Gần đây có nhiều tranh luận xung quanh thông tin liệu pháo phản lực H6 hay pháo Kachiusa có tham chiến trong trận đấu lịch sử Điện Biên Phủ tháng 5/1954 hay không? Và thực sự những loại pháo nào đã góp phần giúp quân đội ta làm nên chiến thắng lừng lẫy này?
Hỏa lực chủ yếu của pháo binh Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ là những khẩu trọng pháo 105 mm, đây là chiến lợi phẩm hoặc do bạn viện trợ, nhưng về nguồn gốc đều do Mỹ chế tạo, giống những khẩu pháo 105 mm của Pháp. Như vậy, về tính năng kỹ chiến thuật là không khác biệt. Bí quyết của vấn đề nằm ở nghệ thuật sử dụng pháo binh: hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung. Theo đó,các khẩu đội pháo của ta tuy bố trí rải rác, không tập trung theo kiểu cổ điển nhưng trong các trận đánh then chốt đều huy động để tạo ra mật độ hỏa lực lớn nhất có thể. Ví dụ điển hình là cách hiệp đồng pháo binh trong trận đồi Độc Lập.
Cùng với lựu pháo 105 mm, trong chiến dịch Điện Biên Phủ ghi dấu lần đầu tiên một binh chủng mới của Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia hiệp đồng tác chiến. Đó là pháo cao xạ 37 mm. Trong khi các khẩu đội pháo 105 mm được bố trí trên các vách núi cao, có hầm kiên cố che chắn thì các khẩu đội pháo 37 mm buộc phải phơi mình giữa địa hình bẳng phẳng. Đây là đặc điểm khá rủi ro nhưng sự xuất hiện của những khẩu pháo cao xạ 37mm phối hợp cùng súng máy phòng không đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng.
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên lựu pháo 105 mm và pháo cao xạ 37 mm thì quân ta liệu có thể có được chiến thắng vẻ vang như vậy hay không. Gần đây, nhiều luồng thông tin cho rằng pháo Kachiusa do Liên Xô viện trợ cho Việt Nam vào thời điểm đó mới là vũ khí chủ lực của trận đấu.
Sử gia Moscow, Anatoly Sokolov, cho biết trên Đài tiếng nói nước Nga: “Cho đến chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5/1954, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhận được từ Liên Xô tổng cộng 76 khẩu pháo, một số lượng lớn súng trường Kalashnikov và 685 xe tải. Khi đó, 12 khẩu pháo Kachiusa do Liên Xô viện trợ đã góp phần quyết định số phận của trận Điện Biên Phủ”.
Vậy trên thực tế phải hiểu vấn đề này như thế nào. Pháo Kachiusa mà sử gia Anatoly Sokolov nhắc tới ở trên là một danh từ chung chỉ pháo phản lực phóng loạt nhưng nếu dùng như một danh từ riêng thì đó chính là pháo phản lực phóng loạt BM-13 dùng trong Chiến tranh thế giới thứ II. Tuy nhiên, theo các nhân chứng lịch sử là những cựu binh từng đánh trận Điện Biên Phủ, đó lại không phải là loại pháo góp mặt trong đội hình của quân đội Việt Nam khi đó.
Các loại pháo sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Nguồn: Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam
Giai đoạn 1 của chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta giành được những thắng lợi ròn rã. Pháo binh đã tỏ rõ ưu thế trên chiến trường. Thế nhưng bước sang giai đoạn 2, diễn biến không thuận lợi, đặc biệt là cuộc chiến trên đồi A1, thuộc cụm cứ điểm Eliane.
Đại tá Cao Sơn, Nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 224, Đại đoàn 351, nhớ lại: “Do tình hình chiến đấu bức xúc như thế cho nên mới thành lập tiểu đoàn ngay trong chiến dịch, tức là tiểu đoàn hỏa tiễn 6 nòng”.
Hỏa tiễn 6 nòng mà Đại tá Cao Sơn nhắc đến ở đây chính là pháo hỏa tiễn H-6. Đây là loại pháo phản lực phóng loạt, bắn theo nguyên lý phản lực, 6 nòng cỡ 102 mm bắn đạn nặng 20 kg. Đây là pháo nòng trơn nên có độ tản mát lớn, lại thêm tốc độ bắn rất nhanh nên phù hợp với nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực địch.
Tới đêm 6/5, ta bắt đầu đưa pháo H6 vào tham chiến. Như vậy, những dàn pháo hỏa tiễn H-6 đã bồi thêm chí mạng vào mọi ý định kháng cự của quân Pháp, đẩy nhanh sự sụp đổ của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Có thể tóm lại, pháo hỏa tiễn H-6, trọng pháo 105 mm, sơn pháo 75mm cũng những hỏa khí khác của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ dội sấm sét lên đầu thù, đánh bại ý chí xâm lược của thực dân đế quốc, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Theo Tuệ Minh (tổng hợp)/ Người đưa tin