Từ đầu năm 2014 đến nay, hiện tượng rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ở nhiều tỉnh thành của nước ta một cách bất thường, thậm chí người dân còn liên tục bị loài rắn này cắn đã gây hoang mang trong dư luận.
Thậm chí, dư luận còn đồn thổi thông tin có “kẻ gian” cố tình thả loài rắn này ra khu vực dân cư với mục đích xấu. Tuy nhiên đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa phát hiện trường hợp nào theo như lời đồn đoán của người dân.
Theo TS Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, muốn biết vì sao rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều, phải có các nghiên cứu cụ thể. Tuy nhiên, có thể giả thuyết, nguồn thức ăn dồi dào hơn và sinh cảnh sống phù hợp đã kích thích sự phát triển của rắn lục, đặc biệt là ở các khu dân cư ven rừng.
Rắn lục đuôi đỏ đang gây hoang mang cho người dân.
Còn GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam trả lời trên tờ Tiền phong phân tích, rắn lục đuôi đỏ vốn sống chủ yếu trong rừng nay xuất hiện nhiều ở các khu dân cư có thể do nhiều nguyên nhân. Theo GS Đặng Huy Huỳnh, rắn là loài biến nhiệt, nhiệt độ tăng có thể làm tăng số lượng rắn. Điều này phù hợp với việc loài rắn đuôi đỏ xuất hiện nhiều ở các tỉnh phía Nam. Ngoài ra, vùng rừng vốn là nơi sống của rắn lục đuôi đỏ, nay bị chặt phá, rắn mất môi trường sống nên di chuyển về hang hốc, bụi cây gần khu dân cư.
Video: Cận cảnh rắn lục đuôi đỏ sinh 12 con cùng lúc
Tuy nhiên, các điều kiện trên đều khiến gia tăng số lượng các loài rắn khác, tại sao chỉ có rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều? Theo GS Huỳnh, loài này sinh sản khá nhiều, chúng đẻ con chứ không đẻ trứng như nhiều loài rắn khác, mỗi lần đẻ 4-14 con. Các loài thiên địch của chúng trong môi trường như cầy, cáo, mèo giảm đi khá nhiều do nạn săn bắt cũng làm gia tăng số lượng rắn.
Tuy nhiên, rắn lục đuôi đỏ thường sinh con vào tháng 6-7, chứ không phải mùa này. Ngoài ra, rắn lục đuôi đỏ không phải là loài có giá trị kinh tế như nhiều loài khác. Thịt rắn hôi nên không được sử dụng làm thức ăn, ngâm rượu thuốc, nên chúng càng có cơ hội phát triển.
Về biện pháp phòng ngừa, cách sơ cứu khi bị rắn lục cắn, TS Nguyễn Quảng Trường cho biết, nọc độc của rắn lục không tác động lên hệ thần kinh, mà thường tác động lên hệ tuần hoàn, gây rối loạn đông máu, sưng nề hoặc hoại tử. Điều đáng ngại là một con rắn chết, thậm chí đầu rắn bị cắt rời vẫn có thể cắn và phóng nọc độc theo phản xạ cho đến 90 phút sau khi nó chết.
Khi bị rắn cắn, cần hạn chế vận động để tránh làm tăng nhanh quá trình tác động của nọc đến các phần khác của cơ thể, không nên rạch vết thương vì có thể làm mất máu cấp. Không nên ga-rô bằng dây cao su, vì dễ gây hoại tử do thiếu máu cung cấp đến phần cơ thể phía dưới ga-rô. Cũng không nên đắp các loại thuốc không rõ nguồn gốc, không rõ tác dụng vì có thể gây nhiễm trùng. Cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Nếu có thể, bắt con rắn cắn người đến bệnh viện để bác sĩ xác định đúng chủng loại huyết thanh cần sử dụng.
Trước hiện tượng rắn lục gâu hoang mang dư luận, các chuyên gia kiến nghị, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, làm rõ số rắn lục đuôi đỏ tăng bao nhiêu, vì sao lại tăng, biện pháp phòng chống hiệu quả nhất… để không ảnh hưởng tới đời sống người dân.
Mới đây, Cục Quản lý Khám chữa bệnh ( Bộ Y tế) cho biết, Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế - Số 9 Pasteur Nha Trang (IVAC) đã sản xuất được huyết thanh kháng độc nọc rắn lục đuôi đỏ là niềm hi vọng cực lớn cho những người dân đang sống trong nơm nớp lo sợ bị rắn cắn.
T.Phong (tổng hợp)