(Tinmoi.vn) Nhiều người cảm phục và dùng từ “anh hùng” để nói về hành động của người lái xe quả cảm khi lao xe vào vách núi, chấp nhận hi sinh thân mình để mong giảm tối đa thiệt hại cho hàng chục hành khách trên xe.
Sáng 5/8, chiếc xe biển TP.HCM chở 40 hành khách trên đường từ Nha Trang đi Đà Lạt đã bất ngờ đâm vào vách núi. Vụ tai nạn khiến 3 người chết tại chỗ, 37 người bị thương.
Cụ thể vụ việc, khoảng 10h ngày 5/8, khi đến khu vực đường cong thuộc địa bàn xã Đạ Chair, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, chiếc xe khách trên được cho là bị mất lái, đâm thẳng vào vách núi sau khi đã ủi bay ta luy đường.
Phần đầu xe ủi sâu vào vách đá, nửa bên phải của xe biến dạng hoàn toàn, kẹp cứng tài xế Phan Thanh Long và một người đàn ông. Cùng tử vong tại chỗ còn có một người phụ nữ. Trong số 37 hành khách còn lại có rất nhiều người bị thương nặng.
Là một trong số hàng chục nạn nhân của chiếc xe khách đâm vào vách núi, ông Nguyễn Văn Tám (53 tuổi) cho biết, khi chiếc xe có dấu hiệu mất thắng, tài xế Phan Thanh Long vẫn bình tĩnh cầm lái. Lúc mọi người la hét hoảng loạn là đến đoạn đường khá dốc. Chiếc ô tô cứ phóng vun vút, lảo đảo trên con đường quanh co một bên là vực, bên kia là núi.
"Ông Long hét lớn bảo mọi người bình tĩnh để ông cho xe va vào vách núi. Hậu quả tai nạn thật đáng tiếc nhưng chúng tôi không trách ông ấy. Tôi nghĩ đó là cách duy nhất ông ấy có thể làm để dừng chiếc xe, hạn chế thiệt hại cho mọi người", ông Tám nói.
Hành động lao xe vào vách núi, chấp nhận hi sinh thân mình để mong giảm thiệt hại tối đa cho hàng chục hành khách trên xe của tài xế quả cảm Phan Thanh Long đã khiến nhiều người cảm phục.
Hành động anh hùng của người lái xe quả cảm
Độc giả Hoàng Thi chia buồn: “Xin chia buồn với các nạn nhân và thật khâm phục cách xử trí tình huống của tài xế Long, dám chấp nhận cái chết để cứu nhiều người!”.
“Gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình bác tài xế quả cảm, anh hùng! Sống như bác Phan Thanh Long là tấm gương sáng cho tất cả mọi người! Cháu xin được thắp nén tâm nhanh mong cho linh hồn bác siêu thoát!”, bạn đọc Mai Xuân Vinh nghẹn ngào.
Tài xế Long được cho là đã chủ động đâm vào vách núi để tránh xe lao xuống vực. Ảnh: Quốc Dũng/VNE.
Bên cạnh sự tiếc thương và chia buồn với những người gặp nạn, nhiều người cảm phục và dùng từ “anh hùng” để nói về hành động của người lái xe quả cảm.
Độc giả Quỳnh Như viết: "Đọc xong mà nghẹn thắt ở cổ. Tôi nhớ hồi trước cũng có một vụ tương tự như thế này, tài xế lái xe cũng mất thắng sau đấy bảo mọi người bình tĩnh, rồi chú ấy cũng lao xe vào vách đá, phần bên cabin của chú ấy bị tông thẳng vào núi đá... Bây giờ tới lượt chú Long. Tôi đọc mà muốn khóc như họ là cha của mình vậy. Họ quả thật rất đáng được phong một chức danh là anh hùng. Cảm ơn các chú, các anh rất nhiều vì sự dũng cảm của mình”.
