Bầu Đức hùng hồn tuyên bố: “Nếu chúng tôi tổ chức nuôi bò thì chắc chắn sẽ không một nơi nào trên thế giới này bằng". Trước đó, bà chủ hãng TH True milk cũng từng tự tin: "Tôi không có đối thủ", còn bà chủ Vinamilk đang phấn đấu đưa hãng này lọt vào top 50 doanh nghiệp sản xuất sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017 với Doanh thu 3 tỷ USD/năm.
Vậy đàn bò của vị đại gia nào mới xứng danh kỷ lục và "đáng gờm" nhất Việt Nam?
Trại bò của bầu Đức
Dự án chăn nuôi bò sữa và bò thịt của HAGL với số vốn 6.300 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn đầu tư và hoàn thành vào năm 2017. Dự kiến tổng đàn bò thịt và bò sữa là 236.000 con. Trong đó, bò sữa là 120.000 con, bò thịt 116.000 con.
Trong năm 2014, HAGL đã nuôi 10.000 con tại Attapeu, theo kế hoạch, trong năm 2015, HAGL sẽ nâng tổng đàn bò Úc tại Lào lên 80.000 con.
Trại bò của bầu Đức tại Lào
Lý do để bầu Đức có thể hung hồn tuyên bố như vậy là do nguồn phụ phẩm của 44.500ha cao su tại Lào, Campuchia và Việt Nam, 10.000ha mía đường, 12.000ha dầu cọ, 4.000ha bắp. Trong 100.000 ha đất của HAGL, mới có 70.000 ha sản xuất, 30.000 ha còn lại để trồng cỏ, thuận tiện ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi. Ngoài ra, chúng tôi còn có 2.000 kỹ sư nông nghiệp, đủ lực để có thể phát triển đàn bò lên 300.000 con chứ không dừng lại ở 236.000 con như dự án này”, bầu Đức cho biết
Cho rằng, với đầu vào rẻ nhờ tận dụng lợi thế sẵn có, thì đầu ra cũng sẽ rất rẻ, có thể rẻ đến một nửa, một phần ba so với thị trường,ông Đức khẳng định nuôi bò mang lại doanh thu cho HAGL rất lớn. Riêng phân bò giúp cho đơn vị tiết kiệm trên 300 tỷ mỗi năm. Và ngay năm 2015, dự án bò thịt sẽ mang lại lợi nhuận cho tập đoàn 30-50 triệu USD.
Trại bò của doanh nhân hàng đầu Châu Á Mai Kiều Liên
Từ năm 2006, Vinamilk trực tiếp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi bò sữa thông qua xây dựng các trang trại nuôi bò sữa công nghiệp với tổng vốn khởi điểm hơn 500 tỷ đồng và hiện nay tăng đến 1.600 tỷ (năm 2013).
Một trong nhiều trang trại bò sữa của Vinamilk
Hiện công ty có 5 trang trại ở Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Lâm Đồng. Năm 2014, 2015, Vinamilk tiếp tục triển khai đưa vào hoạt động thêm 4 trang trại mới tại Tây Ninh (quy mô 10.000 con), Hà Tĩnh (quy mô 3.000 con), Thanh Hóa 2 (quy mô 3.000 con) và Nông trường Thống Nhất, Thanh Hóa (quy mô 20.000 con), nâng tổng số trang trại bò sữa của Vinamilk lên 9 trang trại với khoảng 46.000 con. Với đàn bò này, Vinamilk đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu sữa tươi nguyên liệu (trong đó sữa tươi nguyên liệu từ trang trại chiếm 20%, còn lại 20% của các hộ nông dân).
Với kế hoạch phát triển các trang trại mới, công ty sẽ đưa tổng số đàn bò từ các trang trại và nông hộ lên khoảng 100.000 con vào năm 2017 và khoảng 120.000 đến 140.000 con vào năm 2020. Sản lượng nguyên liệu sữa dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn gấp đôi, khoảng 1.000-1.200 tấn một ngày, đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu sữa thuần khiết phục vụ nhu cầu trong nước và cả xuất khẩu.
Trại bò của bà Thái Hương – bà chủ “đế chế” sữa tươi TH True Milk
Trước khi bầu Đức mạnh mồm tuyên bố 236.000 con bò thì trại bò của Tập đoàn TH True Milk là có tiếng tăm hơn cả.
Ông Tăng Xuân Lưu, Phó GĐ trung tâm nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba vì từng cho rằng: Nếu xét về quy mô tập trung, trang trại bò sữa của TH Milk với tổng diện tích 37.000 ha có thể coi là không có đối thủ về chăn nuôi cạnh tranh.
Hiện tại, đàn bò của TH True Milk có gần 40.000 con được nuôi trong trang trại có quy mô lớn nhất Đông Nam Á với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD và tổng diện tích 37.000 ha. Dự kiến đến năm 2017, tổng đàn bò sẽ lên đến 137.000 con.
Trang trại bò sữa "đình đám" của bà Thái Hương
Được biết, theo lộ trình, đến năm 2020, quy mô đàn bò sữa nuôi tập trung của TH sẽ lên đến 203.000 con. Đây được cho là một trong những con số kỷ lục mới của thế giới.
Tuy vậy với tuyên bố của bầu Đức, thì cả nữ hoàng sữa Thái Hương và Mai Kiều Liên dường như đều “dưới chiếu” bầu Đức 1 bậc.
Theo tính toán ban đầu, dự án 6.300 tỷ tại Lào của ông Đức sẽ nuôi tổng cộng 236.000 con bò, trong đó 116.000 bò thịt và 120.000 bò sữa, hoàn thành vào năm 2017. Với con số này, lượng bò sữa mà HAGL sở hữu năm 2017 tương đương với gần 40% tổng số bò sữa trong nước.
Ông Đức từng bình phẩm: “Bò Việt Nam nuôi mỗi ngày vắt 15 lít sữa (một con), bò chị Hương TH Milk nuôi vắt được 25 lít, còn Israel họ nuôi bò cho 45 lít sữa”. Như vậy, với những kĩ thuật chăn nuôi bò học hỏi từ công nghệ của Israel, nếu thực hành suôn sẻ, 120.000 con bò sữa mà ông Đức sở hữu năm 2017 có thể cho lượng sữa tương đương đàn bò trong nước (trong khi số lượng gần gấp 3).
Nam Nam