Khi cứ sau một thời gian nhìn lại, tôi thấy mình "rút kinh nghiệm" được nhiều là thấy vui hết biết.
Được làm chủ việc mình làm, chịu trách nhiệm với nó, được nhìn những dự án như những đứa con tinh thần. Khi đó đi làm chính là nuôi con.
Được quyền làm cái mới. Cho tôi thử đi, nếu sai tôi sẽ học được cách để sửa. Cho tôi làm điều tôi không giỏi nhất đi, để tôi được học và giỏi hơn.
Được gõ cửa phòng sếp để đặt câu hỏi, để xin ý kiến, để… phê bình.
Không căng thẳng, không nghiêm trọng hoá vấn đề. Tóm lại là không làm việc để chết, thế nên cứ 7h là tôi đi tập yoga và cuối tuần thì hiếm khi mở mail công ty.
Cảm ơn những chia sẻ của Hạ Chi. Chúc chị có những trải nghiệm thú vị trong công việc mới!
Theo Helino/Trí thức trẻ