Những dòng tâm sự thể hiện sự cảm phục đối với tài xế Long của Quỳnh Như đã được hơn 10.000 người tán thành.
"Đời thường anh là người bình dị nhưng hành động của anh để cứu gần 40 người còn lại là hành động phi thường, gia đình và con cái anh sẽ rất tự hào về anh. Mong anh yên nghỉ và phù hộ cho những lái xe khác để mọi người cũng bình tĩnh xử lý tình huống. Một con người quả cảm Phan Thanh Long", độc giả Doi Chan chia sẻ.
Bạn Phạm Tạo viết: “Đạo đức của người lái xe được bộc lộ rõ ở đây. Chấp nhận hy sinh để cứu hàng chục người. Xin chắp tay kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của bác tài xế”.
Độc giả Trần Hiếu chia sẻ: "Tôi cũng là tài xế chuyên nghiệp và cũng từng trải qua tình huống này. Quả thật trong giây phút sinh tử không dễ gì bình tĩnh làm được như bác Long. Lúc đó, xe chạy nhanh rất khó hoặc không thể dồn về số thấp chứ chưa nói tới số lùi. Nếu ai hoảng loạn thì không làm được như bác đâu. Người lái xe đạo đức không thôi chưa đủ, cần phải có bản lĩnh nghề nghiệp nữa, ngã mũ kính phục bác Long".
“Một người tài xế có trách nhiệm và một trái tim quả cảm, đọc mà đau lòng! Một người tài xế anh hùng”, độc giả Ngo Kinh Quoc cho biết.
Bạn đọc Pha thì viết: “Những bác tài như vậy thật xứng đáng là anh hùng thời hiện đại. Chúc cho chú yên nghỉ nơi chín suối và chia buồn với gia đình”.
Những góp ý để các tai nạn tương tự không xảy ra
Nhiều độc giả cũng đưa ra góp ý để có thể hạn chế những vụ tai nạn thương tâm như trên xảy ra trong tương lai.
"Trên đường đèo dài thế này đáng lẽ ra phải có đường cứu nạn khẩn cấp như: Một con đường nhỏ, dốc đi lên, phía bên phải, cuối đường có một ụ cát để cản xe. Nếu xe mất phanh như trường hợp này có thể rẽ vào con đường đó và tự nó dừng lại mà không cần phanh, chắc chắn hậu quả không bao giờ lớn như thế này", độc giả Hoài Linh nói.
Độc giả Vincent Cali góp ý: "Tôi thấy ở những đoạn đèo tại Mỹ, họ thường treo biển cảnh báo "Tự kiểm tra thắng trước khi lên đèo" để nhắc nhở tài xế. Tôi nghĩ ở Việt Nam cũng cần có những bảng cảnh báo đó để tài xế nhớ kiểm tra thắng trước khi lên đèo hay đổ xuống dốc đèo".
"Đúng thế, ở bên Mỹ người ta còn bắt buộc các xe có trọng tải lớn phải chạy số thấp để kiềm tốc độ. Ngoài ra họ xây những đoạn thoát hiểm khi xe mất thắng. Đó là đoạn dốc đứng bên ăn vào vách núi, chiều dài đủ để hãm tốc độ xe đã quý định trên xa lộ. Như thế tài xế không phải đâm vào vách núi, đọc tin này mà thấy đau lòng quá", độc giả Tony đồng tình.
Bạn đọc Nguyễn Đình Lê cho rằng: "Giá mà các hãng sản xuất xe có thể nghiên cứu và chế tạo thêm một bộ phận phanh phụ được giấu cẩn thận và sẽ được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp như mất phanh chính thì bật nút chuyển phanh phụ. Sau đó xe dừng hẳn và khắc phục xong lỗi phanh chính thì phanh phụ mới tự trở về trạng thái giấu đi. Nếu nhà sản xuất thực hiện được điều này để phục vụ trường hợp khẩn thì hay biết mấy".
Duy Minh