Thả cá chép tiễn ông Công ông Táo từ xưa đã trở thành một tục lệ đẹp trong văn hóa người Việt, nhưng thả cá chép như thế nào cho phù hợp với Phong thủy và tâm linh lại là điều mà không phải ai cũng biết.
Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa Táo quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình.
Thả cá chép tiễn ông Công ông Táo đúng cách (hình minh họa)
Thả cá chép tiễn Táo quân về trời theo mong muốn cầu chúc về một năm mới tốt lành, vạn sự như ý, mọi nhà được ấm no. Chính vì thế mà phong tục này vẫn đang được phát huy và lưu truyền lại cho thế hệ sau này hiểu được về văn hóa dân tộc.
Ngoài ý nghĩa là “cá hóa long”, nghĩa là cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời, phong tục thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam.
Trong tâm thức người Việt, “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.
Dưới đây là một số lưu ý khi thả cá chép:
Chọn cá chép
Nên chọn những con cá chép sống khỏe mạnh. Khi mua nên quan sát tỉ mỉ xem cá chép mình định mua có thể sống sót hay không, đảm bảo cá có thể tiếp tục sinh tồn được trong một thời gian dài, tránh tình trạng cá chết khi thả. Cá chép khỏe mạnh là những con bơi nhanh, quẫy mạnh và không tróc vẩy.
Cá chép khỏe mạnh là những con bơi nhanh, quẫy mạnh và không tróc vẩy.
Thời gian thả cá
Theo quan niệm dân gian, cá chép nên thả trước giờ Ngọ (12 giờ trưa ngày 23/12) để Táo quân có đủ thời gian lên chầu trời.
Địa điểm thả cá
Trước khi phóng sinh, nên suy xét kĩ lưỡng môi trường nơi đó, ví dụ như nơi đó có thích hợp để cá chép sinh tồn hay không? Chất lượng nước thế nào? Có ô nhiễm không? Nước nông hay sâu? Nên chọn ao hồ nên rộng rãi, thoải mái và có cảnh quan đẹp để thả cá chép.
Cách thả cá
- Khi thả cá nên nhẹ nhàng và từ từ để tránh va chạm mạnh làm cá chết. Cũng không nên thả cả túi nilong, như vậy không gọi là phóng sinh, cá sẽ không có cơ hội sống, hơn nữa còn gây ô nhiễm môi trường.
Khi thả cá chép nên nhẹ nhàng và từ từ, tránh ném hoặc va đập mạnh làm cá chết.
- Tâm thái khi đi khi đi thả cá rất quan trọng, cần vui vẻ, thoải mái đi phóng sinh. Trong lúc thả cá cũng không cần phải cầu khấn gì cả, chỉ cần đơn giản nghĩ là mình đang đơn thuần cứu vớt chúng là được.
- Sau khi thả cá, nên lưu lại một chút xem cá đã bơi đi chưa, tránh tình trạng cá mắc kẹt hoặc lưu luyến chưa muốn rời đi.
Dã Quỳ (Tổng hợp)