Trong vụ án của “trùm” ma túy khét tiếng Vũ Ngọc Sơn, kẻ dùng súng nã đạn điên cuồng về phía công an khi bị truy bắt tại Hòa Bình, có một nhân vật khiến dư luận đặc biệt quan tâm, với vai trò môi giới hối lộ. Qua các kênh thu thập thông tin, PV báoĐời sống và Pháp luật đã khái quát được chân dung và con đường sa ngã của vị tiến sỹ luật, giảng viên đại học này.
Chân dung "trùm" ma túy Vũ Ngọc Sơn. |
"Dính án" vì muốn giúp... "chạy án"
Như tin đã đưa, từ ngày 6-19/1/2015, TAND tỉnh Hòa Bình mở phiên toà sơ thẩm xét xử “trùm” ma túy Vũ Ngọc Sơn (SN 1978, ở Tân Yên, Bắc Giang) cùng 34 bị cáo đồng phạm. Phiên tòa kết thúc, 8 bị cáo lĩnh án tử hình, trong đó có Vũ Ngọc Sơn.
Các bị cáo được đưa đến tòa trong phiên sơ thẩm xét xử Vũ Ngọc Sơn và đồng phạm. |
Đặc biệt, trong vụ án này, dư luận rất quan tâm đến vai trò của vị tiến sỹ luật bị truy tố về tội môi giới hối lộ. Đó là ông Nguyễn Thế Quyền (SN 1962, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội), giảng viên một trường đại học có tiếng ở Hà Nội. Vì lý do bị ốm nặng, ông này được tạm đình chỉ xét xử.
Sở dĩ ông Quyền "dính" vào vụ án này là bắt nguồn từ việc muốn "chạy tội" và xin lại tài sản bị cơ quan chức năng thu giữ của "nữ quái" Nguyễn Thị Thịnh (SN 1979, trú tại huyện Tân Yên, Bắc Giang).
Trong vụ án của Vũ Ngọc Sơn, "nữ quái" này được đánh giá là mắt xích quan trọng, chuyên phân phối "hàng trắng" cho các đối tượng trên địa bàn và một số tỉnh lân cận. Theo kết luận điều tra, Thịnh mua bán 56 bánh heroin. Trong đường dây ma tuý này, Nguyễn Thị Thịnh là đối tượng bị cơ quan chức năng tịch biên tài sản nhiều nhất, gồm 5,6 tỉ đồng và 2 chiếc xe ô tô.
Được biết, sau khi Thịnh bị bắt một thời gian, mẹ của thị là bà Bùi Thị G. (SN 1958) đã tìm nhiều cách "chạy án" cho con. Thời gian đó, Dương Ngô Sơn (SN 1966) đang làm thợ xây cho nhà bà G. nên vợ chồng bà có đặt vấn đề nhờ Ngô Sơn tìm người "chạy tội" cho Thịnh và xin lại các tài sản của Thịnh bị Công an Bắc Giang thu giữ.
Ngô Sơn nhận lời và nói với gia đình bà G., để làm được các việc theo đề nghị của gia đình, phải chi khoảng 3 tỉ đồng. Sau khi bàn bạc với người thân, bà G. đồng ý "lo việc" cho con gái với số tiền như trên.
Tiếp theo, Dương Ngô Sơn đã hẹn gặp Nguyễn Quang Nho là người cùng xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên, Bắc Giang để bàn bạc với Nho việc xin lại tài sản và "chạy tội" cho Thịnh. Lúc này, Nho khoe "có quen ông Nguyễn Thế Quyền là giáo sư, tiến sỹ, giảng viên đại học, nhiều khả năng "chạy tội" được cho Thịnh". Sau đó, Nho đưa Ngô Sơn lên Hà Nội gặp ông Quyền bàn bạc việc "lo lót" cho Thịnh, hai bên thống nhất, tổng chi phí "bôi trơn" hết khoảng 1 tỉ đồng.
Tuy nhiên, vị tiến sỹ luật cũng nói, trước mắt phải xin được 2 xe ô tô và tiền bị thu giữ, tiếp đó mới "lo" đến việc xin cho Thịnh được giảm án, do đó không nhất thiết phải đưa luôn 1 tỉ đồng. Trao đổi xong, ông Quyền gọi điện cho một lãnh đạo cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bắc Giang, đặt vấn đề nhờ ông này giúp xin lại tài sản cho Thịnh.
Về phần Dương Ngô Sơn, hắn vẫn báo lại với bà G. rằng, "lo việc" cho con gái bà phải mất tổng cộng 3 tỉ đồng. Vì vậy, hai ngày sau, Sơn đến nhà bà G. nhận trước 2,7 tỉ đồng, còn 300 triệu đồng, bà G. nói, giữ lại đến khi nào xong việc sẽ đưa nốt.
Sau đó, Nho bàn với Ngô Sơn phải chi trước cho tiến sỹ Quyền 600 triệu đồng và cả hai cùng lên Hà Nội "lo việc". Khi đến gần nhà ông Quyền, Ngô Sơn ở ngoài đường, còn Nho vào gặp và đưa tiền.
Cùng dắt nhau vào vòng xoáy tội lỗi!
Theo lời khai của ông Quyền tại cơ quan điều tra, nhận tiền của Nho xong, ông Quyền không kiểm đếm mà sáng hôm sau, ông mang gói tiền này, tự lái ô tô, một mình đến phòng làm việc của vị lãnh đạo cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bắc Giang, đưa gói tiền và nói "chi phí của gia đình Thịnh gửi anh". Ông này nhận gói tiền, bỏ vào ngăn tủ và bảo có việc phải đi, lát nữa sẽ cho "lính" của mình đến gặp ông Quyền.
Sau khi ông này đi sang Tỉnh ủy có việc, Hoàng Văn P. (SN 1961, giữ chức Phó trưởng phòng của một phòng thuộc cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bắc Giang) đã gặp ông Quyền để "giải quyết công việc".
Ông Quyền bày tỏ nguyện vọng của gia đình Thịnh rằng, trước mắt muốn xin lại 2 xe ô tô bị thu giữ. Vị Phó trưởng phòng - Hoàng Văn P. hứa sẽ giúp ông Quyền và bảo ông Quyền yên tâm, xe sẽ xin lại được. Tuy nhiên, mấy hôm sau, P. có gọi điện nói với ông Quyền rằng, phải lo thêm tiền.
Cũng theo lời khai của ông Quyền tại cơ quan điều tra, về việc này, ông Quyền có trao đổi lại với Nho và tiếp tục nhận được 400 triệu đồng của gia đình "nữ quái" Nguyễn Thị Thịnh. Số tiền trên, ông Quyền lại mang đến đưa cho vị lãnh đạo cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bắc Giang.
Vị này nhận tiền, cất vào ngăn tủ và bảo ông Quyền cứ yên tâm. Theo như tư vấn, ông Quyền đã làm hợp đồng mua bán xe ô tô với Thịnh để nhằm mục đích hợp thức hóa xe ô tô mà Công an Bắc Giang thu của Thịnh.
Việc làm này nhằm thể hiện rằng, ô tô bị thu giữ là ông Quyền đã mua của Thịnh trước khi Thịnh bị bắt, vì vậy, nó thuộc sở hữu của ông Quyền nên đề nghị cơ quan chức năng cho xin lại xe.
Sau đó, ông Quyền đưa hợp đồng giả này cho P. để làm "thủ tục". Ngoài ra, ông Quyền còn nhờ một người cháu họ tên K. đứng ra nhận số tiền của Thịnh bị Công an tỉnh Bắc Giang tạm giữ là của anh ta gửi chị gái Thịnh để nhờ mua đất. Sau đó, ông Quyền bố trí cho người cháu họ gặp Nho và chị gái Thịnh để thống nhất làm đơn đề nghị trình bày nguồn gốc số tiền 5,6 tỉ đồng mà Công an tỉnh Bắc Giang tạm giữ của Thịnh là của K. và chị gái Thịnh, đề nghị được xin lại.
Đến đầu tháng 9/2011, P. điện cho ông Quyền bảo lo thêm 30 triệu đồng để lấy chữ ký của Thịnh trong hợp đồng mua bán xe ô tô giữa Thịnh và ông Quyền, vì lúc này Thịnh đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang.
