Một tàu cá của ngư dân Bình Định bất ngờ bị tàu cảnh sát biển Trung Quốc lao đến, dùng vòi rồng xịt vào cabin, gây hư hỏng, thiệt hại nặng khi đang neo đậu trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo tin tức trên báo Pháp luật TP HCM, chiều 31/5, đại tá Trương Minh Cường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định, cho biết đã tiếp nhận thông tin vụ một tàu cá của ngư dân tỉnh này bị tàu cảnh sát biển Trung Quốc vô cớ tấn công.
Theo trình báo của ông La Văn Quen (43 tuổi, ngụ thôn Thiện Chánh, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định), lúc 7h ngày 27/5, khi tàu cá của ông đang neo đậu trên vùng biển có tại tọa độ15 độ vĩ bắc, 112 độ kinh đông thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bất ngờ bị một tàu mang số hiệu của cảnh sát biển Trung Quốc lao đến, dùng vòi rồng tấn công liên tiếp ba lần vào tàu cá.
Sau đó, tàu cảnh sát biển Trung Quốc bỏ đi. Lúc bị tấn công, trên tàu cá có sáu ngư dân, do ông Quen làm thuyền trưởng.
Tàu cá của ngư dân đánh bắt hải sản tại ngư trường Hoàng Sa. |
Vụ tấn công không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, toàn bộ thiết bị liên lạc, giàn câu, giàn đèn, mui tàu… đã bị hư hỏng nặng, thiệt hại ban đầu hơn 100 triệu đồng.
Sau khi bị tấn công, ông La Văn Quen điều khiển tàu cá về đất liền, hai ngày sau cập cảng Tam Quan, trình báo sự việc với Trạm Kiểm soát đồn biên phòng Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn.
Hiện ông Quen đã đề nghị các cơ quan chức năng can thiệp, yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại.
“Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định đã ghi nhận sự việc, báo cáo các cơ quan chức năng để đấu tranh về đường ngoại giao, yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm hại đến ngư dân Việt Nam", Đại tá Trương Minh Cường cho biết thêm.
Cùng đưa tin về vụ việc, trên báo Lao động dẫn lời ông Nguyễn Văn Lai - Bí thư Đảng ủy xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) cho biết chiều 30/5: sau khi bị tàu cảnh sát biển Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công, tàu cá BĐ 96680 - TS đã về cập cảng Tam Quan.
Theo ông Lai, ngày 27/5, tàu cá mang số hiệu BĐ 96680 - TS của ông La Văn Quen (43 tuổi, trú thôn Thiện Chánh, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) đang neo đậu tại tọa độ 12 độ vĩ Bắc, 115 độ kinh Đông (thuộc quần đảo Hoàng Sa) thì bất ngờ bị tàu cảnh sát biển Trung Quốc lao đến, dùng vòi rồng xịt vào cabin tàu cá, gây hư hỏng các thiết bị liên lạc, dàn đèn điện, bể mui và hư hỏng dàn câu. Thiệt hại ban đầu ước tính 100 triệu đồng. Sau khi dùng vòi rồng tấn công liên tục 3 lần, tàu cảnh sát biển Trung Quốc bỏ đi.
Trước đó, như tin tức đã đưa, ngày 16/5, chính quyền thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc ngang ngược ra thông báo “Phương án thực thi công tác quản lý mùa nghỉ đánh bắt trên biển của Thành phố Hải Khẩu năm 2015” trong đó cấm toàn bộ các hoạt động đánh bắt cá trên biển từ 12h00 ngày 16/5/2015 đến 12h00 ngày 1/8/2015 trong phạm vi vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giao giới của vùng biển tỉnh Quảng Đông với tỉnh Phúc Kiến (bao gồm vịnh Bắc Bộ).
Trả lời báo chí ngày 16/5 về phản ứng của Việt Nam trước động thái ngang ngược này của Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: "Chúng tôi kiên quyết phản đối quyết định vô giá trị này. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, phù hợp với các quy định trong Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982".
Cũng theo Người phát ngôn Lê Hải Bình: "Việc phía Trung Quốc ra thông báo phạm vi và thời gian nghỉ đánh bắt cá ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển của Việt Nam theo đúng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982".
Nói về lệnh cấm khai thác hải sản trên biển Đông của Trung Quốc, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết trên báo VTC News: "Chúng tôi kịch liệt lên án, phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của phía Trung Quốc vì lệnh cấm vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam.
Ngay sau khi nhận được thông tin này, Sở NN - PTNT đã tuyên truyền cho ngư dân Quảng Nam nắm bắt và xem đây tuyên bố phi lý, vô giá trị, các hoạt động đánh bắt trên ngư trường truyền thống vẫn diễn ra bình thường, nhất là đang vào vụ cá Nam. Đồng thời, chúng tôi cũng động viên ngư dân tiếp tục bám biển, giữ chủ quyền và thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng tỉnh”.
Tuy nhiên, cũng trao đổi trên báo này, Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng lo ngại, lệnh cấm này sẽ gây khó khăn rất nhiều đối với ngư dân do chi phí xăng dầu, phí tổn đang cao. Bên cạnh đó, lợi dụng lệnh này, tàu thuyền Trung Quốc càng làm tới, có thể tấn công, cướp trắng trợn thành quả của ngư dân Việt Nam.
Tuy vậy, ông Lĩnh cho rằng lợi thế của ngư dân ta là hành nghề hợp pháp trên vùng biển chủ quyền và có các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư bảo vệ.
H.M (tổng hợp)