Nếu nhạc Bolero có danh hiệu diva, thì không ai xứng đáng hơn Thanh Tuyền.
Trong băng nhạc Tiếng hát Thanh Tuyền phát hành trước 1975, người dẫn chuyện đã nói về Thanh Tuyền một cách đầy tự hào và xúc cảm: "Dòng máu này còn chảy trong tim, ân tình này chưa phai theo kỉ niệm, hơi thở này còn thì tiếng hát Thanh Tuyền còn mãi vang xa…" .
Lời tựa này tuy bay bổng và giàu tính ước lệ, nhưng đã truyền đạt rất đúng về sức nặng và tầm ảnh hưởng của tiếng hát Thanh Tuyền trong dòng chảy Bolero nói riêng và nhạc Việt nói chung. Đây là tiếng hát vàng ròng, in đậm dấu ấn thời gian và đượm hồn dân tộc Việt Nam.
Tiếng hát vàng ròng của Bolero – niềm khát khao của nhiều ca sĩ ngày nay
Hẩu hết khán giả nghe Bolero đều ấn tượng đặc biệt với Thanh Tuyền và phải thừa nhận rằng, cô là tượng đài không thể thay thế của dòng nhạc này. Ấn tượng đầu tiên người ta cảm nhận được chính là âm sắc giọng đặc biệt của cô.
Thanh Tuyền sở hữu loại giọng full lirico soprano (nữ cao trữ tình đầy đặn) hiếm thấy ở Việt Nam, khác với đại đa số light lirico soprano (nữ cao trữ tình sáng mảnh như hầu hết các ca sĩ khác).
Full lirico soprano thường thấy ở phương Tây. Một số ca sĩ nổi tiếng sở hữu loại giọng này như: Celine Dion, Lara Fabian, Montserrat Caballe, Anna Netrebko… Loại giọng này ít thấy hơn ở châu Á và tập trung quanh vùng Trung Đông, Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Tại Việt Nam, do đặc trưng thổ nhưỡng, nguồn gen và thể lực nên full lirico soprano hiếm xuất hiện hơn hẳn light lirico soprano.
Tính đến nay, các giọng full kiểu này không nhiều, khác với hằng hà sa số light lirico soprano như Thu Minh, Hà Trần, Hồ Quỳnh Hương, Như Quỳnh, Ngọc Lan, Thái Thanh, Bảo Thy, Khởi My…
Đặc trưng của full lirico soprano là âm sắc đẹp, ấm áp, đầy đặn, quãng trung và cận cao phát triển, nhưng vẫn lên được những nốt cao sáng rực. Nhờ lợi thế đó, ca sĩ sở hữu loại giọng này thường hát truyền cảm và có nội lực lớn hơn hẳn.
Nếu ai đã từng nghe Thanh Tuyền hát live trực tiếp, sẽ không khỏi bất ngờ trước nội lực giọng hát của bà. Dù hát Bolero (dòng nhạc không đòi hỏi quá nhiều sự phô diễn), nhưng Thanh Tuyền vẫn khiến khán giả phải "choáng váng" thực sự trước âm lượng lớn và giọng hát xuyên thấu của mình.
Chỉ cần Thanh Tuyền mở miệng ra thôi cũng đủ áp đảo mọi ca sĩ hát chung với mình và lấp đầy toàn bộ khán phòng. Giọng hát của cô vô cùng chắc chắn, khỏe khoắn và nặng tính metalic (kim khí). Người nghe luôn có cảm giác, nếu Thanh Tuyền bung hết lực ra, sẽ chẳng kém cạnh gì Siu Black hay Thanh Lam, Mỹ Linh…
Giọng full lirico soprano bẩm sinh phú cho Thanh Tuyền quãng cận cao đanh dày, chắc khỏe vô cùng tận. Rất ít ca sĩ Việt Nam nào ở tuổi gần 70 vẫn có thể belt âm đóng /i/ tới tận C5 dày và nặng, nội lực lớn, với đầy đủ vibrato như Thanh Tuyền đã làm trong màn trình diễn ca khúc Chiều mưa biên giới tại Hà Nội hồi tháng 10 vừa qua.
Cô hát vững chãi như một tảng núi, sừng sững đến không thể quật ngã.
