Mặc dù ở chùa nhưng sư H. lại thường xuyên vướng vào nợ nần, và hầu như cũng không ai rõ sư vay tiền để dùng vào việc gì.
Liên quan tới cái chết của sư Thích Thanh H. (trụ trì chùa Q.M.) ở thôn Mạc Xá, xã Minh Tân (huyện Nam Sách, Hải Dương), nhiều nguồn tin cho hay, lúc còn sống, sư H. đã nợ tiền rất nhiều người. Và không chỉ vay nợ người dân địa phương ở Minh Tân mà có nhiều trường hợp chủ nợ ở Hà Nam, Hà Tây (cũ) đến tận chùa làm ầm ĩ, yêu cầu sư thanh toán tiền cho họ. Thậm chí, có người còn viết đơn đề nghị UBND xã đứng ra giải quyết.
Đối với một số người dân ở thôn Mạc Xá, do thường xuyên lui tới chùa nhang khói ngày tuần, ngày rằm nên họ là một trong những mối quen thân để sư H. mượn tiền.
Theo tìm hiểu, trước khi xảy ra vụ việc tự tử, sư H. có vay của bà Nhu - một nhà hương trong chùa Q.M. số tiền 5,5 triệu đồng. Đến ngày 2/7, sư H. gọi điện cho bà Nhu hỏi vay thêm 2 triệu đồng. Tuy nhiên, do bà Nhu cũng không còn đủ 2 triệu tiền mặt nên bà cho sư H. vay 1,5 triệu đồng.
Và theo thông tin bà Nhu cho biết, hai lần cho sư H. vay tiền, bà đều đưa qua khe cửa của cổng chùa chứ không gặp thầy ở phía trong. Lúc sư H. nhận tiền, cửa chùa vẫn khóa. Mặc dù cho sư vay tiền nhưng bản thân bà Nhu cũng chưa bao giờ hỏi tiền đó vay mượn để dùng vào việc gì.
Chùa Q.M. - nơi sư H. treo cổ tự tử (Ảnh: Vũ Đậu) |
Còn về phần sư H., sau khi cầm tiền, có hẹn bà Nhu là ngày 20 âm tháng này (tức ngày 5/7) quay lại chùa để sư trả nợ. Tuy nhiên, đến hẹn nhưng bà Nhu quên lịch nên chưa ra hỏi tiền sư H.. Đến hôm sau (6/7) thì xảy ra sự việc sư H. tự tử.
Ngoài bà Nhu, sư H. còn vay tiền nhiều nhà hương và người dân khác trong thôn Mạc Xá. Tuy nhiên, số tiền vay này không lớn và thường thì qua ngày tuần hay ngày rằm, sư đều trả họ đầy đủ.
Được biết, trước đó, vào năm 2013, sư H. có bị một chủ nợ đến tận chùa đòi tiền. Do số nợ quá lớn (100 triệu) trong khi sư H. chưa có khả năng trả nên hai bên lời qua tiếng lại, gây ầm ĩ cả khu. Chủ nợ cho biết, đó là tiền đóng cánh cửa nhà thờ tổ từ khi sư H. còn ở một chùa tận Hà Nam nhưng sư "dền dứ" mãi không thanh toán nên họ không còn cách nào khác. Một hộ dân sống gần cổng chùa thấy người lạ tới quấy quả chốn tôn nghiêm nên đã tìm cách đứng ra thu xếp vay tiền giúp sư trả nợ. Được biết, số tiền đó say này đã được trụ trì đã trả đủ cả gốc lẫn lãi cho người vay hộ.
Đến hôm xảy ra sự việc sư H. treo cổ tự tử trong phòng riêng thuộc khu nhà Tổ, bên cạnh những đồ vật trước đó đã được sư gói bọc cẩn thận và ghi rõ để lại cho từng người cụ thể, thì trong 7 tờ giấy nợ của sư, tờ giấy nào cũng ghi số nợ khủng, từ vài chục tới cả trăm triệu đồng. Và trong khi xuống điều tra hiện trường, cơ quan điều tra đã thu giữ số giấy này.
Một nhà hương trong chùa Q.M. đang kể về cái chết của sư H. (Ảnh: Vũ Đậu) |
Theo chia sẻ của Trưởng Công an xã Minh Tân, sư H. về trụ trì tại chùa Q.M. từ năm 2003. Thời điểm đó, chính quyền địa phương cũng đã đứng ra hoàn tất toàn bộ giấy tờ pháp lý để sư được đăng ký cư trú tại địa phương một cách thuận lợi. Tuy nhiên, trong suốt thời gian hơn 10 năm ở chùa Q.M., sư thường xuyên vắng mặt tại địa phương. Lần vắng mặt lâu nhất là gần 4 tháng. Tuy nhiên, cũng không ai biết trụ trì đi đâu và làm công việc gì. Và trong thời gian sư H. đi khỏi thôn Mạc Xá, toàn bộ công việc nhang khói của nhà chùa được giao phó lại cho các nhà hương.
"Cho đến thời điểm trước khi sư treo cổ tự tử, lực lượng chức năng còn tìm thấy trong phòng của sư có một cuốn sổ tạm trú tại phường Túc Uyên, Tp Thái Nguyên do một đồng chí Thượng tá Công an thành phố Thái Nguyên ký. Chính vì thế, ngoài địa chỉ Xã Minh Tân (Nam Sách, Hải Dương) và phường Túc Uyên (tp Thái Nguyên), cũng không ai rõ sư còn có giấy tờ lưu trú ở địa phương nào khác. Và do đó, chuyện sư thường xuyên vay mượn tiền nong, thường xuyên vắng mặt khỏi địa phương nhưng không có lịch trình cụ thể suốt hơn 10 năm qua đã luôn là một dấu hỏi lớn đối với người dân địa phương" - Trưởng Công an xã cho hay.
Vũ Đậu