Ngoài se duyên, giải bùa yểm, trừ tà ma…, “đồng” Thức còn biết điều khiển “cõi âm” để các cặp vợ chồng “cõi trần” hạnh phúc.
Thổi nước lã se duyên
Từ ngoài nhìn vào đã thấy rất đông tín đồ đến se duyên, “cưới âm”, hoặc xin nước giải bùa, chữa bệnh ở nhà “đồng” Thức. Trong căn nhà cấp bốn khoảng hơn 10m2 nồng nặc mùi khói nhang, phía trên điện thờ, một người đàn bà mặc áo đỏ ngồi tựa lưng trên chiếc ghế đẩu, đang phán những câu gì đó bằng tiếng Mường khiến người ở dưới chắp tay vái lạy.
Nhà “đồng” Thức chật ních người đến vái lạy, xin se duyên, trừ tà… |
Một bà khách khoảng 50 tuổi đang ngồi khấn vái chờ đến lượt, quay sang người bên cạnh bắt chuyện: “Đây là bà chúa sơn lâm, giỏi lắm! Nghe đâu bà là thánh ở trên trời nhập vào để làm phúc cứu dân. Biết bà cao tay nên hôm nay tôi đưa con gái đến để làm phép se duyên, nó đã gần 30 tuổi mà vẫn chưa chịu lấy chồng”.
Khách đến lượt sẽ được gọi tên. Sau khi người hầu xếp đủ đồ lễ, bà Thức hỏi tuổi, mồ mả, ngày sinh…của khách, hỏi xong đưa lưỡi kiếm lên ngang mặt, đặt xuống bàn, trên bàn có một bát nước lã được phủ bằng một tấm vải đỏ.
Người hầu lại lấy một mảnh vải đỏ phủ kín đầu bà Thức, cơ thể bà liền rung lên bần bật, hai tay còn kẹp sáu que nhang, rồi bà múa dập dìu theo điệu hát văn, người ở dưới cứ vái lạy không ngừng.
Một lúc sau, bà Thức nhìn khách phán the thé: “Con sinh phải giờ xấu, phận thê thiếp chỉ đến rồi lại đi mà thôi. Con phải làm một cái lễ thay cung đổi mệnh mới trừ được bệnh người âm ám! Mang vào đây 60 quả cau, 60 lá trầu cùng 800 nghìn đồng cho ông tơ, bà nguyệt…”.
Khách rút thêm tờ 200 nghìn đồng đặt lên đĩa. “Thánh đồng” thấy vậy lại chuyển hướng nhìn lên điện thờ vái ba lạy, xong đưa bát nước lã lên miệng, rút ba thẻ hương ngậm khói thổi vào bát nước, liền đó đọc thầm câu thần chú bằng tiếng Mường, đại ý: “Mượn thần bát nước vàng/ mượn thánh bát nước đỏ/ mang về vẩy lên lưng em yêu/ nếu không chịu về làm dâu, hễ nghe tiếng anh ở đâu thì đến với anh làm vợ…”.
Chân dung "Thánh cô" xứ Mường thổi nước lã làm phép... se duyên. |
Làm phép xong, “thánh đồng” còn nhúng năm ngón tay vào bát nước vuốt nhẹ ba lần qua trái, rồi qua phải lên lưỡi kiếm. Khi lưỡi kiếm đã ướt nước bùa, bà giơ kiếm thẳng đứng lên trời, chém nhẹ vào sống lưng, rồi vẩy nước bùa lên đầu, lên quần áo khách…Như thế là xong phép se duyên.
Người trần lo cưới ở “cõi âm”
Ngoài se duyên, giải bùa yểm, trừ tà ma…, “đồng” Thức còn biết điều khiển “cõi âm” để các cặp vợ chồng “cõi trần” hạnh phúc. Gia đình chị Bùi Thị Nguyệt (bản Đồng Hội, xã Thành Công, huyện Thạch Thành) trước đây thường to tiếng cãi vã, thậm chí đánh lộn. Nghe dân bản xì xào vì gia đình thờ bà cô nên “âm hồn” ám vào người chồng, chị Nguyệt đã tìm đến “đồng” Thức.
Bà này phán: “Nhà con có bà cô chết ở suối vàng, căn của mụ này lại xung khắc với vợ chồng… Nếu không làm lễ “cưới âm” thì “mụ cô” còn về vật cho vợ chồng con đến tan hoang cửa nhà”. Chị Nguyệt lo lắng về kể với chồng, hai người đã mang tiền và đồ lễ đến nhà “đồng” Thức để làm phép “cưới âm”. Tiền thì mất, vợ chồng thì thi thoảng vẫn “xô bát, xô đũa” như thường.
Đồng bào dân tộc Mường nơi đây dễ tin vào “cõi âm”, “ma quỷ”…, hễ vợ chồng cãi nhau lại cho rằng “ma nhà ám”, chỉ “thánh đồng” mới biết hóa giải. Nhiều người mê tín, nhìn bà Thức lên đồng với khói nhang, nước lã, thanh kiếm lại tin “thánh giáng thế”. Khi bà Thức nhập đồng người dân đều phải chắp tay quỳ lạy, khi thánh phán, mọi người răm rắp nghe theo, có người tóc bạc phơ cũng phải xưng “con”, gọi “ thánh”.
Trước thực trạng này, ông Hoàng Anh Xuân - Chủ tịch UBND xã Thành Vinh nói: “Bà Bùi Thị Thức mở phủ nổi đồng xưng chúa tại nhà đã mấy năm nay, chính quyền địa phương đã đến nhắc nhở nhiều lần về hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan. Tuy nhiên, bà con đồng bào dân tộc nơi đây nhiều người vẫn còn tin vào những điều mê tín, gây khó khăn trong công tác kiểm tra xử lý. Thời gian tới xã sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để có giải pháp triệt để chấn chỉnh vấn nạn này”.
Theo Pháp luật online