Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, do dịch Covid-19 phức tạp nên nhiều tỉnh, thành phố tạm dừng học trực tiếp. Cụ thể, hơn 1,45 triệu trẻ ở 14 tỉnh, thành phố phải dừng đến trường (chiếm 44,69%). Cả nước có 49 địa phương cho trẻ khối mầm non đến trường học trực tiếp.
Các địa phương dừng dạy trực tiếp bậc mầm non gồm: Hà Nội, Đà Nẵng (trừ 2 quận Thanh Khê và Sơn Trà), Tiền Giang (trẻ dưới 5 tuổi chưa đến trường), Bạc Liêu (trẻ dưới 5 chưa đến trường), An Giang, Phú Yên, Lào Cai, Tuyên Quang, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hưng Yên, Đắk Lắk (TP Buôn Mê Thuột).
11 tỉnh, thành phố gồm: An Giang (khối lớp 1, 2), Tiền Giang (khối lớp 3, 4), Hà Nội (12 quận nội thành), Đắk Lắk (Buôn Mê Thuột), Lào Cai, Tuyên Quang, Hưng Yên, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, tạm đang đóng cửa trường học tương đương hơn 784.000 học sinh khối tiểu học phải dừng học trực tiếp.
Khối THCS, 4 tỉnh, thành phố dừng học trực tiếp (Bà Rịa - Vũng Tàu (huyện Côn Đảo), Phú Thọ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, riêng Hà Nội khối lớp 6 của 12 quận nội thành) tương đương hơn 507.000 học sinh nghỉ ở nhà (chiếm 12,94%).
Khối THPT, 2 tỉnh, thành phố dừng học trực tiếp gồm: (Bà Rịa - Vũng Tàu (huyện Côn Đảo), Lào Cai) tương đương hơn 244.000 học sinh nghỉ.
Trước đó ngày 212, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về việc xử lý F0, F1 trong các nhà trường khi dạy học trực tiếp. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều trường ở TP.HCM, Hà Nội cho biết khó khăn nhất hiện nay chính là việc tổ chức dạy học sao cho bảo đảm được quyền lợi của tất cả học sinh.
Nhiều phụ huynh cho rằng quy định của Bộ Y tế có phần cứng nhắc và không phù hợp với thực tế. Họ đã chấp nhận sống chung với dịch thì việc cách ly học sinh là F1 không còn ý nghĩa. Rằng họ phải đi làm, không có điều kiện ở nhà để chăm sóc con là F1.