Tin mới

ssv

Thứ bảy, 08/02/2014, 10:29 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Hàng năm cứ vào ngày mồng 3/1 đến mồng 6/1 âm lịch, hàng nghìn du khách tấp nập đổ về chùa Phật Tích (Tiên Du- Bắc Ninh) để dự lễ hội khai xuân cầu may đầu năm.

Chùa Phật Tích tọa lạc ở sườn phía Nam núi Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tính Bắc Ninh. Đây là một trong những nơi được coi là cái nôi của đạo Phật Việt Nam.

Theo tài liệu cổ thì chùa Phật Tích được khởi dựng vào năm Thái Bình thứ 4 (1057) với nhiều tòa ngang dãy dọc. Chùa được xây dựng vào thời nhà Lý nhưng ngôi chùa vào thời Lý Hiện nay không còn nữa, nó đã được phá đi xây dựng mới 

Năm 1066, vua Lý Thánh Tông lại cho xây dựng một cây tháp cao. Sau khi tháp đổ mới lộ ra ở trong đó bức tượng Phật A-di-đà bằng đá xanh nguyên khối được dát ngoài bằng vàng. Trong gian chính của chùa vẫn đang thờ tượng phật A Di Đà bằng đá xanh có từ năm 1057. Đây là bức tượng độc đáo, mang ảnh hưởng của trường phái nghệ thuật Giupta (Ấn Độ)

Để ghi nhận sự xuất hiện kỳ diệu của bức tượng này, xóm Hỏa Kê (gà lửa) cạnh chùa đổi tên thành thôn Phật Tích (dấu tích của Phật).. Năm 1071, vua Lý Thánh Tông đi du ngoạn khắp vùng Phật Tích và viết chữ "Phật" dài tới 5 m, sai khắc vào đá đặt trên sườn núi. Bà Nguyên phi Ỷ Lan có đóng góp quan trọng trong buổi đầu xây dựng chùa Phật Tích 

Vào thời nhà Lê, năm Chính Hòa thứ bảy đời vua Lê Hy Tông, năm 1686, chùa được xây dựng lại với quy mô rất lớn, có giá trị nghệ thuật cao và đổi tên là Vạn Phúc tự. Người có công trong việc xây dựng này là Bà Chúa Trần Ngọc Am - đệ nhất cung tần của Chúa Thanh Đô Vương Trịnh Tráng, khi Bà đã rời phủ Chúa về tu ở chùa này

Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ và chùa bị tàn phá nhiều. Chùa đã bị quân đội Pháp đốt cháy hoàn toàn vào năm 1947. Khi hòa bình lập lại (1954) đến nay, chùa Phật Tích được khôi phục dần. Năm 1959, Bộ Văn hóa cho tái tạo lại 3 gian chùa nhỏ làm nơi đặt pho tượng A-di-đà bằng đá quý giá. Tháng 4 năm 1962, nhà nước công nhận chùa Phật Tích là di tích lịch sử - văn hoá.

Chùa Phật Tích còn nổi tiếng trong dân gian với lễ hội “Khán hoa mẫu đơn” (tức Hội xem hoa mẫu đơn) với thiên tình sử “Từ Thức gặp tiên”. Huyền thoại kể rằng: Xưa kia, vùng núi Phật Tích và vườn chùa Phật Tích trồng bạt ngàn hoa mẫu đơn.

Hàng năm, xuân về hoa mẫu đơn nở đỏ rực cả một góc trời. Chùa Phật Tích mở hội đầu năm vào mồng 4 tháng Giêng để đón năm mới, lễ Phật, cầu may. Từ muôn nơi người người đổ về đây trảy hội ngắm hoa vãn cảnh chùa. Trên trời, nàng tiên Giáng Hương thấy cảnh trần gian tuyệt đẹp, đã xin giáng trần dự hội chùa. Nhưng vô tình nàng Giáng Hương đánh gãy một cành hoa mẫu đơn giữa cửa chùa, nên bị chú tiểu giữ lại. Chàng Từ Thức bèn cởi áo khoác xin chuộc tội cho nàng. Cảm động với nghĩa cử cao đẹp của chàng trai hào hoa phong nhã, nàng Giáng Hương đã ngỏ lời hò hẹn với chàng và đã mời chàng về chốn “bồng lai” xin kết duyên vợ chồng. Và từ đó câu chuyện tình thơ mộng “Từ Thức gặp tiên” đã sống mãi với lễ hội Khán hoa mẫu đơn của chùa Phật Tích.

Mỗi khi tết đến xuân về người người lại nô nức rủ nhau về chùa Phật Tích trảy hội. Lễ hội Khán hoa mẫu đơn diễn ra tưng bừng nhộn nhịp, trước cửa chùa Quan viên chức sắc hai hàng đón tiếp khách, trong chùa thì sư vãi tụng kinh lễ Phật, ngoài sân chùa bạt ngàn hoa mẫu đơn và người đến xem hoa.

Hội Khán hoa mẫu đơn có từ hàng nghìn năm gắn liền với ngôi chùa Phật Tích có bề dày lịch sử và chiều sâu tâm linh, nơi khởi nguồn của Phật giáo Việt Nam. Lễ hội là hình ảnh thu nhỏ đời sống văn hóa người Việt Nam nói chung và con người Bắc Ninh nói riêng. Mặc dù ngày mùng 4 Tết mới là chính hội nhưng năm nào cũng vậy từ mùng 1 Tết, mỗi ngày hàng nghìn du khách thập phương tấp nập đến dâng hương, cầu phúc chen chật các lối lên chùa.Bắc Ninh tưng bừng lễ hội chùa Phật Tích

Lễ hội năm nay diễn ra trong 3 ngày, từ mùng 2 đến 4/2 (mồng 3/1 đến 5/1 âm lịch) với các chương trình giao lưu nghệ thuật độc đáo như: Biểu diễn Quan họ của các liền anh, liền chị đến từ đội văn nghệ địa phương, chương trình nghệ thuật của đoàn Chèo Trung ương. 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news