Trong nhiều trường hợp, không ít người đã sử dụng từ "vô cảm" để cáo buộc người khác một cách rất nhanh chóng trong khi bản thân lại chưa tường tận vấn đề.
Vừa qua, khi một số vụ việc liên quan tới bạo lực học đường, Tai nạn giao thông, sự cố y tế... được đăng tải trên các trang tin, báo mạng điện tử, mạng xã hội, không ít người đã sử dụng hai chữ "vô cảm" để lên án thái độ những người trực tiếp chứng kiến vụ việc vì đã không tham gia hỗ trợ cứu người bị nạn cũng như cấp cứu kịp thời nạn nhân. Và các độc giả đã sử dụng "bàn phím" như một công cụ hữu ích để thông qua đó, đưa ra những lời lẽ đanh thép, những cáo buộc mạnh mẽ, những phê phán thuộc phạm trù đạo đức để cùng lên án những lối hành xử được cho là "thiếu" tình người.
Trên thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ việc mà trong đó, những người có mặt tại hiện trường đã không thể hiện bất cứ một "vai trò" nào. Đó là việc thấy người bị đánh hội đồng mà không can ngăn, không báo cáo cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; thản nhiên đứng nhìn kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu, chứng kiến chuyện người khác bị làm nhục với một thái độ thờ ơ, dửng dưng, không có động thái can thiệp... Hay như trường hợp bệnh nhân vào viện cấp cứu, mặc dù tình trạng bệnh đã vào ngưỡng "thập tử nhất sinh" nhưng vẫn không được đội ngũ y bác sỹ tiến hành cứu chữa kịp thời vì còn đợi... hoàn tất các thủ tục, giấy tờ. Và đến lúc xong khâu thủ tục thì mạng người đã không còn nữa.
Sau khi xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, không ít người đã sử dụng từ "vô cảm" để cáo buộc người khác một cách rất nhanh chóng. |
Với những tình huống trên, nếu dùng khái niệm "vô cảm" để ám chỉ thái độ hành xử của một bộ phận người có vẻ khá hợp tình. Tuy nhiên, khái niệm này dường như đang bị lạm dụng một cách có phần tùy tiện. Điển hình qua một số vụ việc gây xôn xao dư luận thời gian qua như: vụ tai nạn xe Camry khiến 3 người chết ở Long Biên (Hà Nội), nữ sinh lớp 10 bị cưa chân ở Đắk Lắk..., những chia sẻ của độc giả đã liên tiếp lên án thái độ "vô cảm" của người khác một cách mạnh mẽ.
Thế nhưng, trước khi lên án, cáo buộc lối hành xử của người khác là thiếu tình người, phi nhân văn..., bản thân mỗi độc giả hãy thử một lần đặt bản thân mình vào vị trí của họ, để biết được rằng trong giây phút đó, bối cảnh đó, bản thân mình sẽ lựa chọn cách hành xử ra sao.
Trong vụ tai nạn xe Camry, hàng ngàn dòng bình luận lên án sự thờ ơ của người đi đường vì không tham gia hỗ trợ, đưa nạn nhân tới bệnh viện kịp thời trong bối cảnh sự sống của nạn nhân vẫn còn một chút cơ may cứu vãn. Thế nhưng, thực tế thời gian qua đã chứng minh một điều, "làm người tốt ở ngoài đường" thực sự không phải là chuyện dễ dàng. Bởi vô vàn những rắc rối, phiền toái liên quan đã khiến người ta phân vân và quyết định không muốn liên quan tới câu chuyện của người khác. Họ có những nỗi sợ rất chính đáng: sợ mình vô tình sẽ trở thành "nạn nhân" theo những tình huống vô cùng bất đắc dĩ, sợ phải đối mặt với nhiều ẩn họa phát sinh... Sẵn lòng làm việc tốt, có lẽ không ai lại mong nhận được sự trả ơn nhưng cũng không ai muốn nhận về phiền phức. Cho nên, xét về mặt đạo đức, việc người ta không cứu giúp người có thể là đáng trách, nhưng xét về mặt xã hội, đó lại là sự cân nhắc rất đỗi thường tình.
Và không chỉ vì muốn tránh xa rắc rối, trường hợp từ chối cứu người bị nạn đôi khi còn vì những lý do chính đáng khác. Cụ thể, nếu không có hiểu biết và kinh nghiệm về sơ cấp cứu, thì đôi khi, chỉ một sự bất cẩn nho nhỏ cũng vô tình khiến nạn nhân nguy kịch hơn, cận kề với cái chết nhanh hơn. Vì thế, với một người bình thường, không biết cách đánh giá chấn thương dẫn tới sơ cứu sai có thể khiến tình trạng của nạn nhân càng trở nên tồi tệ. Vậy nên, trong tình huống này, việc người đi đường không tham gia sơ cứu nạn nhân lại là điều hợp lý.
Tương tự những cáo buộc đạo đức liên quan tới vụ tai nạn trên thì việc lên án thái độ "vô cảm" dành cho đội ngũ y bác sỹ trong vụ nữ sinh bị cưa chân dường như cũng bị đặt nhầm chỗ. Vì thực tế, vụ việc đáng tiếc xảy ra với nữ sinh là hệ quả của việc bác sỹ tiên lượng, chẩn đoán sai tình trạng bệnh dẫn tới cách trị liệu sai. Trong trường hợp này, chính trình độ chuyên môn "có vấn đề" của y bác sỹ là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với nữ sinh. Do đó, nếu độc giả dùng từ "vô cảm" để chỉ cách hành xử của bác sỹ với bệnh nhân trong trường hợp này thì có phần thiếu chính xác.
Vũ Đậu