Một nguồn tin cho hay, cơ quan điều tra đã đấu tranh với vị lãnh đạo cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bắc Giang và ông này thừa nhận có việc ông Quyền đến gặp mình, nhờ xin ô tô của người nhà bị Công an Bắc Giang tạm giữ. Ông ta đã giới thiệu và giao cho cán bộ cấp dưới là P. đứng ra giải quyết giúp ông Quyền.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo cục Thi hành án Dân sự không thừa nhận việc nhận 1 tỉ đồng "chạy án" từ tiến sỹ Quyền. Đối với vị lãnh đạo cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bắc Giang, cơ quan điều tra cho rằng, chưa đủ cơ sở để xử lý hình sự. Việc này sẽ xem xét, làm rõ và đề nghị các cơ quan chức năng xử lý sau.
Riêng tiến sỹ Quyền, cáo trạng thể hiện, từ cuối tháng 7/2011 đến 9/2011, ông Quyền nhận tổng số 1,25 tỉ đồng để môi giới hối lộ. Dương Ngô Sơn, Trần Quang Nho và Hoàng Văn P. cũng đều phạm tội môi giới hối lộ.
Thất bại ý đồ "chạy án... cú đúp" Ngoài việc "chạy án" cho Thịnh, tiến sỹ Quyền còn "dính" đến việc "chạy án" cho một đối tượng khác trong vụ án này. Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, khoảng tháng 10/2011, P. có điện cho ông Quyền nói Triệu Văn Đời (SN 1982, trú tại Lạng Sơn) có liên quan đến việc của Thịnh và có thể "lo lót" để "cắt" được (nghĩa là không "dính" án). P. có nói với ông Quyền, ít nhất phải chi 250 triệu đồng cho phi vụ "chạy án" này. Sau đó, Đời có đưa cho mẹ của Thịnh 800 triệu đồng và bà này đưa lại cho Ngô Sơn số tiền trên để Ngô Sơn tìm cách móc nối với ông Quyền, "lo việc" cho Đời. Thực chất, Ngô Sơn và Nho đã "nâng giá chạy án" để trục lợi, bọn chúng cầm tiền và chỉ đưa cho ông Quyền 250 triệu đồng. Ông Quyền nói lại với P. rằng, gia đình Đời chỉ lo được 200 triệu đồng thì có được không và P. đồng ý. Sau đó, ông Quyền chuyển tiền cho P.. Đến cuối tháng 11/2011, P. gặp tiến sỹ Quyền, trả lại 200 triệu đồng và bảo không lo được cho Đời. Bản thân Đời cũng đã bị bắt và đưa ra xét xử. Cuộc truy bắt nghẹt thở ông trùm mua bán hơn 200 bánh heroin Theo tài liệu của cơ quan điều tra bộ Công an, ngày 15/6/2011, Vũ Ngọc Sơn lái xe ô tô Civic trên Quốc lộ 6A hướng Hoà Bình đi Hà Nội. Đến địa phận xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, Hoà Bình thì bị tổ công tác liên ngành ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra, Sơn bất ngờ tăng tốc bỏ chạy. Đến địa phận xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc, vì không thể đi tiếp nên Sơn đã lùi xe lao thẳng vào xe ô tô của tổ công tác và dùng súng bắn trả quyết liệt, sau đó ra khỏi xe bỏ chạy vào rừng trong đêm tối. Kiểm tra xe ô tô của Sơn, lực lượng liên ngành thu giữ 8 bánh heroin nên đã tăng cường nhiều lực lượng và phương tiện truy bắt. Quá trình bị truy đuổi Sơn dùng súng bắn trả làm đồng chí Bùi Văn Tuấn, cán bộ Công an tỉnh Hoà Bình bị thương. Sáng 16/6/2011, khi Sơn vào nhà người dân định xin nước uống thì bị bắt giữ. Sau thời gian tích cực điều tra, mở rộng vụ án, Cơ quan CSĐT đã có đầy đủ tài liệu, chứng cứ kết luận Vũ Ngọc Sơn cùng đồng bọn thực hiện hành vi mua bán trái phép tổng số 205 bánh, 4 cây, 3 chỉ heroin, 44 gói ma túy tổng hợp. Tài sản thu giữ của các bị can gồm: 9 xe ô tô các loại và hơn 7,3 tỉ đồng… |
Theo Chí Công/Đời sống & Pháp luật