Luật nghiên cứu, xây dựng 7 năm
Ngày 16/10/2019 tại Hà Nội, bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, rượu bia gây nhiều tác hại, tác hại trước mắt là vấn đề Tai nạn giao thông, tác động đến văn minh xã hội, Bạo lực gia đình, không ít trường hợp “rượu vào lời ra” gây xô xát, cãi nhau, nhức nhối nạn xâm hại nhất là xâm hại trẻ em. Đây cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư, tim mạch, các bệnh không lây nhiễm. Tại Việt Nam, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới hơn 70% tổng số các ca tử vong.
Toàn cảnh hội nghị.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, do những ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và gây ra các vấn đề xã hội nghiêm trọng nên rượu, bia là loại hàng hóa được hầu hết các quốc gia đưa vào kiểm soát chặt chẽ và không khuyến khích tiêu dùng. Tổ chức Y tế thế giới đã phê chuẩn Chiến lược toàn cầu nhằm giảm tác hại của việc sử dụng đồ uống có cồn vào năm 2010.
Tại Việt Nam, ngày 12/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 244/QĐ/TTg phê duyệt Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020.
Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Sau 7 năm nghiên cứu, xây dựng, ngày 14/6/2019, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (Luật PCTH của rượu, bia) đã được Quốc hội khóa XIV thông qua.
“Luật nghiên cứu, xây dựng phải 7 năm mới xong, nhiệm kỳ trước đã định đưa ra nhưng rất khó. Đây là luật khó làm vì tính xung đột lợi ích giữa sức khoẻ và kinh tế. Những người làm công tác chăm sóc bảo vệ sức khoẻ đã rất vất vả, nhiều lần căng thẳng. Cuối cùng, Quốc hội, bộ Y tế vẫn bảo vệ quyền, lợi ích của người dân, nên luật đã được Quốc hội ban hành.
Việc ban hành Luật PCTH của rượu, bia là một yêu cầu cấp thiết để phòng, chống các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm, phòng, chống tai nạn giao thông, bạo lực, tội phạm, góp phần hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
Đồng thời, góp phần thực hiện các giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới "Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá"; "Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hoá có hại cho sức khoẻ như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng" cũng như hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam cam kết với liên hợp quốc”, Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ.
Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng luật PCTH rượu, bia đã được ban hành là điều đáng mừng.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng bày tỏ tâm tư khi trình luật PCTH rượu, bia ra Quốc hội, phía ban soạn thảo (trong đó Bộ trưởng bộ Y tế làm trưởng ban soạn thảo- PV) cũng gặp áp lực rất lớn khi thảo luận ở hội trường, thảo luận tổ. Nhưng, theo Bộ trưởng, đến hôm nay luật PCTH rượu, bia đã được triển khai đây là điều đáng mừng.
Để luật đi vào cuộc sống, có hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ: “Để Luật đi vào thực tế cuộc sống đạt hiệu quả cao cần hạn chế sự sẵn có của rượu bia; kiểm soát quảng cáo rượu bia và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ở các sản phẩm có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu bia".
Bộ trưởng bộ Y tế cũng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Việt Nam có một đạo luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đồng thời, đây cũng là đạo luật khó do liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân. Vì vậy, để đạo luật này đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thì công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật là hết sức quan trọng.
Cần kiểm soát chặt chẽ quảng cáo rượu, bia
Phát biểu tại hội nghị, TS. Kidong Park, trưởng Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, việc ban hành Luật PCTH của rượu, bia là dấu mốc cực kỳ quan trọng trong kiểm soát một trong những yếu tố nguy cơ chính trong các bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam.
WHO cho biết, rượu bia đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và còn là nguyên nhân của nhiều bệnh không lây nhiễm nguy hiểm khác.
Kinh nghiệm triển khai chính sách phòng chống tác hại của rượu bia của một số quốc gia cho thấy cần kiểm soát chặt quảng cáo, tăng giá bán rượu bia, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, hạn chế sự sẵn có của rượu bia.
Để thực hiện điều này, TS. Kidong Park cho hay cần cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, phổ biến cho người dân về nội dung của Luật, thực thi nghiêm khắc các quy định của Luật,...
Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu bia ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu bia trong 30 ngày qua thì sau 5 năm, đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới. Đặc biệt, tình trạng sử dụng rượu, bia trong lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng diễn ra nghiêm trọng với tỷ lệ uống rượu, bia trong vị thành niên và thanh niên đã tăng gần 10% sau 5 năm. Tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại - tức là uống từ 6 đơn vị rượu trở lên trong một lần uống lên tới 44%. Hội nghị triển khai Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia nhằm giới thiệu nội dung cơ bản của luật, chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Luật, đặc biệt là các công việc mà các bộ ngành, cơ quan, địa phương cần phải làm và duy trì trong thời gian tới cũng như các kinh nghiệm quốc tế trong triển khai các luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đồng thời, đây cũng là dịp để các bộ, ngành, địa phương có thể trao đổi, giải đáp, chia sẻ thông tin và thảo luận để đề xuất được những giải pháp nhằm triển khai luật đạt hiệu quả cao nhất. Được biết, luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. |