Nhiều năm nay, những ngành đào tạo truyền thống vẫn rất khó tuyển sinh dù có nhiều Chính sách hỗ trợ. Chính điều này khiến các trường đại học phải mở thêm nhiều ngành nghề mới để bắt kịp được nhu cầu của xã hội cũng như người học mặc dù không phải là những ngành có thế mạnh đào tạo.
Xuất phát từ trường đào tạo các ngành học cơ bản về Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, tuy nhiên để đáp ứng xu thế Trường Đại học Đà Lạt đã chuyển sang đào tạo đa ngành. Thông tin với Người Đưa Tin, TS Trần Hữu Duy - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Đà Lạt cho biết: “Những ngành phù hợp với nhu cầu xã hội như Quản trị kinh doanh, Du lịch, Luật, Đông phương học nhìn chung vẫn tuyển sinh tốt, có đủ lượng thí sinh theo học”.
Tuy nhiên, các ngành thiên về nghiên cứu như Khoa học sự sống hay Toán, Lý, Hoá, Sinh, Văn, Sử những năm gần đây đều gặp khó khăn trong việc tuyển sinh.
“Điều này diễn ra phổ biến ở tất cả các cơ sở đào tạo trên cả nước, không riêng một trường nào. Nguyên do bởi các ngành này vẫn có mức lương thấp, kiến thức khó hơn so với ngành khác, cần có chuyên môn cao”, ông Duy bày tỏ.
Ngành Khoa học sự sống là một trong những ngành có tỉ tệ tuyển sinh thấp nhất trong năm 2022 (chiếm 0,64%), sinh viên theo học sau khi ra trường sẽ làm ở các viện nghiên cứu vắc-xin, phòng thí nghiệm, trung tâm ứng dụng các sản phẩm sinh học.
Theo ông Duy, nhu cầu lao động của ngành là rất lớn, riêng đối với tại Lâm Đồng ngành Công nghệ sinh học rất phát triển, tuy nhiên học sinh hiện nay có xu hướng thích việc nhẹ, lương cao nên không mặn mà đối với lĩnh vực này.
Ông Duy cho biết: “Những ngành kén người học như Kỹ thuật hạt nhân làm ở các viện nghiên cứu hạt nhân hoặc trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, những cơ quan này đều rất cần các lao động có trình độ cao nhưng vẫn gặp không ít khó khăn để tìm nhân lực. Tình trạng này là khó khăn chung, cần có những giải pháp vĩ mô để giải quyết”.
Đối với nhà trường, nhằm thu hút học sinh cũng thực hiện các chính sách miễn giảm học phí đối với những ngành này. Nhưng thực tế việc này cũng không hiệu quả, đòi hỏi chính sách dài hơi vì quan trọng nhất là việc làm của sau khi ra trường.
Về phía các thí sinh, ông Duy cũng cho rằng các em đang chọn ngành theo phong trào, trong khi năng lực bản thân và khả năng tài chính mới là những yếu tố quyết định đến việc chọn trường học, ngành học.
Mặc dù có 7 khối ngành đào tạo, nhưng theo ông Võ Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Đại học Văn Lang cho biết, các chuyên ngành Kỹ thuật cơ – điện máy tính, Kỹ thuật an toàn, Kỹ thuật ô tô qua các năm vẫn rất khó tuyển sinh, trái ngược với các ngành Sức khoẻ và Kinh tế.
“Các bạn nam có thế cân nhắc đi theo ngành Kỹ thuật vì xu hướng phát triển việc làm trong tương lai tốt hơn, thu nhập cao nhưng lại có mức điểm xét tuyển đầu vào thấp hơn so với các ngành được nhiều thí sinh quan tâm”, ông Tuấn cho biết.
Đại diện nhà trường cho rằng vì thí sinh không nắm rõ chương trình đào tạo và cơ hội nghề nghiệp trong khi đây cũng là ngành khó, vất vả trong quá trình làm nghề nên không được nhiều em lựa chọn.
Ông Tuấn bày tỏ: “Việc chọn ngành theo xu hướng thời thượng cũng sẽ có 2 mặt. Sau 4 năm, thị trường lao động rất dễ bị bão hoà, ổn định, không còn có nhu cầu nhân lực cao như khi học sinh đăng ký theo học”.
Bộ GD&ĐT cho biết trong 3 năm liền, bốn lĩnh vực Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất. Các cơ sở đào tạo tuyển kém chủ yếu do một số nguyên nhân: chưa đủ uy tín, thương hiệu để hấp dẫn thí sinh, do vị trí địa lý, sự cạnh tranh khi chỉ tiêu hàng năm tăng, lĩnh vực đào tạo thí sinh ít có nhu cầu theo trào lưu xã hội, ngành đào tạo hẹp, ngành mới thí điểm đào tạo, ngành thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp |