Vụ Tai nạn giao thông đường sắt cầu Ghềnh vào tối ngày 6.2.2011 khiến 2 người chết và 26 người bị thương do các nhân viên gác chắn cầu Ghềnh thiếu trách nhiệm sau hơn 4 năm điều tra và làm rõ chiều 24.4 TAND TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đã tuyên án các bị cáo.
HĐXX tuyên Trần Văn Thời, Bùi Văn Thuấn, Nguyễn Văn Lương cùng bị phạt 5 năm 6 tháng tù; Trần Viết Hải bị phạt 3 năm tù, đều là nhân viên gác chắn cầu Ghềnh vì buộc tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Trần Minh Châu (tài xế taxi) bị truy tố về tội “Cản trở giao thông đường sắt” bị phạt 7 năm tù.
Hai lái tàu Nguyễn Văn Túy, Nguyễn Xuân Phú với tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt và Tô Quang Toán (nhân viên bảo trì đèn tín hiệu) tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đã được VKSND TP.Biên Hòa miễn truy cứu trách nhiệm hình sự do không còn gây nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, TAND TP.Biên Hòa cho biết, cần phải điều tra thêm để không bỏ lọt tội phạm.
Tòa cũng buộc bị cáo Châu và Cty TNHH MTV Quản lý Đường sắt Sài Gòn bồi thường số tiền thiệt hại cho các bị hại với tổng số tiền là hơn 1.7tỷ đồng. Trong đó Cty TNHH MTV Quản lý Đường sắt Sài Gòn phải bồi thường hơn là 1.4 tỷ đồng, còn lại bị cáo Châu phải bồi thường là hơn 356 triệu đồng.
Video Đài truyền hình Đồng Nai đưa tin về vụ tai nạn thảm khốc cầu Ghềnh ngày 6.2.2011:
Theo cáo trạng, từ 14h đến 22h ngày 6/2/2011, Thuấn, Thời có nhiệm vụ trực tại chắn số 4; Lương, Hải trực tại chắn số 3 (khu vực cầu cầu Ghềnh, TP Biên Hòa).
Tuy nhiên, khoảng 19h10’, Thời tự ý bỏ gác đầu cầu để đi ăn tối, mặc cho các phương tiện tự do đi vào cầu Ghềnh, là cầu dùng chung cho cả phương tiện đường bộ và đường sắt.
Đến 19h18’, Thời nhận được điện thoại từ tàu SE2 xin đường, dù lúc đó tàu sắp đến nhưng Thời vẫn ngồi ăn cháo trong trạm mà không đi thực hiện nhiệm vụ là ra đầu cầu hạ chắn xuống. Sau đó Lương quan sát phía đầu chắn số 4 không có xe ôtô đi vào nên giơ đèn xách tay để báo ở phía bên đó không cho xe vào cầu ở phía số 3 (phía chắn số 3 do Lương, Hải trực). Lúc này, dù không nhận được tín hiệu từ phía bên kia nhưng Lương vẫn cho xe ôtô đi vào lòng cầu. Được khoảng hơn 50m những xe này bị tắc lại giữa cầu do đoàn xe khác cũng đi vào, ở chiều ngược lại.
Lúc này những nhân viên gác chắn mới đi kéo chắn phụ, đặt đèn báo động phụ và hô to là tàu sắp đến, yêu cầu các xe cuối đoàn nhanh chóng lùi khỏi cầu để tránh tai nạn. Tuy nhiên, một lái xe tên Châu điều khiển chiếc xe đi gần cuối đoàn cãi lại và không chịu lùi. Khi người này chịu điều khiển lùi xe thì tàu SE2 lao đến, gây nên tai nạn thảm khốc khiến 2 người chết và 26 người bị thương cùng nhiều phương tiện bị hư hại.
Đối với lái tàu và phụ lái, mặc dù không nhận được tín hiệu an toàn nhưng hai người này vẫn cho tàu chạy vào cầu. Các nhân viên bảo trì đèn tín hiệu thì phải chịu trách nhiệm về việc không sửa chữa những đèn tín hiệu đã bị hư hỏng.
Tại phiên tòa HĐXX cũng nhận định nguyên nhân tai nạn là lỗi hỗn hợp.
Qua hơn 4 năm xảy ra vụ tai nạn trả hồ sơ điều tra nhiều lần nhưng cơ quan điều tra vẫn chưa thể xác định được tình trạng cụ thể của đèn tín hiệu phòng vệ, đèn báo trước trong lúc tàu vào cầu Ghềnh. Do đó HĐXX vẫn tiếp tục đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục điều tra để tránh bỏ lọt tội phạm.
Trước đó ngày 27/8/2015, phiên tòa sơ thẩm đã phải tạm hoãn vì HĐXX cho rằng do thiếu một số nhân chứng, nên buộc phải hoãn.
P/V