Cũng chính lợi thế của giọng full lirico soprano đã ban cho Thanh Tuyền phần quãng trung phát triển tới bất ngờ. Cô có thể nhả chữ và giữ nốt trên G4, G#4 vô cùng dày, chắc chắn và ẩn giấu phần nội lực không nhỏ trong đó. Điều này khác hẳn với các light lirico soprano khác (trừ Hà Trần).
Thật đáng tiếc vì dòng nhạc Bolero đã hạn chế Thanh Tuyền ở âm khu trung này khi bó cô vào những bỏ nhỏ, luyến láy. Nếu Thanh Tuyền chuyển qua hát nhạc nhẹ theo lối của 4 Diva Việt, chắc chắn cô sẽ có cơ hội được bung hết sức mình trên nhiều trường đoạn, để hóa thành "con sư tử" khổng lồ.
Năng lực trong quãng giọng của Thanh Tuyền thuộc hàng đáng nể. Cô mixed cao rất tốt và thoải mái, có thể lên giọng thật tới C5, D5, Eb5 một cách dễ dàng. Nhưng đồng thời, cô còn xuống được nhiều nốt trầm chắc chắn, sâu và tối.
Rất khó để tìm được một giọng nữ cao Bolero nào có thể xuống được F3 bằng chest voice với sức nặng như Thanh Tuyền trong ca khúc Kiếp nghèo. Cô cũng có thể hát nhiều đoạn trầm liên tiếp ở F3, F#3, G3, G#3 một cách thoải mái, nhả vào từng chữ mà không bị mờ.
Việc chuyển giọng liên tục trên các quãng từ cao xuống thấp, trải dài trong gần 2 quãng tám với sức nặng và chắc khỏe khi hát một ca khúc Bolero như Thanh Tuyền là điều cực kì khó nhằn, nếu không muốn nói là thách đố các ca sĩ Bolero ngày nay.
Xét về ngũ cung, các giọng full lirico soprano khác thường thuộc hành thủy, hoặc thủy pha kim, mộc pha kim, nhưng Thanh Tuyền lại thuần kim chính cách. Chưa kể, kết cấu thanh quản và xoang mặt đặc biệt biệt giúp cô có được độ vang bẩm sinh trong giọng hát (tương tự Whitney Houston).
Chính vì vậy, giọng hát Thanh Tuyền khi lên cao như cá gặp nước, sang sảng và trong trẻo, hội tụ đủ tính chất vang, rền, nền, nảy. Nó sáng và vang như tiếng đại hồng chung, bay xa và nảy trong không gian như một thứ kim loại quý hiếm.
Nói cách khác, mỗi khi hát, Thanh Tuyền tạo ra thứ âm thanh tráng lệ giống vàng mười, dội vào tai người nghe sự choáng ngợp và hào quang kì diệu như được chiêm ngưỡng một kì quan nào đó.
Điều này được thể hiện rõ nhất khi Thanh Tuyền nhảy lên quãng mixed voice tầm B4 tới D5. Khi đó, trong tần số vibrato của cô nảy lên độ rung độc đáo, nổi bần bật và bay xa như đang tung ra những chuỗi ngọc trong không gian vậy.
Về màu sắc, có thể ví tiếng hát Thanh Tuyền với màu hoàng yến rực rỡ xôn xao trong ánh nắng chói lòa. Chính nhờ âm sắc tuyệt vời, sang sảng hiếm có đó mà Thanh Tuyền đã nổi bật hơn hẳn Hương Lan (cũng là một giọng hát giàu âm sắc) khi hát chung với nhau.
Để hợp với thị hiếu khán giả và thể hiện đúng chất Bolero, Thanh Tuyền thường dùng lối hát bạch thanh, nhốt sâu âm thanh vào cuống họng mỗi khi lên cao.
Cách hát này không đúng chuẩn thanh nhạc kinh điển. Nó khiến những nốt cao của cô tuy sáng rực rỡ nhưng hơi gắt và nhọn như mũi dao đâm toạc không gian. Vì lẽ đó, một số người cho rằng giọng Thanh Tuyền không đẹp.
Tuy nhiên, trên thực tế, âm sắc giọng Thanh Tuyền lại rất đẹp vì có đủ độ ấm và đầy đặn nếu ngoại trừ những lúc sử dụng bạch thanh để lên cao.
Chẳng hạn, khi dùng falsetto (giọng gió) trên airy voice (âm hơi) để bỏ nhỏ, cô tạo được những quãng âm vô cùng mượt mà và mềm dịu, ngọt như mật, êm như nhung. Có thể thấy rõ điều này qua ca khúc Đà Lạt hoàng hôn.
