Năm tháng đi qua, K-rể đã trở thành một phần máu thịt, một người con của thầy Cương. Với ngọn lửa yêu nghề, nhiệt tâm cống hiến cho giáo dục, thầy Cương cùng cả 32 thầy cô giáo trường Tiểu học bán trú Sơn Ba sẽ còn tiếp tục hành trình gieo con chữ, gieo hy vọng, gieo niềm tin và truyền cảm hứng cho mọi người.
Từ ngày mới sinh ra, em Đinh Văn K-rể (thôn Gò Da, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) đã mắc một hội chứng rất hiếm gặp là Seckel (người lùn, đầu chim). Căn bệnh lạ chỉ mới ghi nhận được 10 trường hợp trên thế giới khiến cậu bé dù đã 9 tuổi nhưng chỉ nặng chưa đầy 4 kg, cao vừa 60 cm.
Có lẽ cậu bé ấy sẽ chẳng được đến lớp, chẳng được vui chơi cùng bạn bè cho đến khi em gặp được thầy Đặng Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học bán trú Sơn Ba. Thầy gặp K-rể cách đây 5 năm trong 1 lần tới thôn Gò Da vận động học trò đến trường, từ đó thầy Cương và K-rể đã viết lên câu chuyện cổ tích tuyệt đẹp về tình thầy trò nơi rẻo cao.
Câu chuyện cổ tích của người thầy cùng cậu học trò mắc căn bệnh lạ
Năm 2012, thầy Đặng Văn Cương đến thôn Gò Da vận động trẻ em đến trường học tập. Tại đây, thầy phát hiện một cậu bé mắc chứng bệnh lạ, dáng người nhỏ thó được mẹ đặt gọn trong chiếc bị. Qua trò chuyện, thầy nói với gia đình cậu bé rằng hãy cứ nuôi đi, đến khi bé đủ tuổi đi học hãy đưa đến trường của thầy, nếu bé ở với thầy được một ngày thầy sẽ nuôi.
Câu chuyện cổ tích của thầy Cương và K-rể đã bắt đầu như thế. Và rồi 4 năm sau đó (vào năm 2016), K-rể đã được bố mẹ đưa đến Trường Tiểu học bán trú Sơn Ba cùng thầy Cương. Tại trường, K-rể được thầy dạy dỗ, chăm sóc, dạy cho em từng con chữ đến kỹ năng sinh hoạt.
Thầy Đặng Văn Cương - Ảnh chụp màn hình.
"Đến 2015, K-rể đã đủ tuổi đến trường, nhưng sau mấy lần vận động gia đình em vẫn e ngại, lo rằng em quá nhỏ không biết có học được không.
K-rể được biên chế vào lớp 1 nhưng trường hợp của em quá đặc biệt bởi em chưa nói được. Các bác sĩ cũng nói có thể em sẽ không học được vì nhiều bộ phận trên cơ thể em chưa phát triển đầy đủ, như răng của em không có, rất khó trong việc ăn uống hoặc em nhớ lúc này đấy nhưng về sau lại quên. Thế nhưng chúng tôi muốn em được tiếp cận với việc học tập, đồng thời giáo dục một số Kỹ năng sống thường ngày cho em, cho em có thể hòa nhập với cộng đồng" - thầy Cương nói về cậu học trò nhỏ.
Thầy Cương bón ăn cho cậu học trò nhỏ - Ảnh cắt từ clip.
Thầy Cương kể, vì K-rể dáng người đặc biệt nên mọi đồ dùng của em cũng đặc biệt, đồng phục của em phải đặt may theo số đo riêng. Chế độ ăn của em cũng được thầy cô trong trường chú ý hơn do em không có răng, đồ ăn phải nghiền nhỏ hơn.
Còn ngủ, K-rể được ưu tiên ngủ cùng thầy Cương để thầy tiện chăm sóc và dạy em nhiều kỹ năng trong việc sinh hoạt hàng ngày. Từ việc rửa tay, đến thay đồ, tắm gội, K-rể đều được thầy Cương hướng dẫn, giúp đỡ em thực hiện mỗi ngày.
Thầy Cương hướng dẫn cho K-rể những kỹ năng trong sinh hoạt thường ngày - Ảnh chụp màn hình.
Sự thay đổi của cậu bé sau vòng tay đùm bọc, chăm lo của người thầy
K-rể dù đã 9 tuổi nhưng vì căn bệnh của mình, hiện em đang theo học lớp Một tại Trường Tiểu học bán trú Sơn Ba. Với thầy Cương, trong 2 năm K-rể ở đây, sự tiến bộ của em thầy không đong đếm bằng học lực mà bằng sự hòa nhập cùng những kỹ năng sinh hoạt hàng ngày.
"Khi em mới xuống ban đầu, kỹ năng tự vệ sinh cá nhân em chưa có, bây giờ em đã biết tự đi vệ sinh. Hơn nữa khi xuống đây em rất nhút nhát, thấy đám đông là sợ sệt nhưng bây giờ đã biết hòa nhập cùng các bạn, các bạn đá bóng cũng ra tham gia cùng" - thầy Cương chia sẻ.
Sau 2 năm ở cùng thầy Cương, K-rể đã hòa nhập hơn cùng với bạn bè - Ảnh cắt từ clip.
Thầy Cương kể thêm, trong 2 năm K-rể ở cùng thầy, cuối tuần em không về nhà cùng gia đình thầy đều đưa em về nhà thầy cùng vợ con. Vợ và con của thầy Cương tiếp xúc nhiều với K-rể cũng rất quý mến em, đã từ lâu coi em như một người trong gia đình.
Thục Hạnh