Với những tiềm năng quý báu như vậy, giọng hát Thanh Tuyền thực sự là niềm khao khát của nhiều ca sĩ ngày nay, kể cả Bolero và ngoài Bolero. Thẳng thắn mà nói, nếu Thanh Tuyền được rèn luyện được rèn luyện theo chuẩn mực thanh nhạc cổ điển Tây phương, cô sẽ vô địch trong các giọng nữ cao ở Việt Nam.
Lối hát góp phần định hình Bolero
Thanh Tuyền không phải người khai phá Bolero. Trước cô đã có nhiều danh ca khác như Duy Khánh, Hà Thanh, Chế Linh, Phương Dung, Thanh Thúy, Hoàng Oanh…
Tuy nhiên, không thể phủ nhận, lối hát đặc biệt và đậm chất kĩ thuật của Thanh Tuyền đã góp phần không nhỏ vào việc định hình phong cách Bolero đương đại.
Thanh Tuyền tận dụng triệt để các lối hát truyền thống của dân ca vùng miền như nảy tiếng, đổ hột, vọng cổ câu vô và biến tấu, tinh giản đi cho phù hợp với Bolero một cách hài hòa nhất, chứ không chỉ đơn giản là luyến láy theo nhịp điệu.
Trong thanh nhạc, người ta gọi đây là sự thêm thắt, trang trí cho nốt nhạc lộng lẫy và đa dạng hơn.
Mục đích của việc sử dụng các kĩ thuật này là thổi điệu hồn dân tộc đượm hơn vào Bolero, biến nó từ ngoại lai thành thể thức nhạc riêng của người Việt, dân dã và đi sâu từ nguồn cội.
Bởi vậy, chỉ cần nghe Thanh Tuyền ca Bolero, người ta đã thấy mở ra cả một không gian miền quê Nam Bộ thôn dã. Không những vậy, khán giả còn tìm thấy âm hưởng của biết bao loại dân ca trải khắp ba miền đất nước. Trong đó có bóng dáng của quan họ, ả đào, ca Huế, vọng cổ…
Thanh Tuyền chọn cho mình cách hát trễ nải, nỉ non và mùi mẫn, ngọt lịm. Độ ngọt và mùi cô đưa vào bài hát thường nhiều hơn mức thông thường, đôi khi dư dả. Chính vì thế, cô thường bị xem là điển hình của lối hát sến.
Nhưng Thanh Tuyền không hề bận tâm về điều đó. Cô từng nói: "Trong nghệ thuật, việc quan trọng là khán giả tiếp nhận tiếng hát của mình như thế nào, và mỗi dòng nhạc đều có những tầng lớp khán giả khác nhau, nên sến hay không sến, tôi đều không quan tâm".
Quả thực, Thanh Tuyền có sến, nhưng cái sến của cô không hề cứng nhắc, gượng ép, làm cho cố như nhiều ca sĩ sau này, mà hoàn toàn tự nhiên, mùi mẫn, đa sầu đa cảm. Chính lối hát này đã trở thành phần cơ bản của Bolero.
Giống như Thái Thanh, tiếng hát Thanh Tuyền không dễ tiếp nhận, vì nó quá "mùi", quá "cảm", ai mới nghe sẽ cảm thấy hơi khó chịu vì chất bi cảm quá lớn của nó.
Nhưng nếu đã nghe quen, người nghe sẽ bị nghiện tiếng hát ấy, nghiện chất mùi mẫn ấy, không dứt ra được. Hai tiếng hát này hệt như một quả sầu riêng, mùi rất nồng, bay rất xa và rất đậm, người không quen thì không thích, nhưng đã quen thì có đắt mấy cũng muốn mua về để thưởng thức cho đặng.
Nhược điểm cố hữu của Thanh Tuyền là hát không rõ chữ và hay bị bóp méo âm tiết. Chẳng hạn, /ơi/ thành /ươi/, /âu/ thành /uâu/, /iên/ thành /in/, /iêu/ thành /iu/… Điều này khiến nhiều người nghe cảm thấy hơi khó chịu, giống như nghe một người hát ngọng.
Tuy nhiên, có thể đó là lối hát riêng của cô và nếu đã nghe quen rồi thì sẽ vẫn thấy hay.